Để Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025
Xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống người dân (ảnh chụp tại xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông).

Xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống người dân (ảnh chụp tại xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông).

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, dù xuất phát điểm thấp, nhưng với quyết tâm, sự nỗ lực, đồng lòng của chính quyền và nhân dân, công tác xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, toàn tỉnh có 119 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm hơn 83% tổng số xã của tỉnh); trong đó, có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Tỉnh Tiền Giang hiện có 5 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Đông, TX. Cai Lậy, TX. Gò Công và TP. Mỹ Tho). Với những kết quả trên, Tiền Giang đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra đến năm 2020 và vượt chỉ tiêu của Trung ương giao. Từ một tỉnh xếp ở nhóm cuối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về xây dựng NTM vào cuối năm 2015, đến nay Tiền Giang đã vươn lên nhóm đầu trong khu vực về số xã đạt chuẩn NTM.

Để tiếp tục tập trung thực hiện công tác xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI đã đề ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn NTM; 8/8 huyện đạt chuẩn NTM; có từ 20% - 30% xã NTM nâng cao và 10% xã NTM kiểu mẫu; phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Tiền Giang đạt chuẩn NTM”. Để cụ thể hóa Nghị quyết này, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét ban hành nghị quyết về lãnh đạo xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Theo lộ trình để đưa tỉnh đạt chuẩn NTM vào năm 2025, trong năm 2021, tỉnh phấn đấu có 11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Gò Công Tây được công nhận đạt chuẩn NTM. Năm 2022, tỉnh phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM, từ 7 - 10 xã NTM nâng cao và huyện Cai Lậy đạt chuẩn NTM. Năm 2023, tỉnh phấn đấu có thêm 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 8 - 10 xã NTM nâng cao, 3 xã NTM kiểu mẫu; 2 huyện đạt chuẩn NTM (huyện Châu Thành và huyện Cái Bè).

Năm 2024, tỉnh phấn đấu có thêm 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 8 - 10 xã NTM nâng cao, 5 - 10 xã NTM kiểu mẫu; 1 huyện đạt chuẩn NTM (huyện Tân Phước). Năm 2025, tỉnh tiếp tục phấn đấu có 5 - 10 xã NTM nâng cao, 5 - 10 xã NTM kiểu mẫu; 1 huyện đạt chuẩn NTM (huyện Tân Phú Đông) và tỉnh Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.

Trên cơ sở lộ trình đặt ra cho từng năm, các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch, chương trình xây dựng NTM trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 để góp phần cùng tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI.

Để góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, thời gian tới Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng tham gia xây dựng NTM đi vào chiều sâu.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xây dựng NTM cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025...

Để hoàn thành lộ trình đề ra, Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ tiếp tục tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn NTM xây dựng kế hoạch tiếp tục nâng chất các tiêu chí đã đạt; đồng thời, tiếp tục xây dựng kế hoạch để đạt chuẩn xã NTM nâng cao/NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025; hướng dẫn, hỗ trợ huyện đã đạt chuẩn NTM xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.

Theo Ban Chỉ đạo tỉnh Tiền Giang, hiện Quốc hội chưa có Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 nên Thủ tướng Chính phủ chưa thể ban hành được chương trình cho giai đoạn 2021 - 2025 và chưa thể ban hành Bộ tiêu chí NTM các cấp giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó, các bộ, ngành Trung ương chưa thể ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình cho giai đoạn mới.

Do đó, việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình từ đầu năm 2021 đến khi có hướng dẫn mới của Trung ương sẽ gặp nhiều khó khăn. Các xã/huyện còn lại chưa đạt chuẩn NTM đều là các xã khó khăn hơn nhiều so với các xã đã đạt chuẩn. Cơ sở hạ tầng cần đầu tư để đạt tiêu chí là rất lớn và đòi hỏi nguồn lực cần đầu tư rất nhiều./.

Phản hồi

Các tin khác