(ĐHXIII) – Một mùa xuân mới đã về trên dải đất biên cương xứ Lạng- Xuân Tân Sửu 2021. Sức xuân rạo rực khắp đất trời, rạo rực lòng người, với niềm tin và khát vọng một năm mới tràn đầy hạnh phúc và thành công. Niềm tin và khát vọng đó xuất phát từ chính những kết quả tích cực mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã đạt được trong năm 2020 vừa qua...
|
Một góc thành phố Lạng Sơn. (Ảnh: MH).
|
Năm 2020, tỉnh Lạng Sơn triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức. Từ đầu năm, đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát trên phạm vi toàn cầu, đã tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Với đặc thù một tỉnh biên giới tiếp giáp Trung Quốc là nơi phát sinh dịch bệnh COVID-19, một số hoạt động sản xuất kinh doanh của Lạng Sơn đã bị đình trệ; nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng; hàng nghìn lao động thiếu, mất việc làm, giảm sâu thu nhập, nhất là các đối tượng dễ tổn thương như hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số... Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, nhất là nắng nóng, hạn hán, mưa lốc, sạt lở... tiếp tục gây thiệt hại nặng nề, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh Lạng Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, các địa phương tập trung khắc phục khó khăn, phát huy thuận lợi, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhờ đó, kinh tế tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đồng đều, toàn diện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn được nâng cao kết cấu hạ tầng, năng lực thông quan, tạo môi trường thuận lợi cho xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư. Lạng Sơn đã trở thành vùng nguyên liệu gỗ công nghiệp lớn; tạo dựng được thương hiệu và vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa có giá trị gia tăng cao.
Song song với đó, nét nổi bật trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lạng Sơn đó là các địa phương đã coi trọng công tác xây dựng nông thôn mới. Năm 2020, toàn tỉnh Lạng Sơn phấn đấu có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ngay từ đầu năm, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp. Bên cạnh việc thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động để phát huy sức dân trong thực hiện các tiêu chí, Lạng Sơn đã chú trọng việc phân bổ nguồn lực để các xã từng bước thực hiện các tiêu chí. Để hỗ trợ các xã xây dựng hạ tầng, năm 2020, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí 313,5 tỷ đồng cho 129 công trình khởi công mới. Trong đó, có 53 công trình giao thông, 5 công trình thủy lợi, 5 công trình điện, 24 công trình cơ sở vật chất văn hóa, 1 công trình nước sinh hoạt nông thôn, 34 trường học và 7 trạm y tế. Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ 70,5 tỷ đồng cho các xã xây dựng các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Kết quả, đến cuối năm 2020, tỉnh Lạng Sơn có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 03 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao.
|
Hàng hóa Việt Nam chuẩn bị đưa qua cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn để bán sang Trung Quốc (Ảnh: LP).
|
Cùng với tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế, tỉnh Lạng Sơn còn đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực văn hóa - xã hội. Để phòng chống dịch lây lan, đảm bảo sức khỏe cho người dân, ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động cho học sinh và sinh viên nghỉ học; triển khai các hình thức dạy học qua Internet và trên truyền hình đảm bảo nội dung chương trình và kiến thức cho học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp. Đồng thời, nhờ việc ứng dụng kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân nên chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao. Công tác y tế dự phòng được tăng cường thực hiện tốt, đặc biệt đã kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 và được xếp vào nhóm các tỉnh có “nguy cơ thấp”. Công tác an sinh xã hội, các chế độ chính sách chăm lo đời sống cho các đối tượng người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đảm bảo thực hiện kịp thời, đầy đủ theo quy định.
Đặc biệt, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn toàn tỉnh được giữ vững ổn định; các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu được duy trì. Tỉnh Lạng Sơn cũng duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực sẵn sàng chiến đấu, tập trung nắm tình hình an ninh chính trị trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng tham gia khắc phục, ứng phó thiên tai; bảo đảm an toàn mọi mặt cho đời sống của nhân dân.
Được biết, ngay trong những tháng đầu năm 2021, tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế, trong đó trọng tâm là phát triển nông nghiệp bền vững và đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, Lạng Sơn cũng chú trọng phát triển kinh tế biên mậu, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; phát huy đổi mới, sáng tạo, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường, chủ động ứng phó và thích nghi hiệu quả với biến đổi khí hậu. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Qua đó, tạo môi trường ổn định để các địa phương trong toàn tỉnh phát triển đi lên./.
Thùy Linh