Ngành thanh tra phát động phong trào thi đua năm 2021

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai phong trào thi đua năm 2021.

Kế hoạch nêu rõ: Năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây cũng là năm đầu tiên triển khai các nghị quyết nhiệm kỳ của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Kế hoạch phát triển kinh tế của đất nước giai đoạn 2021 2026 trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19.

Phát huy truyền thống 75 năm ngày thành lập Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2020), năm 2021, ngành Thanh tra bám sát các chủ trương,chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước để triển khai công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Với mục tiêu đó, Thanh tra Chính phủ phát động phong trào thi đua năm 2021 với chủ đề: “Siết chặt kỷ cương, tăng cường hiệu quả”.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

Kế hoạch yêu cầu toàn ngành thanh tra  tiếp tục phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua khen thưởng; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị 2100/CT-TTCP ngày 02/12/2020 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc phát động phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2021-2025).

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động hạng nhất cho ngành Thanh tra tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Thanh tra lần thứ V (2020-2025). Ảnh: TH.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động hạng nhất cho ngành Thanh tra tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Thanh tra lần thứ V (2020-2025). Ảnh: TH.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Trong đó, yêu cầu Thủ trưởng Thanh tra các bộ, ngành, địa phương; các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ tổ chức học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục, có hệ thống về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện nghiêm Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng; đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cấp ủy, lãnh đạo, các tổ chức quần chúng và trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thanh tra, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Ngành, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải gương mẫu chấp hành, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, các biểu hiện tiêu cực, cục bộ, mất đoàn kết, thái độ hách dịch, quan liêu, cửa quyền, lợi dụng công vụ để vụ lợi; định kỳ kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện cùng với kết quả công tác để kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và làm căn cứ, cơ sở để phân loại, bình xét thi đua - khen thưởng; chịu trách nhiệm về việc để nội bộ đơn vị mất đoàn kết, công chức, viên chức, người lao động vi phạm.

Thi đua nâng cao hiệu quả công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành

Kế hoạch yêu cầu thi đua nâng cao hiệu quả công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành trên các lĩnh vực hoạt động. Theo đó, hoạt động của các cơ quan thanh tra bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm bảo đảm phù hợp với bối cảnh, tình hình hiện nay; bám sát, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở các cấp, các ngành, đổi mới trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra; nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra. Nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh tra; tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; chú trọng công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra. Phấn đấu hoàn thành 100% các cuộc thanh tra theo kế hoạch, các cuộc thanh tra đột xuất được giao.

Thực hiện tốt Chỉ thị 35 /CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quyết định số 1849/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ về tiến hành kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài…. Tập trung giải quyết có chất lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phấn dấu đạt tỷ lệ trên 85% đối với vụ việc mới phát sinh; tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật trên 90%. Tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo, nhất là liên quan đến nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh các vụ việc tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và chuyển điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

Thanh tra các cấp, các ngành tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; trong đó chú trọng xây dựng tổ chức bộ máy để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước và các hoạt động nghiệp vụ.

Tiếp tục hưởng ứng 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động: Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”;“Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Hoạt động thanh tra chú trọng thanh tra vào các chương trình, mục tiêu phục vụ xây dựng nông thôn mới nhằm ngăn ngừa, phát hiện các sai phạm trong quản lý, kiến nghị chấn chỉnh kịp thời với cấp có thẩm quyền biện pháp khắc phục. Tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến nông nghiệp, nông thôn để ổn định tình hình trật tự xã hội, phục vụ phát triển kinh tế nông thôn. Tích cực tham gia vào các phong trào do Trung ương, bộ ngành, địa phương phát động để ủng hộ người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa; ủng hộ đồng bào nơi gặp thiên tai; các gia đình chính sách...

Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến

Căn cứ nhiệm vụ được giao, căn cứ kế hoạch này, cụm trưởng, khối trưởng các cụm, khối thi đua; Chánh Thanh tra các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua; tổ chức họp ký kết giao ước thi đua; đăng ký thi đua; tiến hành sơ kết, tổng kết công tác thi đua theo đúng quy định của Thanh tra Chính phủ.

Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu việc tổ chức phong trào thi đua cần đi vào thực chất, tránh hình thức; cần xác định rõ biện pháp tổ chức thực hiện; tiêu chí đánh giá thi đua phải bám sát mục tiêu thi đua; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo không khí thi đua sôi nổi, cổ vũ các tập thể, cá nhân phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Công tác thi đua khen thưởng gắn với hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành, của đơn vị theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trên các lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng nhằm ổn định tình hình trật tự xã hội và phát triển kinh tế của địa phương, đất nước./.

Phản hồi

Các tin khác