Quy trình trong ngày bỏ phiếu bầu cử diễn ra như thế nào?

 

Trả lời: Sau khi đã kiểm tra đầy đủ các điều kiện cần thiết cho ngày bầu cử, tổ bầu cử mới tổ chức lễ khai mạc và tiến hành việc bỏ phiếu.

Lễ khai mạc phải được tổ chức trang trọng, thời gian khoảng 15 đến 20 phút, do tổ trưởng tổ bầu cử chủ trì theo nội dung và trình tự sau đây: Chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; đọc diễn văn khai mạc; đọc nội quy phòng bỏ phiếu; kiểm tra hòm phiếu chính, hòm phiếu phụ trước sự chứng kiến của cử tri; mời hai cử tri không phải là những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp ứng cử tại khu vực bỏ phiếu chứng kiến việc kiểm tra hòm phiếu, sau đó niêm phong hòm phiếu chính, hòm phiếu phụ theo quy định.

Sau khi thực hiện thủ tục niêm phong hòm phiếu, tổ trưởng tổ bầu cử tuyên bố cuộc bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 bắt đầu.

Tổ bầu cử phải bố trí thành viên thường trực bên hòm phiếu làm nhiệm vụ hướng dẫn cử tri bỏ phiếu và bảo vệ hòm phiếu.

Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu hộ, bầu thay. Khi đến phòng bỏ phiếu, cử tri xuất trình Thẻ cử tri để được nhận phiếu bầu.

Khi bắt đầu việc bỏ phiếu, tổ bầu cử mời những cử tri có tên trong danh sách cử tri là lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, người có công với cách mạng, chức sắc tôn giáo (nếu có) và cử tri là người cao tuổi nhất có mặt tại thời điểm khai mạc bỏ phiếu trước.

Việc bỏ phiếu được tiến hành liên tục. Trong quá trình diễn ra việc bỏ phiếu, các thành viên tổ bầu cử phải ân cần, lịch sự, hướng dẫn tận tình, chu đáo cho cử tri đến tham gia bỏ phiếu.

Các thành viên tổ bầu cử được phân công đảm nhiệm từng công việc trong ngày bầu cử phải chủ động thực hiện nhiệm vụ được phân công và hỗ trợ thành viên khác hoàn thành nhiệm vụ chung của tổ bầu cử.

Tổ bầu cử hướng dẫn cụ thể cử tri cách thức bỏ phiếu. Cử tri nếu không tín nhiệm người ứng cử nào sẽ gạch ngang cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng chữ họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu; không để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu.

Khi cử tri gạch phiếu bầu, không ai được xem, kể cả các thành viên tổ bầu cử. Nếu cử tri gạch bị nhầm hoặc bị hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.
Cử tri không thể tự gạch phiếu bầu sẽ nhờ người khác gạch phiếu hộ nhưng phải tự mình bỏ phiếu.

Người gạch phiếu hộ phải đọc đầy đủ họ và tên những người ứng cử trên phiếu bầu để cử tri tự mình quyết định. Người gạch hộ phiếu bầu phải ghi trung thực ý muốn của cử tri nhờ viết hộ và bảo đảm bí mật phiếu bầu. Khi viết hộ phiếu bầu xong phải giao lại phiếu bầu cho cử tri để cử tri tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu. Người khuyết tật không thể bỏ phiếu được, nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Trong khi tiến hành bỏ phiếu, nếu có tình huống bất thường xảy ra làm gián đoạn cuộc bỏ phiếu, Tổ trưởng tổ bầu cử và các thành viên tổ bầu cử phải nhanh chóng hội ý để kịp thời xử lý. Trường hợp vượt quá thẩm quyền hoặc không thể tự xử lý được phải tạm dừng cuộc bỏ phiếu.

Tổ Bầu cử phải tiến hành niêm phong và quản lý chặt chẽ hòm phiếu, phiếu bầu và các tài liệu liên quan khác, kịp thời báo cáo Ban bầu cử để có phương án giải quyết, đồng thời phải có biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục tiến hành. Tổ bầu cử phải đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào Thẻ cử tri của cử tri đã bỏ phiếu bầu xong.

Sau khi đã hết giờ bỏ phiếu theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, tổ bầu cử mới được mở hòm phiếu để kiểm phiếu./.

Phản hồi

Các tin khác