(ĐHXIII) – Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Đảng bộ Đồng Nai chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Kết thúc chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới (2010-2020), tỉnh Đồng Nai đã thu được nhiều kết quả ấn tượng.
Trồng rau quả theo công nghệ sạch ở Đồng Nai cho hiệu quả kinh tế cao (Nguồn: Báo Đồng Nai)
Theo Cục trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ NN và PTNT) Nguyễn Minh Tiến, tại Đồng Nai, các mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn giữ vững, duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt, đảm bảo tính bền vững, thúc đẩy phong trào phát triển ở trình độ, chất lượng cao hơn.
Đảng bộ, chính quyền Đồng Nai luôn đặt nông nghiệp - nông dân - nông thôn ở vị trí chiến lược trong phát triển. Chính vì vậy, trước khi có Nghị quyết số 26 của Trung ương về tam nông, từ năm 2007, Đảng bộ Đồng Nai đã có nghị quyết và đề án xây dựng Nông thôn 4 có: có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt - an ninh, an toàn đảm bảo; có môi trường sinh thái phát triển bền vững. Tất cả nhằm hướng tới nâng cao đời sống của người dân nông thôn.
Tỉnh Đồng Nai đã chọn huyện Xuân Lộc để xây dựng nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, đây là một huyện thuần nông, cho thấy sự chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo. Việc huyện Xuân Lộc trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước đã khẳng định sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân mới là yếu tố quyết định. Việc chọn điểm này cũng nhằm tạo động lực, khích lệ tất cả các địa phương trong tỉnh tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Qua thực tiễn triển khai chương trình, các địa phương đã rút ra được kinh nghiệm, tìm ra những giải pháp hữu hiệu hơn trong chỉ đạo, điều hành. Các cấp ủy đã chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, đặc biệt là vai trò người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; quyết tâm thay thế cán bộ đứng đầu những địa phương chậm chuyển biến trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Trong những năm đầu xây dựng nông thôn mới, huyện Xuân Lộc đã luân chuyển hàng loạt bí thư, chủ tịch xã. Nhờ cách làm này, tình hình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện chuyển biến rất nhanh, xóa đi tư tưởng trông chờ, ỷ lại của đội ngũ cán bộ cấp xã.
Xuân Lộc cũng là địa phương đầu tiên của Đồng Nai có xã về đích trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Ông Phạm Minh Phước, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Vĩnh Cửu cho hay, sau khi đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, địa phương vẫn liên tục gia cố thêm nhằm duy trì, nâng chất các tiêu chí đã đạt được, tránh tư tưởng buông lỏng, hài lòng.
Huyện có chương trình tổ công tác thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở các địa phương chứ không theo định kỳ nhiều năm mới kiểm tra. Quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cũng đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương ở đó ngày càng lớn mạnh.
Năm 2014, Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước có đơn vị cấp huyện “về đích” trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, Đồng Nai tiếp tục là một trong 2 tỉnh dẫn đầu của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trước 2 năm so với mục tiêu đề ra. Với 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2019, Đồng Nai cũng đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Từ những thành tích đạt được, Đồng Nai đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba về thành tích trong phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020. Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai Lê Văn Gọi, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, bộ tiêu chí nông thôn mới của Đồng Nai nhiều hơn về số lượng chỉ tiêu và có một số chỉ tiêu yêu cầu đạt ở mức cao hơn so với bộ tiêu chí của Trung ương.
Điều này đã khẳng định tinh thần chủ động, quyết tâm, quyết liệt của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới. Từ sự quyết liệt trong chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương, Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn khi đã huy động được gần 377 nghìn tỷ đồng đầu tư cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn giai đoạn 2011-2019. Trong đó, ngân sách chiếm trên 11%, còn lại là nguồn vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và người dân. Điều này thể hiện sự đồng lòng của người dân tham gia xây dựng nông thôn mới.
Có được kết quả trên là do Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đồng Nai cũng rất chủ động, sáng tạo với nhiều cơ chế, chính sách đột phá để huy động được mọi nguồn lực xã hội xây dựng nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đồng Nai đã đạt được những kết quả vượt bậc, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, từng bước làm giảm khoảng cách giữa phát triển vùng nông thôn với vùng đô thị. Ấn tượng nhất là thu nhập bình quân của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, với mức 55,6 triệu đồng/người năm 2019, Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cao nhất cả nước. Đây là những thành tựu to lớn, là kết quả tất yếu của tinh thần chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn tỉnh./.
K.V