Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp vừa ký Quyết định ban hành Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ- CP; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ, trong đó xác định những nhiệm vụ chủ yếu:
Tập trung quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng khóa XIII, các Kết luận mới đây của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp. Tham gia nghiên cứu, xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xem xét, ban hành và tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nâng cao kỷ cương, hiệu quả trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với thực thi nghiêm pháp luật. Nâng cao chất lượng tham mưu lập Đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, giải phóng các nguồn lực cho phát triển, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; tích cực tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; Chương trình xây dựng đề án, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2021.
Kịp thời phát hiện, xử lý quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn thông qua công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 12/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ; theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện công tác rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật và việc xử lý kết quả rà soát VBQPPL đã được thực hiện trong năm 2020.
Tập trung nâng cao chất lượng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Bộ pháp điển để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, tìm hiểu, áp dụng pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và công tác quản lý hệ thống pháp luật của cơ quan nhà nước.Tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật; tập trung vào các lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, lĩnh vực được xác định là trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành xây dựng để kịp thời ban hành hoặc trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh.
Chú trọng phổ biến các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, trình tự, thủ tục, kỹ năng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và thực hiện nghĩa vụ; các văn bản pháp luật mới được ban hành, liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, xuất phát từ nhu cầu của người dân; tập trung phổ biến pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực này.
Thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tiếp tục chủ trì thực hiện các giải pháp để cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (B1).
|
Tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng liên quan đến lĩnh vực Bộ, ngành Tư pháp. Ảnh minh họa: Trụ sở Bộ Tư pháp. Nguồn: TL.
|
Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế sau khi được ban hành. Tạo chuyển biến cơ bản, bền vững, thực chất công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính, phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu thi hành án dân sự (THADS) được Quốc hội giao năm 2021. Tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong kê biên, phong tỏa tài khoản, truy tìm tài sản bảo đảm cho công tác thi hành án, nhất là trong các vụ việc kinh tế, tham nhũng.
Kịp thời thẩm định các dự thảo điều ước quốc tế; hoàn thiện pháp luật về cấp ý kiến pháp lý; tăng cường nghiên cứu, đề xuất tham gia ký kết, thực hiện các điều ước quốc tế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; thực hiện tốt nhiệm vụ chủ trì, đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế; thực thi có hiệu quả các điều ước quốc tế trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự mà Việt Nam là thành viên. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hợp tác với nước ngoài về pháp luật và tương trợ tư pháp.
Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của các cơ quan tư pháp theo các nghị định mới của Chính phủ. Nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Rà soát, hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức làm công tác pháp chế.
Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng; trong đó, hoạt động thanh tra chuyên ngành tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội…/.
P.Anh