Nhân rộng các mô hình nông dân bảo vệ môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới
Nông dân huyện Tiền Hải, Thái Bình thực hiện tốt việc bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định sau khi phòng, trừ sâu bệnh (Nguồn ảnh: baothaibinh.com.vn)

Nông dân huyện Tiền Hải, Thái Bình thực hiện tốt việc bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định sau khi phòng, trừ sâu bệnh (Nguồn ảnh: baothaibinh.com.vn)

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân đã tích cực và chủ động tham gia bảo vệ môi trường nông thôn; gắn công tác bảo vệ môi trường vào các chương trình công tác hàng năm của Hội và các phong trào nông dân thi đua yêu nước. Đồng thời, nhằm khắc phục ô nhiễm môi trường và cải thiện cảnh quan, môi trường nông thôn, góp phần đạt tiêu chí 17 về môi trường, thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017-2020, Hội Nông dân Việt Nam đã tập trung nguồn lực để ưu tiên triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường và xây dựng thí điểm các mô hình Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường.

Cụ thể, Hội Nông dân các cấp đã tập trung đẩy mạnh, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên cấp xã về bảo vệ môi trường. Nhận thức rõ công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động là giải pháp quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, các cấp Hội đã tập trung đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề này.

Hoạt động của Hội trong các phong trào thi đua luôn đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, được hội viên, nông dân tiếp thu. Đặc biệt, việc tổ chức cuộc thi Nông dân tìm hiểu kiến thức pháp luật về nước sạch và bảo vệ môi trường cấp xã theo hình thức sân khấu hóa tại 6 tỉnh, thành (Quảng Nam, Đắk Lắk, Kon Tum, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bình Phước) và cuộc thi - Nông dân tìm hiểu pháp luật về môi trường ở 3 cấp xã, huyện, tỉnh với nội dung phong phú, nhiều tiểu phẩm hay, ý nghĩa mang tính tuyên truyền cao đã thu hút đông đảo người dân tham gia và cổ vũ. Đây là một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả, tích cực, có sức lan tỏa rộng.

Do vậy, những năm gần đây, Hội đã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn và chỉ đạo các tỉnh, thành để tổ chức hàng trăm cuộc thi về nước sạch và bảo vệ môi trường nông thôn. Phối hợp với các nhà khoa học, các chuyên gia và Hội Nông dân 23 tỉnh, thành tổ chức 46 lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông về nước sạch, bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới cho hơn 4.200 cán bộ và tuyên truyền viên cấp xã.

Đáng chú ý, Hội Nông dân Việt Nam đã tập trung xây dựng nhiều mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường đạt hiệu quả. Cụ thể, với mô hình dịch vụ môi trường, các cấp của Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp xây dựng các mô hình dịch vụ quản lý rác thải, chất thải trong sinh hoạt và trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Từ đây, nhiều nơi đã thành lập tổ, đội, hợp tác xã, tổ hợp tác làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn và môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều nơi đã xây dựng mô hình dịch vụ quản lý chất thải trong sinh hoạt và trong sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương, đáp ứng nhu cầu của người dân, mang lại hiệu quả cao.

Với mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, Hội Nông dân các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xây dựng mô hình về phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng... Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi nông - lâm kết hợp và phát triển bền vững; hướng dẫn nông dân ở các làng nghề sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.

Đáng chú ý, với mô hình cộng đồng dân cư tự quản, được hình thành trên cơ sở tự nguyện, tự giác để huy động mọi người dân tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Với mô hình này, nhiều mô hình được Hội Nông dân xây dựng và duy trì tốt như: Mô hình nông dân tự quản ở xã Ea Tar và xã Ea Kiết huyện Cư M Gar, tỉnh Đắk Lắk; mô hình tại xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng,…

Theo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, để tiếp tục nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân Việt Nam sẽ tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác môi trường của các cấp Hội. Thiết lập mạng lưới cộng tác viên và tuyên truyền viên đẩy mạnh tuyên truyền vận động nâng cao năng lực tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu để nông dân có ý thức tự giác, chịu trách nhiệm, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, xây dựng tổng quan, đánh giá mô hình nông dân tham gia xây dựng bảo vệ môi trường ở nông thôn và trong sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp; phân loại các loại mô hình bảo vệ môi trường do các cấp của Hội xây dựng. Đồng thời, tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường và bồi dưỡng kỹ năng xây dựng, duy trì và nhân rộng mô hình; kỹ năng vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng mô hình bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, đặc biệt chú ý đến giải pháp nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường. Có thể nói, xây dựng mô hình khó một, duy trì mô hình khó hai và nhân rộng mô hình khó ba. Song với sự cố gắng của các cấp Hội Nông dân, sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, Hội Nông dân các cấp quyết tâm sẽ thực hiện được nhiệm vụ trên một cách hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới./.

Phản hồi

Các tin khác