Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của Thủ đô và cả nước
Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 71 đồng chí đã chính thức ra mắt Đại hội.

Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 71 đồng chí đã chính thức ra mắt Đại hội.

Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, trong không khí dân chủ, đoàn kết và với ý thức trách nhiệm cao trước Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô, chiều 13/10, Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố (TP) Hà Nội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Tham dự phiên bế mạc có các đồng chí: Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Xuân Tùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên Hà Nội khoá XVI không tái cử.

Với tinh thần dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 71 đồng chí; Ban Thường vụ gồm 16 đồng chí. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XVI được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 với tỷ lệ 100% (71/71). Các Phó Bí thư gồm các đồng chí: Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy khóa XVI; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP; Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy khóa XVI. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội gồm 12 đồng chí. Đồng chí Hoàng Trọng Quyết, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra.

Đại hội đã bầu Đoàn đại biểu Đảng bộ TP dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng gồm 60 đồng chí và bầu đại biểu dự khuyết gồm 5 đại biểu. Như vậy, tổng số lượng đại biểu của Đảng bộ TP Hà Nội dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng gồm 63 đồng chí, trong đó có 3 đồng chí là đại biểu đương nhiên.

Tại phiên bế mạc, Đại hội đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia tại Đại hội đối với dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia tại Đại hội đối với các văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XVII; Biểu quyết về các chỉ tiêu chủ yếu, khâu đột phá, đề án, chương trình trọng điểm của nhiệm kỳ 2020 – 2025; Ra mắt Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII; Biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội.

Theo đó với chủ đề: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, Đại hội thống nhất đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ TP có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Các đồng chí Thường trực Thành ủy Hà Nội khóa XVII tặng hoa cảm ơn các đồng chí Thành ủy viên khóa XVI không tái cử.

Các đồng chí Thường trực Thành ủy Hà Nội khóa XVII tặng hoa cảm ơn các đồng chí Thành ủy viên khóa XVI không tái cử.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Đại hội quyết nghị 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá là: Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch…

Đại hội thống nhất thông qua 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020 - 2025 đã trình bày chi tiết trong Báo cáo chính trị là: Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ Thành phố trong sạch, vững mạnh; Tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững; Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững; Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp TP, triển khai mạnh mẽ nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; Phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của Nhân dân Thủ đô; Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển Thủ đô hiện đại, văn minh.

Đồng thời tiếp tục phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu; Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô trong mọi tình huống; Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô; Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; Đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hoạt động của các hội quần chúng Thành phố, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân Thủ đô; Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phát biểu bế mạc Đại hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định: Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XVII thành công tốt đẹp, tạo tiền đề quan trọng để Đảng bộ và Nhân dân TP tiếp tục phấn đấu, xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Đại hội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Đại hội.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Bên cạnh thuận lợi, thời cơ lớn, song chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu, phương hướng phát triển Thủ đô trong nhiệm kỳ mới, ngay sau Đại hội, Bí thư Vương Đình Huệ đề nghị tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVII và từng đồng chí đại biểu, đại diện cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị phải bắt tay ngay vào việc cụ thể hoá và chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời và có hiệu quả Nghị quyết Đại hội.

Đồng thời, các cấp, các ngành, các đoàn thể Thành phố cần có kế hoạch quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân Thủ đô về Nghị quyết XVII của Đảng bộ Thành phố, gắn với triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; sớm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XVII; đồng thời xây dựng kế hoạch, đề án để cụ thể hóa và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Mỗi cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cấp phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao, có tầm nhìn và tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp phát triển của Thủ đô và cả nước”.

Bí thư Vương Đình Huệ nêu rõ: “Trong giai đoạn phát triển mới, với vai trò, vị thế của Thủ đô, Đảng bộ lớn nhất cả nước, nhiệm vụ đặt ra cho nhiệm kỳ tới là rất to lớn, nặng nề, song rất vinh dự và vẻ vang, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng, hành động quyết liệt; tuyệt đối không thỏa mãn với thành tích đã đạt được; tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, đồng thời phối hợp tốt với các địa phương liên quan để thực hiện thắng lợi những mục tiêu Đại hội đề ra”.

 Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025

- Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025: 7,5-8,0%; trong đó: Dịch vụ: 8,0-8,5%; Công nghiệp và xây dựng 8,5-9,0%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản: 2,5-3,0%.

Cơ cấu kinh tế năm 2025: Dịch vụ 65,0-65,5%; Công nghiệp và xây dựng 22,5-23,0%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4-1,6%.

GRDP bình quân/người: 8.300-8.500 USD.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: 3,1 - 3,2 triệu tỷ đồng (giá hiện hành, tăng 12,5-13,5%/năm).

Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%.

Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7,0-7,5%.

- Về văn hóa - xã hội: Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa: 75%; Thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Thôn, Làng văn hóa: 65%; Gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa: 86-88%.

Tỷ lệ trường công lập (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia: 80-85%.

Số giường bệnh/vạn dân: 30-35; Số bác sỹ/vạn dân: 15; Duy trì 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 75-80%; Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ: 55-60%.

Tỷ lệ thất nghiệp thành thị: dưới 3%.

Không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố.

- Về quy hoạch, đô thị, nông thôn và môi trường: Tỷ lệ huyện đạt chuẩn nông thôn mới: 100%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: 40%, nông thôn mới kiểu mẫu: 20%; Hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp Thành phố.

Tỷ lệ đô thị hóa: 60-62%; Tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu: 100%.

Tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch: 100%.

Tỷ lệ các chất thải và nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn về môi trường: Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn: 100%; Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý: 100%; Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%; Tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải: 100%...

- Về xây dựng Đảng: Số lượng đảng viên mới được kết nạp hằng năm: 9.000-10.000 đảng viên.

Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm: Trên 75%.

Tỷ lệ tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm: Trên 75%.

 

Phản hồi

Các tin khác