|
Từ phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua trên lĩnh vực kinh tế được các tầng lớp nhân dân ở địa phương hưởng ứng tích cực.
|
Nổi bật trong thực hiện phong trào thi đua phát triển kinh tế là các phong trào thi đua trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh Phú Yên triển khai khá sôi nổi, gắn với nhiều phong trào thi đua khác, nhất là phong trào thi đua nông dân sản xuất giỏi, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới….
Thông qua phong trào này, trong 5 năm qua (2016 - 2020), kinh tế nông nghiệp tỉnh Phú Yên có cơ cấu chuyển dịch khá tích cực và có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành, bình quân 3,7%/năm. Đặc biệt, phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã phát triển ngày càng sâu rộng. Từ phong trào, đã xuất hiện nhiều mô hình mới trong chăn nuôi và trồng cây ăn quả như: mô hình chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, quy mô tập trung với tổng đàn bò toàn tỉnh hiện có khoảng 196,3 nghìn con, trong đó bò lai chiếm 74%, lợn khoảng 150 nghìn con, đàn gia cầm khoảng 3,5 triệu con; có 54 trang trai chăn nuôi, riêng về nuôi lợn có 39 trang trại có gần 42 nghìn con; có 2 cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn dịch bệnh, 17 cơ sở an toàn vệ sinh thực phẩm và 1 cơ sở đạt chuẩn VietGAHP.
Cạnh đó, hiện tỉnh cũng đã thu hút đầu tư một số dự án chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao như: Trang trại nuôi bò sữa với tổng vốn đầu tư hơn 1.150 tỷ đồng tại huyện Sơn Hòa, Dự án trang trại chăn nuôi Colike ở huyện Tây Hòa… mang lại giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích canh tác đến năm 2020 ước đạt 85 triệu đồng/ha, gấp 1,3 lần; giá trị sản phẩm thu được trên mỗi ha mặt nước nuôi trồng khoảng 1 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015.
Các mô hình trồng cây ăn quả như sầu riêng, bưởi, cam, quýt… bước đầu mang lại hiệu quả, đã giúp cho nhiều hộ nông dân thoát nghèo. Trong đó điển hình như mô hình sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp sạch của hộ gia đình ông Trần Ngọc Phú (thôn EA Mkeng, xã EA Bar, huyện Sông Hinh) cho thu nhập 350 triệu đồng/năm và đóng góp phúc lợi xã hội ở địa phương 8 triệu đồng/năm; mô hình trang trại nông lâm kết hợp của hộ ông Cao Nguyên Lâm (thôn Buôn Quen, xã EA Bar, huyện Sông Hinh) cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm và tạo nhiều công ăn, việc làm cho người dân ở địa phương…
|
Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, nhiều nông dân ở Phú Yên đã nỗ lực đầu tư công sức, tiền của để cho ra đời nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao.
|
Ngoài các mô hình, phong trào hiệu quả trên, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng, lĩnh vực thủy sản cũng là khu vực có nhiều đóng góp cho sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói riêng và của tỉnh nói chung. Hưởng ứng phong trào thi đua của ngành, sản lượng tăng trưởng của thủy sản tăng trưởng khá qua các năm gần đây, đến năm 2020 đạt khoảng 63,6 nghìn tấn, tăng 16% so với năm 2015. Toàn tỉnh cũng xây dựng được 3 chuỗi liên kết trong khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương; xây dựng nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học, VietGap; hình thành một số vùng nuôi và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn GlobalGap, điển hình như: mô hình nuôi trồng tôm giống của Công ty TNHH thủy sản Đắk Lộc, được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chứng nhận thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ chất lượng được nhà nông tin dùng, top 50 thương hiệu tiêu biểu hội nhập châu Á- Thái Bình dương; mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình của ông Nguyễn Minh Phương (xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu) đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản, cho thu nhập từ 500 triệu đến 01 tỷ đồng/năm…
Trong khi đó, trên lĩnh vực phát triển công nghiệp, theo Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Phú Yên Nguyễn Thị Kim Bích, nhiều tập thể, cá nhân thông qua phong trào thi đua của ngành đã chú trọng phát huy sáng kiến, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Nhờ đó giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm từ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 12,6%; nhiều nhà đầu tư khai thác và đưa vào hoạt động một số nhà máy sản xuất công nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại, tạo sản phẩm mới như: Nhà máy sản xuất đồ hộp của Công ty TNHH đồ hộp Blue sea (Khu CN Hòa Hiệp 1) công suất 4.500 tấn/năm; Nhà máy đồ hộp Nguyễn Hưng của Công ty TNHH Nguyễn Hưng (Khu CN Đông bắc Sông Cầu) công suất 1.500 tấn/năm; Nhà máy sản xuất phân bón NPK của Công ty TNHH phân bón NPK Phú Yên (Khu CN Hòa Hiệp 1) tạo hạt bằng công nghệ tháp cao công suất 60 nghìn tấn/năm.
Từ phong trào thi đua trong ngành, đến nay toàn tỉnh đã hoàn thành và đưa vào hoạt động nhiều nhà máy thủy điện, điện sinh khối và điện năng lượng mặt trời với tổng công suất 462 MW. Nhiều sản phẩm có chất lượng khác cũng đã được khẳng định trên thị trường, góp phần giữ mức tăng trưởng khá, tiêu biểu có sản phẩm dược của Công ty CP Pymepharco Phú Yên, sản phẩm đường của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, sản phẩm may mặc của Công ty CP An Hưng… Một số làng nghề và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phục hồi, phát triển gắn với du lịch, góp phần đáng kể vào việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế- xã hội và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Tiến độ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã được đẩy nhanh, đảm bảo chất lượng qua các phong trào thi đua. Trong 5 năm qua, tỉnh đã thu hút hơn 230 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 31 nghìn tỷ đồng, góp phần đưa tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh tăng khá, bình quân tăng 18,5%/năm.
|
Các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học, VietGap cũng được nông dân Phú Yên xây dựng.
|
Cũng qua thi đua của ngành Công thương Phú Yên, đến nay tỉnh đã phối hợp triển khai hoàn thành, đưa vào hoạt động Hầm đường bộ Đèo Cả và Hầm đường bộ Đèo Cù Mông kết nối thông suốt, thuận lợi với Khánh Hòa và Bình Định, mở ra cơ hội giao thương, liên kết phát triển liên vùng; giao thông nông thôn phát triển nhanh với 95% số xã của tỉnh đạt tiêu chí về giao thông theo bộ tiêu chí nông thôn mới.
Ngoài ra, qua phong trào thi đua trong phát triển kinh tế tại tỉnh Phú Yên, đến nay cũng xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực có liên quan như lĩnh vực kinh tế hợp tác xã, công nghệ thông tin, khoa học và công nghệ… Từ những đóng góp của các mô hình, điển hình này đã góp phần tạo bức tranh kinh tế tỉnh Phú Yên 5 năm qua không chỉ có nhiều sắc màu mà còn giúp ổn định, đưa kinh tế Phú Yên ổn định, duy trì mức tăng trưởng khá.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết: Trong giai đoạn 2020-2025, phong trào thi đua yêu nước nói chung và thi đua trong phát triển kinh tế của tỉnh sẽ tiếp tục được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trong toàn tỉnh. Mục tiêu cơ bản nhất cần được quán triệt và thực hiện là nâng cao chất lượng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và khí thế mới cho phong trào thi đua yêu nước. Phong trào phải có sự vào cuộc tích cực, sâu sát của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội gắn với khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh cũng như tinh thần, trách nhiệm, tình yêu quê hương, đất nước của mỗi người dân, mỗi tổ chức, doanh nghiệp Phú Yên, qua đó góp phần đưa Phú Yên phát triển nhanh và bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân./.
Bài, ảnh: Đình Tăng