Hà Nội xây dựng nhiều giải pháp đột phá góp phần cải thiện môi trường đầu tư
12

Ảnh minh họa (Nguồn: A.N)

Cụ thể, trong Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025 vừa được thông qua, thành phố phấn đấu đến năm 2025 tốc độ phát triển doanh nghiệp mới bình quân khoảng 10%/năm.

Theo đó, cùng với cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian khởi sự doanh nghiệp, đẩy mạnh đăng ký kinh doanh qua mạng; giảm thời gian, chi phí thực hiện các quy định của Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như đất đai, hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng... việc hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới, đào tạo nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường... là những nhóm giải pháp thiết thực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Nhờ đó, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố liên tục tăng trong những năm gần đây.

Tính từ năm 2016 - 2020, TP. Hà Nội có hơn 112.000 doanh nghiệp thành lập mới; số lượng doanh nghiệp thành lập mới trung bình mỗi năm tăng 9,7%, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký hoạt động lên hơn 292.000 doanh nghiệp. Kỷ lục trong năm 2019, TP. Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho hơn 27.000 doanh nghiệp. Như vậy, bình quân 35 người dân có 1 doanh nghiệp được đăng ký thành lập, cao gấp 3,8 lần mức bình quân chung cả nước.

Không dừng lại ở việc hỗ trợ doanh nghiệp thành lập, để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, thành phố đã chỉ đạo các cấp, ngành tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực công thương, tài chính, mở rộng thị trường, khuyến khích các mô hình đổi mới sáng tạo… Trong năm qua, thành phố tiếp tục dành nhiều nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, như: Bố trí kinh phí cho các cơ quan, đơn vị thực hiện 21 chương trình, kế hoạch, đề án và các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; đào tạo kiến thức khởi sự và quản trị cho doanh nghiệp; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ trên địa bàn thành phố; hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp...

Với việc gia tăng doanh nghiệp thành lập mới, số lượng sản phẩm khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo ra chiếm khoảng trên 30% tổng sản phẩm. Vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 25% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội. Vốn đăng ký bình quân của các doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 12 - 15 tỷ đồng/ doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp đã tạo việc làm cho gần 2,5 triệu lao động, mỗi năm tạo thêm khoảng hơn 140.000 việc làm mới.

Với việc phấn đấu tốc độ phát triển doanh nghiệp mới bình quân 10%/năm giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm Hà Nội sẽ có khoảng 30.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Như vậy, đến năm 2025, thành phố sẽ có thêm 150.000 doanh nghiệp thành lập mới. Các doanh nghiệp này phấn đấu: Tạo thêm 1,5 triệu việc làm mới cho người lao động; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô; đóng góp trên 40% tổng sản phẩm trên địa bàn và trên 30% ngân sách thành phố.

Để doanh nghiệp đạt được mục tiêu như kỳ vọng, thành phố sẽ chi hơn 957 tỷ đồng, bao gồm 832 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và hơn 125 tỷ đồng từ kinh phí đối ứng của các tổ chức, cá nhân tham gia. Các chính sách hỗ trợ cụ thể bao gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp; hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; chi nghiên cứu xây dựng Sách Trắng về doanh nghiệp Hà Nội thường niên.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đặt mục tiêu hỗ trợ ít nhất 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thuộc các ngành: Công nghệ thông tin; công nghiệp điện tử; cơ khí chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thành công.

Việc HĐND thành phố thông qua Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025, một lần nữa cho thấy quyết tâm của thành phố trong việc tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, đã và đang cụ thể hóa bằng những cơ chế, chính sách cụ thể. Ở chiều ngược lại, trong bối cảnh khó khăn của dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp cũng đang nỗ lực để từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm, bảo đảm cuộc sống cho người lao động…

Đề án cũng nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp, như: Nên ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp có tiêu chí phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển ngành mũi nhọn của thành phố, để giúp doanh nghiệp phát triển lên tầng lớp mới, khi đó sẽ đạt được mục tiêu trong thời gian ngắn; doanh nghiệp do nữ làm chủ, sử dụng nhiều lao động nữ hoặc doanh nghiệp đang đóng góp nhiều cải tiến sáng tạo cần được ưu tiên để thúc đẩy nhiều hơn./.

Phản hồi

Các tin khác