(ĐHXIII) - Triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, tỉnh Bình Dương đã thực hiện có hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm địa phương. Qua đó tạo cơ sở để phát triển ổn định, hiệu quả.
Điểm nhấn nổi bật đầu tiên ở Bình Dương đó là các cấp, các ngành đã tập trung mọi nỗ lực để từng bước tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ đầu năm 2020, các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh tiếp tục thực hiện những cải cách về đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã được công bố trong thời gian qua, như lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, cấp phép xây dựng, tài nguyên - môi trường, giao thông vận tải,... Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt: Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn chủ động phối hợp với các trường học, bệnh viện, công ty bán lẻ điện, công ty cấp thoát nước, công ty vệ sinh môi trường và các công ty bưu chính, viễn thông triển khai thu phí qua ngân hàng; đồng thời tăng cường cung cấp các dịch vụ ngân hàng điện tử, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với dịch vụ hành chính công.
Đặc biệt, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn, trong năm 2020, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức thành công Hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, với hơn 300 doanh nghiệp, nhà đầu tư đại diện cho gần 9.000 doanh nghiệp tham dự. Các hoạt động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp tiếp tục được UBND tỉnh quan tâm và tổ chức thường xuyên dưới nhiều hình thức như Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, Hội nghị đối thoại doanh nghiệp về chính sách và cải cách hành chính thuế... Để triển khai một cách sáng tạo, hiệu quả “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương cũng đã xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp nhằm tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa một số thủ tục để phục vụ doanh nghiệp và đã đạt được kết quả tích cực. Nhìn chung, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đều xác nhận sự cải thiện tích cực trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp từ thủ tục thành lập đến những nỗ lực đáp ứng nhu cầu kê khai, nộp thuế, tiếp cận điện năng, nguồn vốn vay hoặc thủ tục xây dựng... từ phía cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được tăng cường thực hiện. Các cơ quan trực thuộc tỉnh đã tổ chức nhiều khoá đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cho các nhóm đối tượng; tuyên truyền và tổ chức cho các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình tập huấn trực tuyến về thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu (EVFTA).
|
Năm 2020, tỉnh Bình Dương tiếp tục duy trì sức hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. (Ảnh: GC).
|
Với những giải pháp cơ bản nói trên, có thể nhận thấy rõ quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương trong chủ động cải thiện môi trường đầu tư để phát triển bền vững. Kết quả trong năm qua, tuy chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng dưới sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp đã giúp Bình Dương đạt được những kết quả quan trọng trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, bảo đảm sức khỏe của người dân, vừa đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, GRDP của tỉnh tăng 6,19% so với năm 2019. Theo đánh giá, mặc dù là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay, nhưng đây là mức tăng trưởng khá so với cả nước và khu vực Đông Nam Bộ. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 8,02%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng 8,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 133.568 tỷ đồng, tăng 11,6%; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1 tỷ USD.
Thu hút vốn đầu tư trong nước đạt hơn 70.000 tỷ đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài lũy kế đến nay đạt 35 tỷ USD với 3.923 dự án, xếp thứ ba cả nước sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Kim ngạch xuất khẩu đạt 27,4 tỷ USD, xuất siêu 6 tỷ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 61.400 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho 45.300 lao động; thu nhập bình quân đầu người 151 triệu đồng/năm..
Theo đồng chí Hoàng Văn Thao, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ tối đa các nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đồng thời nhanh chóng triển khai và vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách; tranh thủ những ưu đãi để kêu gọi đầu tư, tập trung nguồn lực tài chính, từng bước hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ./.
Trần Anh Tuấn