Xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch vùng đồng bằng sông Hồng

Trong những năm qua, du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động du lịch tại Ninh Bình giai đoạn 2010-2019 tăng trưởng bình quân về lượt khách trên 11%/năm. Đây thực sự là tín hiệu khả quan, khẳng định tiềm năng, sức hấp dẫn của điểm đến du lịch Ninh Bình đối với du khách trong và ngoài nước. Lượng khách du lịch đến Ninh Bình năm sau cao hơn năm trước.

Hoạt động du lịch trong những năm qua đã có những tác động rất lớn đối với việc phát triển kinh tế các địa phương trong tỉnh. Đến nay, tỉnh đã khuyến khích, kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách vào lĩnh vực dịch vụ du lịch và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 36 dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, với tổng mức đầu tư 16.212 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án đi vào hoạt động phục vụ khách du lịch có hiệu quả, tiêu biểu như: Emeralda resort, Ninh Bình Legend, Hoàng Sơn Peace, The Reed, Hidden Charm, Bái Đính,… Các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm như: sân golf Hoàng Gia, sân golf Tràng An, siêu thị Big C…; nhiều khu, điểm du lịch đã hoàn thiện đi vào hoạt động thu hút một lượng khách đến Ninh Bình như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính, Vân Long,…

Quần thể danh thắng Tràng An, di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới

Quần thể danh thắng Tràng An, di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (Ảnh: ninhbinh.gov.vn)

Đặc biệt, các hạ tầng như hệ thống đường giao thông kết nối các khu, điểm du lịch, hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối tour, tuyến và đi lại của khách du lịch, người dân địa phương.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, Sở Du lịch tỉnh thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị kinh doanh du lịch đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, nhân lực, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lao động nên chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, tạo sự hài lòng đối với khách du lịch.

Hoạt động du lịch phát triển đã tạo ra nguồn ngân sách cho tỉnh. Đặc biệt, nhiều làng nghề truyền thống như: thêu ren Văn Lâm, chiếu cói Kim Sơn, mộc Phúc Lộc, gốm sứ Bồ Bát, đá Ninh Vân,… đã tận dụng thế mạnh của mình để phát triển kinh tế bằng việc giới thiệu bán các sản phẩm thủ công cho du khách đến tham quan. Không chỉ thế, khi du lịch phát triển thì nhiều lĩnh vực khác cũng được hưởng lợi thông quan hỗ trợ các sản phẩm và dịch vụ du lịch như xây dựng, in ấn và xuất bản, sản xuất, bảo hiểm, vận tải, lưu trú, bán lẻ, dịch vụ ăn uống, dịch vụ tài chính…

Bên cạnh những lợi ích về mặt kinh tế mà du lịch đem lại, phát triển du lịch tại Ninh Bình là phương tiện tuyên truyền quảng cáo rất hiệu quả về tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh vùng đất và con người Ninh Bình tới bạn bè trong nước và quốc tế, qua đó đã thu hút kêu gọi nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại Ninh Bình. Hình ảnh nét văn hoá, lịch sử, du lịch đặc sắc của Ninh Bình được tuyên truyền, quảng bá sâu rộng thu hút nhiều du khách thập phương, cơ quan thông tấn, báo chí, các nhà làm phim đến quay phim, ghi hình…

Đền Trần (Nội Lâm), (Ảnh: ninhbinh.gov.vn)

Đền Trần (Nội Lâm) - (Ảnh: ninhbinh.gov.vn)

Năm 2021, Ninh Bình được Chính phủ chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Hoa Lư – Cố đô ngàn năm”. Đây là sự kiện kinh tế - văn hoá – xã hội có ý nghĩa chính trị rất quan trọng đối với tỉnh Ninh Bình cũng như ngành Du lịch Việt Nam. Ninh Bình đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và các điều kiện cần thiết để Năm du lịch quốc gia 2021 diễn ra thành công tốt đẹp. Các hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch và các sự kiện lớn của năm Du lịch quốc gia được tỉnh quan tâm đẩy mạnh, tăng cường bằng nhiều hình thức và phương tiện khác nhau: từ hội chợ triển lãm du lịch, đón đoàn famtrip, presstrip, website, mạng xã hội, ấn phẩm, tài liệu, trên các kênh VTV, các hãng hàng không (Vietnam Airline, Vietjet Air).

Năm Du lịch quốc gia với chuỗi sự kiện diễn ra suốt cả năm 2021 sẽ góp phần tích cực xây dựng và quảng bá hình ảnh thương hiệu Du lịch Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung, đặc biệt tạo đòn bẩy đưa du lịch Ninh Bình phát triển cả về lượng và chất theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững, đồng thời tạo sự lan toả, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng phát triển như kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, đưa du lịch sớm trở thành kinh tế mũi nhọn của Ninh Bình trong thời gian tới.

Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Ninh Bình xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt, xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước. Ninh Bình đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đón 8-9 triệu lượt khách du lịch với doanh thu đạt 8.000 tỷ đồng.

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di sản, bên cạnh việc tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định, khuyến nghị của UNESCO, Luật Di sản văn hóa và các nghị định, quyết định của Chính phủ liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tỉnh Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng hơn nữa các văn bản pháp lý về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các tổ chức, cá nhân đối với việc chấp hành các quy định quản lý, bảo tồn di sản./.

Phản hồi

Các tin khác