(ĐHXIII) - "Đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021 đến năm 2025" đặt ra mục tiêu tổng quát là xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Hà Tĩnh được công nhận là “Tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới”.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt "Đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021 đến năm 2025".
Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án là xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, kết nối, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần, vai trò chủ thể và vị thế của cư dân nông thôn được nâng cao; kinh tế nông thôn phát triển; môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; nông thôn văn minh, đoàn kết, bình yên, giàu bản sắc. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Hà Tĩnh được công nhận là “Tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới”.
|
Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025 được công nhận là “Tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới”. (Ảnh: D.T)
|
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 13/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó có ít nhất 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Nghi Xuân đạt NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt tối thiểu 60 triệu đồng/người. Ngành nông, lâm và thủy sản chuyển dịch theo hướng hiện đại, bền vững với tốc độ tăng trưởng bình quân 3%/năm (2021 - 2025). Có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 20% số sản phẩm đạt 4 sao, 5% số sản phẩm đạt 5 sao;...
Đề án đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để phấn đấu đạt chuẩn và nâng cao chất lượng xây dựng NTM ở cấp xã, huyện.
Bên cạnh đó, xây dựng NTM cấp tỉnh kết nối đô thị, nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn.
Trong đó, đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội đảm bảo đồng bộ, kết nối và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững, góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, xây dựng nông thôn khá giả, giàu có; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn thành các vùng quê “trù phú, hòa thuận, văn minh; nâng cao chất lượng môi trường cạnh tranh, dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực nông thôn./.
Đỗ Thoa