Đồng Nai xây dựng các giải pháp đồng bộ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh

Tiềm năng phát triển dịch vụ cảng ở Đồng Nai là rất lớn. (Ảnh: Báo Đồng Nai)

Tập trung phát huy thế mạnh…

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà, để thực hiện được mục tiêu của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025 cần sự nỗ lực phấn đấu và sự phối hợp cao của toàn hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh cùng nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể. Trong đó, tỉnh cần sớm triển khai công tác lập quy hoạch tỉnh, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chú trọng đồng bộ giữa các quy hoạch và điều chỉnh, bổ sung phát triển khu công nghiệp, cụm khu đô thị thương mại, dịch vụ… để thu hút đầu tư. Trong thu hút đầu tư, chú trọng thu hút công nghệ nguồn, những trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm đào tạo con người theo tiêu chuẩn quốc tế. Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, nguồn nhân lực chất lượng cao để giúp tỉnh phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ, tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong 5 năm tới của Đảng bộ tỉnh, mục đích cuối cùng cũng là để có điều kiện chăm lo đời sống nhân dân tốt hơn. Khi triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh, yếu tố con người là quan trọng. Do vậy, cán bộ, đảng viên nào cố ý làm trái vì lợi ích bản thân, gia đình, gây ách tắc công việc chung thì xử lý nghiêm. Trong nhiệm kỳ này, cần xây dựng bộ máy hoạt động thật tốt vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ theo hướng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, các ứng dụng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các lĩnh vực dịch vụ cơ bản, như: logistics, y tế, giáo dục đào tạo, du lịch, giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng hệ thống kho bãi hiện đại, vận tải đa phương thức, tích hợp cơ sở dữ liệu liên thông và dùng chung lĩnh vực xuất - nhập khẩu để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Tăng cường xúc tiến đầu tư, hợp tác với các địa phương trong vùng, trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực ưu tiên của Đồng Nai. Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để tạo động lực phát triển cho vùng, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.

Tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn và giao thông kết nối vùng. Theo đó, từ năm 2021 tỉnh Đồng Nai sẽ ưu tiên nguồn lực, vốn để thực hiện các dự án trọng điểm của quốc gia và tỉnh. Như, chuẩn bị các tuyến giao thông kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án giao thông khác để khai thác tốt lợi thế, động lực mới khi các dự án này đi vào khai thác. “Việc tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là hạ tầng giao thông có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ. Khi hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại mới đón được “đại bàng lớn” vào đầu tư…” - Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà nhận định.

Cùng với huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, lĩnh vực nông nghiệp cũng được đặc biệt quan tâm, vì đây là trụ đỡ trong nền kinh tế đất nước. Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ thông tin, đến năm 2020 giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp ở Đồng Nai đạt 43.504 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân 1 ha đất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt khoảng 228,8 triệu đồng/năm; tỉ trọng ngành Nông nghiệp trong GRDP toàn tỉnh chiếm 8,3%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước gần 60 triệu đồng.

Trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, quy hoạch các vùng phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao và các loại sản phẩm vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Rà soát, hoàn thiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, hiệu quả để nhân rộng và tập trung nghiên cứu, chuyển giao các loại giống cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, điều kiện từng địa phương để tạo ra chuỗi giá trị nông sản thực phẩm bền vững.

Chú trọng nguồn nhân lực

Nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương cũng đang tích cực xây dựng chương trình hành động để triển khai thực hiện nghị quyết. Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thanh Tú cho rằng, cần tiếp tục đổi mới hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; tăng cường sự gắn kết giữa giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp với kiểm tra, giám sát của Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của nhân dân để kịp thời giải quyết những bức xúc của nhân dân, tạo đồng thuận xã hội. Phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính; nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thường xuyên kiện toàn, sắp xếp các cơ quan hành chính nhà nước phù hợp thực tiễn địa phương, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ giữa các cơ quan, đơn vị để đảm bảo bộ máy chính quyền hoạt động đồng bộ, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình nhấn mạnh, phải coi trọng công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. 5 năm qua, Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác KTGS đạt nhiều kết quả tích cực. Qua KTGS đã kịp thời ngăn ngừa sai phạm và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, giúp cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên nhìn nhận rõ khuyết điểm, hạn chế, khắc phục yếu kém, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ.

Nhằm phát huy tốt công tác KTGS trong thời gian tới, các cấp ủy cần quan tâm hơn nữa chất lượng công tác KTGS, coi đây là công việc thường xuyên, công cụ lãnh đạo quan trọng nhằm giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong toàn Đảng bộ tỉnh. Qua công tác KTGS, khi phát hiện có sai phạm thì kịp thời thay thế, cho từ chức đối với cán bộ thiếu gương mẫu, làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà đề xuất, cần tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng rõ hơn ý thức, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, ý chí quyết tâm vượt qua những trở ngại, chủ động, sáng tạo để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương trên quan điểm và nguyên tắc: kết hợp giữa “xây” và “chống”, nói ít làm nhiều, làm đến đâu chắc đến đó, bám sát đối tượng, liên hệ chặt chẽ với thực tế, đề cao tính thực chất, tự soi tự sửa, tự phê bình và phê bình.

Đồng chí Cao Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định, một trong 4 khâu đột phá thời gian tới là: chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại mà tỉnh có lợi thế, trọng tâm chính là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics. Cùng với nhiều lợi thế về đường bộ, đường sông, cảng biển và thời gian tới khi cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào hoạt động, Ðồng Nai phấn đấu trở thành trung tâm logistics của khu vực. Tỉnh đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 20-25%/năm, tỉ trọng đóng góp vào GDP từ 10-15%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 35%./.

Phản hồi

Các tin khác