Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực
12

Vĩnh Phúc: Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực (Ảnh: T.N)

Thạc sỹ Đỗ Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề Lập Thạch cho biết: Bên cạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, những năm gần đây, Trung tâm chú trọng liên kết với các trường: Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc, Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp, Công nghiệp và thương mại Phúc Yên mở thêm 6 ngành, nghề đào tạo: Điện công nghiệp, cơ khí hàn, công nghệ ô tô, may và thiết kế thời trang, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, điện tử công nghiệp và gia dụng. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng liên kết, ký hợp đồng đào tạo lao động với các doanh nghiệp: Công ty TNHH Cơ khí chính xác Việt Nam 1, Công ty Sam Sung Thái Nguyên...

Mỗi năm, Trung tâm có khoảng trên 80% học sinh ra trường có việc làm ổn định. Trong 5 năm qua, Trung tâm đã đào tạo được 1.095 học viên sơ cấp nghề, trên 1.800 học viên trung cấp nghề. Hiện Trung tâm có trên 800 học sinh hệ giáo dục thường xuyên và gần 400 học sinh hệ trung cấp.

Từng bước khẳng định uy tín về chất lượng đào tạo đối với người học và các doanh nghiệp, những năm qua, Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Vĩnh Phúc đã phát triển về quy mô, đa dạng ngành, nghề đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng, cung ứng nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung. Hiện trường đào tạo 20 ngành, nghề hệ cao đẳng, 26 nghề trung cấp và 12 ngành, nghề sơ cấp thuộc các lĩnh vực: Điện - Điện tử; cơ khí; công nghệ thông tin, kỹ thuật nông nghiệp, kinh tế; dịch vụ, du lịch. Trong đó, có 5 ngành trọng điểm gồm: công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ kỹ thuật cơ khí, điện công nghiệp, truyền thông và mạng máy tính, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.

Thạc sỹ Nguyễn Văn Đồng, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc cho biết: Chương trình đào tạo của nhà trường được chuẩn hóa mục tiêu, kỹ năng nghề nghiệp, coi trọng thực hành, vận dụng kiến thức; phương pháp giáo dục; đổi mới cách thức kiểm tra, thi và đánh giá thực chất, gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động. Xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến đáp ứng chuẩn nghề nghiệp, hằng năm, trường chủ động lấy ý kiến của các doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia để bổ sung, cải tiến, cập nhật kiến thức mới nhằm đào tạo sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. 100% chương trình được xây dựng theo hướng tăng tỷ trọng các giờ thực hành, giảm lý thuyết. Trong khóa học, học sinh, sinh viên được thực tập, trải nghiệm thực tế từ 2 - 3 tháng tại các doanh nghiệp.

Để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, trường phối hợp chặt chẽ với trên 30 doanh nghiệp, các trang trại địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận trong việc xây dựng chương trình, tổ chức thực hiện quá trình đào tạo, trải nghiệm, thực hành, thực tập, tư vấn hướng nghiệp và tuyển dụng học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp.

Cũng theo thạc sỹ Nguyễn Văn Đồng, khâu giải quyết việc làm sau đào tạo luôn được nhà trường chú trọng. Trung tâm tuyển sinh và quan hệ với doanh nghiệp của trường được thành lập với vai trò thực hiện việc liên kết với các doanh nghiệp cho học sinh trải nghiệm, thực hành, thực tập, giới thiệu việc làm trong quá trình học tập và sau khi tốt nghiệp. Hằng năm, trường tổ chức ngày hội việc làm, phối hợp trên 30 doanh nghiệp về tuyển dụng trực tiếp. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, số học sinh, sinh viên của trường có việc làm đúng nghề chiếm tỷ lệ trên 80%. Qua điều tra về việc làm tại các đơn vị tuyển dụng, học sinh, sinh viên của nhà trường được các doanh nghiệp đánh giá cao về ý thức kỷ luật, tay nghề. Nhờ đó, quy mô đào tạo của nhà trường luôn ổn định qua các năm, từ 2.700 - 2.900 học sinh, sinh viên mỗi  năm.

Số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc, toàn tỉnh hiện có 36 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 7 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 20 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 6 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề đã có chuyển biến tích cực theo hướng đào tạo gắn với thị trường lao động và nhu cầu doanh nghiệp. Nhiều cơ sở dạy nghề đã liên hệ tìm đầu ra cho học sinh bằng các hợp đồng đào tạo. Cơ cấu nghề đào tạo phong phú, đa dạng, cơ bản đủ các nhóm nghề thuộc các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp; các nghề thuộc nhóm du lịch, dịch vụ đang được đầu tư phát triển.

Giai đoạn 2015-2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc đã được đầu tư trang thiết bị dạy nghề; có 6 trường cao đẳng, trung cấp được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm với 10 ngành, nghề cấp độ quốc gia, 6 ngành nghề cấp độ khu vực ASEAN và 11 ngành nghề cấp độ quốc tế. Từ năm 2012 nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 332 giáo viên giáo dục nghề nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng đào tạo nghề, 106 lượt cán bộ quản lý, giáo viên được đào tạo bồi dưỡng dạy thí điểm tại Pháp và Úc.

Chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề đã có những chuyển biến tích cực, tạo bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của người lao động và nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và chỉ số đào tạo lao động PCI, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Vĩnh Phúc./.

Phản hồi

Các tin khác