Chuyển mình đi lên cùng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), song song với công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng có liên quan và nhân dân địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên đã tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM. Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh đã được nâng cấp; cảnh quan môi trường có những thay đổi cơ bản, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Các tiêu chí xây dựng NTM từ chỗ đạt thấp đã từng bước được nâng lên và dần hoàn thiện.

Tính đến cuối năm 2020, chỉ riêng thực hiện Đề án "Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và miền núi của Phú Yên" đã huy động nguồn lực vào khoảng hơn 1.370 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 690,4 tỉ đồng; ngân sách huyện là 198,3 tỉ đồng; ngân sách xã là 29,5 tỉ đồng và nhân dân đóng góp 454,8 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, xác định rõ vai trò quan trọng của yếu tố thủy lợi trong phát triển sản xuất nông nghiệp, các địa phương trong toàn tỉnh đã tập trung ưu tiên thực hiện tốt việc đầu tư hoàn thành tiêu chí thủy lợi (số 3). Toàn tỉnh hiện có 304 công trình, trong đó 43 công trình hồ chứa thủy lợi, 115 công trình đập dâng, 146 trạm bơm tưới. Thời gian qua, hệ thống thủy lợi, đê kè được đầu tư, nâng cấp theo hướng đa mục tiêu. Theo đó, kênh mương nội đồng được kiên cố từ 773km (năm 2015) thì nay tăng lên 2.123,6/2.167km, đạt 98%, kiên cố hóa kênh mương tăng thêm 1.350,6km so với giai đoạn 2011-2015. Đến nay, có 86/88 xã đạt tiêu chí thủy lợi, chiếm 98% tổng số xã toàn tỉnh, tăng thêm 80 xã so với năm 2011, tăng 27 xã so với năm 2015.

Nét riêng ở Phú Yên đó là chất lượng các xã về đích NTM khá toàn diện, đồng đều. Các địa phương đã thường xuyên tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện tiêu chí, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Phong trào xây dựng NTM do đó đã được các cấp, ngành, người dân từ đồng bằng đến miền núi hưởng ứng mạnh mẽ, tạo ra sức bật lớn cho địa phương đẩy nhanh tiến độ xã hoàn thành NTM và nâng cao chất lượng tiêu chí giai đoạn tiếp theo. Anh Nguyễn Văn Thanh ở xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân cho biết, qua tuyên truyền, mọi người đều thấy được ý nghĩa, mục đích xây dựng NTM từ đó tự giác tham gia thực hiện. Đến nay, những thành quả bước đầu thu được đã khẳng định rõ trên thực tiễn, người dân chính là đối tượng thụ hưởng chính trong xây dựng NTM. Do vậy, bà con càng tích cực hưởng ứng các hoạt động do cấp ủy, chính quyền các cấp phát động nhằm nâng cao chất lượng xây dựng NTM.

Làm đường giao thông nông thôn ở Phú Yên. (Ảnh: Thùy Thảo).

Làm đường giao thông nông thôn ở Phú Yên. (Ảnh: TT).

Theo đồng chí Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, một trong những cách làm góp phần mang lại hiệu quả trong xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh đó là các địa phương đã gắn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với phát triển kinh tế xã hội của địa phương; đưa nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội; đồng thời lồng ghép nhiều chương trình liên quan đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở. Từ đó, tạo ra những động lực lớn thúc đẩy chương trình xây dựng NTM, từng bước làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn của Phú Yên.

Tính đến cuối năm 2020, nhìn chung hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn trong toàn tỉnh đã được nâng cấp làm thay đổi cơ bản cảnh quan môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Toàn tỉnh có 57/88 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, chiếm 65%, tăng 40 xã so với giai đoạn 2011- 2015. Trong đó có 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM ở Phú Yên cũng đang đứng trước những trở ngại không nhỏ; nhất là đối với các xã miền núi, giao thông đi lại khó khăn, thu nhập của người dân thấp, nhận thức của bà con thiếu đồng đều...

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, tỉnh Phú Yên sẽ tăng cường chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương chủ động lồng ghép, huy động các nguồn lực để cân đối, hỗ trợ cho các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo thống nhất về nhận thức, hành động của người dân trong tham gia thực hiện các nội dung xây dựng NTM tại địa phương; tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân theo đúng phương châm “người dân là trung tâm của quá trình xây dựng NTM”./.

Phản hồi

Các tin khác