(ĐHXIII) – Dưới nhan đề bài viết “Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm”, trang mạng aseantoday.com (có trụ sở ở Singapore) đã phân tích các yếu tố giúp Việt Nam khẳng định vị thế đất nước, bao gồm: Kiểm soát hiệu quả, nhanh chóng đại dịch COVID-19; các thành tựu ngoại giao đa phương, tăng trưởng kinh tế…
|
Bài viết trên trang aseantoday.com đặt kỳ vọng vào Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh chụp màn hình)
|
Ngày 21/1, trang mạng aseantoday.com đã có bài viết ca ngợi những thành công ấn tượng trong cuộc chiến chống COVID-19 và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Những kết quả này chủ yếu được mang lại nhờ ý chí mạnh mẽ và các biện pháp quyết liệt của chính phủ và người dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Bài viết kỳ vọng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục mang lại những đổi thay, bước phát triển mới cho đất nước.
Dưới nhan đề bài viết “Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm”, trang mạng aseantoday.com (có trụ sở ở Singapore) đã phân tích các yếu tố giúp Việt Nam khẳng định vị thế đất nước, bao gồm: Kiểm soát hiệu quả, nhanh chóng đại dịch COVID-19; các thành tựu ngoại giao đa phương, tăng trưởng kinh tế…
Bài viết chỉ ra rằng, ngay từ những ngày đầu đại dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã trở thành một “điểm sáng”, hình mẫu kiềm chế thành công đại dịch, nhờ vào những biện pháp quyết liệt, kịp thời và hiệu quả. Khi cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu bước sang năm thứ hai, Việt Nam tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19.
Bài viết dẫn lại báo cáo do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào cuối tháng 6/2020 khẳng định “Thành công của Việt Nam trong kiềm chế COVID-19 đã trở thành hình mẫu cho các nước đang phát triển”, trong đó ca ngợi Việt Nam đã đưa ra những biện pháp ngăn chặn, kiểm soát tích cực và hiệu quả về chi phí, cùng với sự góp sức, chung tay của toàn xã hội. Đến cuối tháng 8/2020, trang tin của Liên hợp quốc (UN News) tiếp tục đăng tải bài viết của tác giả Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam với nhan đề “Chìa khóa dẫn tới thành công của Việt Nam trong ứng phó với COVID-19”. Theo quan điểm của ông Malhotra thì sự thành công của Việt Nam trong ứng phó với COVID-19 đã thu hút sự chú ý của cả thế giới, bởi sự vào cuộc ngay từ sớm từ chính phủ, cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp xã hội.
Ngoài việc ứng phó thành công với đại dịch COVID-19, trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong ngoại giao đa phương, gồm việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, mở đầu nhiệm kỳ thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – AIPA 41.
Trong bối cảnh bùng phát của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã chủ trì các cuộc họp trực tuyến của ASEAN và đưa ra 13 sáng kiến. Điển hình là Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2020 đã thông qua một “số lượng kỷ lục” các thỏa thuận và nghị quyết, gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – một thỏa thuận thương mại tự do đặt các nước châu Á – Thái Bình Dương vào một thế giới năng động mới và là thỏa thuận thương mại lớn nhất trên thế giới.
Trong năm qua, Việt Nam đã thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong khuôn khổ ASEAN – Liên hợp quốc và Đại Hội đồng Liên hợp quốc cũng đã thông qua sáng kiến của Việt Nam, lấy ngày 27/12 hàng năm là “Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh”. Hợp tác ASEAN – Liên hợp quốc trong hòa bình và an ninh quốc tế là một chủ đề chủ đạo trong nhiệm kỳ Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN.
|
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ diễn ra từ ngày 25/1 đến ngày 2/2. (Ảnh: Thế Dương)
|
Bài viết dẫn lời Giáo sư Carl Thayer chuyên về các vấn đề Đông Nam Á tại Đại học New South Wales (Australia) cho rằng, cách ứng phó của Việt Nam trước đại dịch COVID-19 đã nâng tầm vị thế của Việt Nam không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu. Giáo sư Carl Thayer cùng các nhà phân tích khác cũng nhắc đến vai trò gần đây của Việt Nam trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, gồm việc hỗ trợ mở rộng phối hợp giữa ASEAN, Hội đồng Bảo an và các cơ quan khác của Liên hợp quốc cũng như thúc đẩy toàn cầu tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Về tăng trưởng kinh tế, theo đánh giá của aseantoday.com thì trong năm 2020, Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới đạt được tăng trưởng kinh tế. Bài viết dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, trong năm qua tăng trưởng GDP của Việt Nam là 2,91%, trong đó thặng dư thương mại đạt gần 19,1 tỷ USD. Theo nhận định của hãng truyền thông Reuters (Anh) và Thời báo kinh tế (Singapore) thì việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch và truy vết nghiêm ngặt đã giúp Việt Nam nhanh chóng kiềm chế được sự lây lan của dịch bệnh và phục hồi kinh tế nhanh hơn các nước khác ở khu vực châu Á. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cũng khẳng định Việt Nam là một trong 2 nước (cùng với Trung Quốc) ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế dương trong bối cảnh thế giới đang chao đảo vì COVID-19.
Bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế, theo đánh giá của aseantoday.com thì trong năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ về công nghệ và giáo dục, bất chấp tác động của COVID-19. Cụ thể, trong năm 2020, Việt Nam đã đạt tiến bộ trong phát triển mạng 5G, sử dụng các thiết bị do tập đoàn trong nước Viettel cung cấp. Việt Nam cũng là nước có nhiều học sinh, sinh viên đạt thành tích trong các cuộc thi học thuật toàn cầu.
Kết luận bài viết, bài viết trên trang aseantoday.com cho rằng, Việt Nam đang bước vào một thập kỷ mới, với những khát vọng phát triển và xây dựng xã hội thịnh vượng. Bài viết chia sẻ với quan điểm của TS. Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng và dẫn đầu công cuộc Đổi mới, đưa nền kinh tế đất nước từ kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa, thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa, tích cực hội nhập quốc tế. Những nỗ lực này đã được chứng minh là mang lại một sự thành công to lớn cho Việt Nam.
Theo kế hoạch, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ diễn ra từ ngày 25/1 đến ngày 2/2 để bầu ra ban lãnh đạo mới. Trang aseantoday.com tin tưởng rằng, sau một năm 2020 đầy biến động, ban lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành đất nước hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các mục tiêu đa phương vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên toàn cầu./.
Thu Lan