|
Đón nhận long trọng Bằng công nhận Văn hóa ở cơ sở tại Quảng Nam.
|
Luồng gió mới….
Tỉnh Quảng Nam triển khai xây dựng đời sống văn hóa trước khi có chủ trương của Trung ương. Cụ thể là ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh (1997), Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU ngày về “Xây dựng thôn, bản văn hóa”. Để cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ thị phát động xây dựng thôn, bản văn hóa gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” (nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”) rộng khắp trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, đến ngày 21/4/2000, Chính phủ chọn Quảng Nam là địa phương thí điểm và phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” cho cả nước đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.
Khẳng định về điều này, đồng chí Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Quảng Nam cho biết, việc Chính phủ chọn Quảng Nam làm địa phương thí điểm và phát động Phong trào đã tạo ra luồng gió mới. Trên cơ sở đó các cấp, các ngành và người dân đã tích cực vào cuộc, thực hiện, đưa Phong trào đi vào nề nếp và không ngừng phát triển.
Cũng ngay sau đó, Tỉnh uỷ Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU về chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; đồng thời, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo; Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch hướng dẫn triển khai Phong trào trên địa bàn toàn tỉnh.
“Với các nội dung xoay quanh phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững; thực hiện nếp sống văn hoá, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường văn hoá; xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao; xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh, Ban Chỉ đạo xây dựng đời sống văn hoá các cấp và hệ thống chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đã vào cuộc tích cực và triển khai với nhiều sáng tạo, phong phú. Từ đó tạo nên những thành tựu kinh tế, xã hội to lớn của tỉnh trong những năm gần đây.
Đặc biệt, các nội dung của Phong trào được gắn chặt và tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; khơi dậy truyền thống yêu quê hương, đất nước, tình làng, nghĩa xóm, tính cố kết cộng đồng, dòng họ ngày càng bền chặt; môi trường văn hoá được cải thiện, tạo nền tảng để đạo đức xã hội và khối đoàn kết toàn dân được cũng cố, phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt; văn hoá, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị thêm củng cố, kiện toàn; nhiều danh hiệu như Gia đình văn hoá, thôn, tổ dân phố văn hoá, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, xã, phường đạt chuẩn văn hoá….đều được đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng.
… và những con số đáng tự hào
Tổng hợp số liệu đạt chuẩn gia đình văn hoá; tộc họ văn hoá; thôn, tổ dân phố văn hoá; xã, phường văn hoá; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam đã hệ thống khá đầy đủ bức tranh mà Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” 20 năm qua cũng như 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam tại địa phương mang lại.
Cụ thể, về xây dựng gia văn hoá, theo UBND tỉnh Quảng Nam, nếu như trong năm đầu tiên triển khai Phong trào (năm 2000), Quảng Nam có hơn 78.600 gia đình đình đạt chuẩn văn hoá (chiếm 22,8%) thì đến nay toàn tỉnh có hơn 365.000 hộ (chiếm 89,31%), tăng 66,51% so với năm 2000. Từ phong trào, xuất hiện nhiều gương điễn hình gia đình nhiều thế hệ sống với nhau đầm ấm, hạnh phúc, vươn lên làm kinh tế giỏi, có thu nhập cao, đạt danh hiệu gia đình văn hoá nhiều năm liên tục.
Trong khi đó, với Phong trào xây dựng “Tộc, họ văn hoá”, theo UBND tỉnh Quảng Nam, đây là mô hình ra đời từ thực tiễn triển khai xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở với điểm xuất phát từ TP Hội An, sau đó lan rộng đến các huyện, thị xã, thành phố khác trong tỉnh. Từ phong trào, đến nay toàn tỉnh có 1.486/4.292 lượt tộc họ trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn văn hoá (chiếm 34,62%); đặc biệt đã có đến 2.738 lượt tộc họ tổ chức phát động tham gia “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Việc triển khai đăng ký, kiểm tra, bình xét công nhận tộc họ văn hoá được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, quy trình, hồ sơ, thủ tục tại Quy chế công nhận danh hiệu tộc họ văn hoá trên địa bàn tỉnh.
Đối với phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố văn hoá, theo UBND tỉnh Quảng Nam, năm 2000 toàn tỉnh có 126/1.706 thôn, tổ dân phố được công nhân danh hiệu đạt chuẩn văn hoá (chiếm 7,4%). Đến năm 2020, toàn tỉnh có 1.076/1.240 tôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hoá (chiếm 86,77%), tăng 79,37% so với năm 2000. Trong số những thôn, tổ dân phố văn hoá hiện nay, có nhiều thôn, tổ dân phố văn hoá duy trì danh hiệu đạt chuẩn này liên tục từ 10 đến 20 năm; nhiều thôn, tổ đạt chuẩn văn hoá không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, trở thành những điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua ở địa phương như: Tổ dân phố Phước Tân (phường Cửa Đại, Hội An) đạt chuẩn văn hoá 20 năm liền; thôn Trảng Suối (xã Cẩm Hà, Hội An) đạt chuẩn văn hoá 19 năm liên tục; thôn La Thọ 3 (xã Điện Hoà, Điện Bàn) đạt chuẩn văn hoá 19 năm liên tục; thôn Lãnh An (xã Quế Long, Quế Sơn) đạt chuẩn văn hoá 19 năm liên tục; thôn A Liêng (xã Tà Bhing, Tây Giang) đạt chuẩn văn hoá 20 năm liên tục…
Về xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá, đến nay toàn tỉnh có 1.790/1.998 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá (chiếm 89,95%). Trong đó, UBND tỉnh đã công nhận 893 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá giai đoạn 2014 - 2014 và 145 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá giai đoạn 2014 - 2019.
Cùng với xây dựng gia đình văn hoá, tộc họ văn hoá, thôn tổ dân phố văn hoá, cơ quan đơn vị doanh nghiệp văn hoá, xã, phường văn hoá, tỉnh Quảng Nam cũng tập trung thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá trên địa bàn. Thông qua đó đã tác động tích cực đến nhận thức, hành vi của người dân và cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc… Địa phương cũng đổi mới, nâng cao các loại hình sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao; bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá theo chiều hướng tiếp thu, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, hủ tục, mê tín, dị đoan nhằm có bước đi phù hợp để nuôi dưỡng và phát huy và phát huy các giá trị văn hoá cộng đồng nông thôn….
|
Nhiều tập thể, cá nhân có những đóng góp tích cực trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá 20 năm qua tại Quảng Nam đã được UBND tỉnh ghi nhận, tặng Bằng khen tại Hội nghị tổng kết Phong trào vừa diễn ra.
|
Tiếp tục nâng cao chất lượng Phong trào
Tuy thu được nhiều kết quả tích cực, theo đồng chí Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm lãnh chỉ đạo Phong trào; nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Phong trào chưa đầy đủ, toàn diện, sâu sắc. Việc đôn đốc kiểm tra thực hiện Phong trào thiếu chủ động, phương pháp thực hiện chưa đổi mới; đội ngũ cán bộ làm văn hoá ở cơ sở chưa đươc đào tạo chuyên sâu, còn kiêm nhiệm nhiều việc; công tác đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá ở cơ sở còn hạn chế so với nhu cầu; nhận thức về gia đình và vai trò của gia đình, gia đình văn hoá trong quá trình phát triển xã hội còn chưa đúng mức, chưa toàn diện và chưa sâu sắc; các giá trị tốt đẹp của gia đình đang có biểu hiện xuống cấp, xung đột giữa các thế hệ về lối sống và chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi; các tệ nạn xã hội, mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập…. tác động nhiều đến đời sống văn hoá xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của phong trào đầy ý nghĩa này và cần kịp thời có những định hướng, chỉ đạo khắc phục hạn chế, phát huy mặt tích cực thật phù hợp trong điều kiện mới….
Cùng với đó, thời gian tới Quảng Nam sẽ tiếp tục bổ sung các quy định, tiêu chí để nâng cao chất lượng Phong trào xây dựng đời sống văn hoá; gắn phong trào với phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển văn hoá, du lịch nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh./.
Bài, ảnh: Đình Tăng