Tạo sức bật đưa Đắk Lắk bước vào thời kỳ phát triển mới
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành nhiều mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Nổi bật kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,75%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng cao, năm 2020 ước đạt 62.500 tỷ đồng, gấp 1,52 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người ước đạt 54,5 triệu đồng, gấp 1,67 lần năm 2015. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 151.000 tỉ đồng.Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 30.679 tỉ đồng.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng mắc ca của doanh nghiệp Đắk Lắk
tại Hội nghị mắc ca Việt Nam được tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột (29-9-2020). Ảnh: Báo Đắk Lắk
|
Quá trình phát triển mạnh mẽ nhất của Đắk Lắk trong 5 năm qua là cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Cụ thể, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm từ 45% xuống còn 36%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng đều qua các năm, từ 15,6% lên 16,5%; khu vực dịch vụ ngày càng đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung.
Trong 5 năm qua, công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có nhiều bước phát triển đột phá mạnh mẽ. Sản xuất công nghiệp tăng trên 10%/năm; công nghiệp chế biến phát triển đúng định hướng, trong đó việc kêu gọi đầu tư và đưa vào hoạt động các nhà máy bảo quản nông sản, chế biến cà phê đạt hiệu quả cao. 5 năm qua, Đắk Lắk có thêm 4.937 doanh nghiệp được thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên trên 10.374 doanh nghiệp.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, đã và đang được triển khai tái cơ cấu theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết, thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến. Việc chú trọng phát triển sản xuất theo hướng an toàn và có chứng nhận đã góp phần quan trọng đối với tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh 5 năm qua. Trong đó, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích bình quân đạt 112 triệu đồng/ha (năm 2020), cao gấp 1,37 lần so với năm 2015.
Trong lĩnh vực du lịch, Đắk Lắk đã phát huy tố đa tiềm năng, lợi thế triển khai hiệu quả hoạt động du lịch sinh thái gắn với phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh; hình thành một số khu du lịch trọng điểm.
Song song với phát triển kinh tế, các lĩnh vực, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk quan tâm đầu tư, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện chính sách an sinh xã hội, dân tộc, tôn giáo. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân 2,87%/năm, xuống còn 4,99% năm 2020. Các lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ rõ rệt. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn và phát triển rộng khắp. Các lễ hội, di sản văn hóa phi vật thể được khai thác hiệu quả. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, hoạt động tư pháp, đối ngoại có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tôn giáo và chính sách tôn giáo được thực hiện đúng pháp luật, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trên địa bàn.
|
Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao - Ảnh: Báo Đắk Lắk
|
Đáng chú ý trong công tác xây dựng Đảng, Đắk Lắk đã tập trung triển khai việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đến nay, 100% thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều có chi bộ, đảng viên là người tại chỗ. Các tổ chức cơ sở đảng được sắp xếp lại theo từng loại hình, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và hoạt động có hiệu quả hơn. Đến nay, bí thư cấp ủy cấp huyện của 15/15 huyện, thị xã, thành phố đều không phải là người địa phương. Đặc biệt là việc tổ chức thực hiện thí điểm báo cáo chương trình hành động tuyển chọn chức danh Bí thư Huyện ủy Lắk, Buôn Đôn và thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở một cách công khai, minh bạch, có cạnh tranh, góp phần chống chạy chức, chạy quyền đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao.
Cùng với công tác xây dựng Đảng, hoạt động của HĐND, UBND các cấp được đổi mới, nâng cao hiệu quả. Công tác dân vận sâu sát cơ sở hơn, quan tâm giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nắm chắc tình hình địa bàn, nhất là những nơi nhạy cảm, phức tạp. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân.
Những thành tựu to lớn mà Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đạt được trong nhiệm kỳ qua, theo đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho rằng là rất đáng tự hào, mang lại cho tỉnh nhiều nguồn lực mới, thành quả đạt được là tiền đề cơ bản, là hành trang để Đắk Lắk tự tin tiếp tục phát triển nhanh và toàn diện trong những năm tới.
Trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên theo hướng xanh sạch, hiện đại, bản sắc
Với khát vọng vươn lên, trong chặng đường mới, tuy còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng với bề dày kinh nghiệm 80 năm xây dựng, trưởng thành của Đảng bộ tỉnh và với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển", Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVI sẽ mở ra và thực hiện một quyết liệt trong giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên; đến năm 2030 xây dựng tỉnh Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên, theo hướng xanh sạch, hiện đại, bản sắc.
|
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII đặt dấu mốc mới cho chặng đường phát triển của Đắk Lắk - Ảnh: Báo Đắk Lắk
|
Để thực hiện được mục tiêu đó, Đắk Lắk đề ra chỉ tiêu cho nhiệm kỳ 2020-2025. Đó là, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 7% trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 70,69 triệu đồng/người/năm; tổng giá trị xuất khẩu đạt 3.520 triệu USD; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến năm 2025 đạt khoảng 12.500 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh giảm bình quân 1,5%-2%/năm.
Đến năm 2025, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 60%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,5%. Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt 92,5%; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 2,3%-2,4%; giải quyết việc làm cho khoảng 150.000 lao động, xuất khẩu lao động trên 7.000 người. Phấn đấu có 100/152 xã và có ít nhất 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; nhựa hoặc bê tông hóa 100% các tuyến đường tỉnh, 100% các tuyến đường huyện, 75% các tuyến đường xã và liên xã…
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu trên, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân; 6 nhiệm vụ trọng tâm và đẩy mạnh 3 giải pháp đột phá là:
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách tài chính công; tăng cường phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm cho người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tập trung phát triển khoa học - công nghệ; phát huy tiềm năng, lợi thế để tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo hướng nhanh và bền vững.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong tất cả các lĩnh vực. Thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về công tác tổ chức, cán bộ; thực hiện đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ theo hướng dân chủ, công khai, bình đẳng, có cạnh tranh nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “vừa hồng, vừa chuyên”.
Đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng điểm để thúc đẩy liên kết vùng. Phát triển mạnh thương mại, logistics, du lịch, công nghiệp, đáp ứng nhu cầu kết nối giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền trung, TP Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ, các tỉnh nam Lào và Campuchia; xây dựng cảng cạn phục vụ vận tải đa phương thức; phát triển Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành Cảng hàng không quốc tế, xây dựng cửa khẩu Đắk Ruê. Đặc biệt xây dựng cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Chặng đường phía trước có nhiều thuận lợi song khó khăn cũng không ít, nhưng với khát vọng vươn lên, cùng với tiềm năng được đánh thức, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk sẽ không ngừng đổi mới, sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tiếp tục có bước phát triển toàn diện, vươn tới tầm cao mới, xây dựng tỉnh Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên./.
Phạm Cường