|
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Chương trình KH&CN ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường. Ảnh: Khương Trung
|
Chiều 22/12, tại Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình Khoa học và Công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khen thưởng 8 tập thể và 7 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình này.
Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; chủ động triển khai thực hiện và đưa các nội dung của Nghị quyết đi vào cuộc sống, Bộ TN&MT đã xây dựng Chương trình KH&CN cấp quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường” giai đoạn 2016 - 2020.
Chương trình đã đóng góp quan trọng vào việc triển khai thực hiện những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với BĐKH như: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; xây dựng và triển khai bước đầu Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH cũng như Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Các kết quả nghiên cứu trong Chương trình, đã góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách, đặc biệt như việc sửa đổi và trình thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ sửa đổi Luật Đất đai. Chương trình cũng góp phần vào thực hiện các Hiệp định, Thỏa thuận quốc tế về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia.
Sản phẩm của nhiều đề tài đã được công bố rộng rãi trong nước và quốc tế, trở thành những tài liệu chuyên khảo phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy tại nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong nước. Đồng thời, Chương trình cũng đã góp phần phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực TN&MT thông qua đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.
Ngoài ra, Chương trình còn giúp tăng cường năng lực quản lý, triển khai các chương trình KH&CN cấp quốc gia cho các đơn vị thuộc Bộ TN&MT. Hình thành được mạng lưới các nhà khoa học trình độ cao, các đơn vị nghiên cứu đa ngành đối với các lĩnh vực liên quan và bước đầu tạo nên cơ chế hợp tác, có thể huy động trong tương lai để giải quyết các vấn đề lớn, cấp bách, có tính liên ngành, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước trong vấn đề sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 2891/QĐ-BTNMT khen thưởng cho 08 tập thể và 07 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường.
Theo đó, 08 tập thể được vinh danh gồm:
1.Nhóm tác giả Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng mô hình quản lý biến động tài nguyên; hoàn thiện công cụ quản lý và nâng cao năng lực giám sát biến động sử dụng đất” do TS. Nguyễn Phi Sơn làm chủ nhiệm.
2.Nhóm tác giả Đề tài “Nghiên cứu xác định các chỉ số an ninh môi trường, đề xuất khung chính sách và giải pháp quản lý, ứng phó” do TS. Tạ Đình Thi làm chủ nhiệm.
3.Nhóm tác giả Đề tài “Nghiên cứu lượng giá thiệt hại kinh tế do các hiện tượng khí tượng thuỷ văn cực đoan gây ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đề xuất các giải pháp quản lý rủi ro cho các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam” do GS.TS. Trần Thọ Đạt làm chủ nhiệm.
4.Nhóm tác giả Đề tài “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý về đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư và kiểm soát, giám sát môi trường các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động. Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật đánh giá tác động môi trường cho dự án khai thác khoáng sản, sản xuất thép” do TS. Mai Thế Toản làm chủ nhiệm.
5.Nhóm tác giả Đề tài“Nghiên cứu thiết kế mạng thông tin cảm biến không dây đa chặng và xây dựng cổng thông tin tích hợp hệ thống quan trắc môi trường và một số yếu tố khí tượng thủy văn phục vụ giám sát môi trường và cảnh báo thiên tai” do PGS.TS. Lê Trung Thành làm chủ nhiệm.
6.Nhóm tác giả Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhận dạng, hỗ trợ dự báo và cảnh báo một số hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Việt Nam” do ThS. Ngô Văn Mạnh làm chủ nhiệm.
7.Nhóm tác giả Đề tài “Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu” do TS. Đỗ Quý Mạnh làm chủ nhiệm.
8.Nhóm tác giả Đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ số phát thải khí nhà kính quốc gia cho lúa và các loại cây trồng cạn chủ yếu phục vụ kiểm kê KNK và xây dựng các giải pháp giảm nhẹ phát thải KNK của ngành nông nghiệp” do PGS.TS. Mai Văn Trịnh làm chủ nhiệm.
Bảy cá nhân được vinh danh gồm:
1.TS. Lê Quang Thành, Vụ trưởng Vụ khoa học Xã hội Nhân văn và Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020”.
2.GS.TSKH. Mai Trọng Nhuận, Đại học Quốc gia Hà Nội,thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020”.
3.PGS.TS. Đinh Vũ Thanh, thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020”.
4.TS. Nguyễn Huy Hoàn, thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020”.
5.GS.TS. Phan Đình Tuấn, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh,thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020”.
6.ThS. Nguyễn Thị Hoàng Anh, Phó Chánh Văn phòng Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020”.
7.ThS. Phạm Ngọc Anh, Kế toán trưởng Văn phòng Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020”.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Với các đề tài cấp quốc gia đã đề xuất được những giải pháp hiệu quả cho ngành Tài nguyên và Môi trường mà còn đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện nay, thế giới đang trong giai đoạn tìm ra những giải pháp phát triển bền vững trong bối cảnh ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng, cực đoan và khó lường như hiện nay, Việt Nam đã đặt ra yêu cầu ngày càng cao từ thực tiễn về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Do đó sự thành công của Chương trình, đề tài đã góp phần phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực TN&MT, cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp hiệu quả cho việc thực thi chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng mong muốn các đề tài sẽ được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, phát triển đặc biệt là cần phối hợp với các doanh nghiệp, các cơ quan để cùng nhau hoàn thiện và đưa “đứa con tinh thần” vào cuộc sống phục vụ cho phát triển đất nước.
Bích Liên