|
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung
|
Phóng viên (PV): Xin Thứ trưởng cho biết các thành tựu đối ngoại nổi bật của đất nước trong nhiệm kỳ vừa qua?
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung: Các dự thảo văn kiện Đại hội XIII đề cập đến rất nhiều vấn đề từ Báo cáo Chính trị, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; đánh giá quá trình thực hiện Cương lĩnh cùng với đó là các vấn đề xây dựng Đảng. Trong Báo cáo chính trị và đánh giá về thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội vừa qua và định hướng thời gian tới có nội dung về công tác đối ngoại.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có tiềm lực, cơ đồ, vị thế, uy tín như ngày hôm nay”. Dự thảo Báo cáo chính trị đã đánh giá, nhiệm kỳ qua chúng ta giành được những thành tựu có ý nghĩa rất quan trọng, nhiều dấu ấn nổi bật trong đó có đóng góp của công tác đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nhân dân; các cấp, các ngành, địa phương, nhân dân và thông tin báo chí cũng tham gia công tác đối ngoại.
Theo đó, thành tựu lớn nhất, quan trọng nhất của đất nước chúng ta - một dân tộc đã trải qua nhiều cuộc đấu tranh để gìn giữ nền độc lập - là việc giữ vững độc lập, tự chủ trong tình hình quốc tế rất phức tạp và giữ được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Chúng ta đã nâng cao hiệu quả và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác quốc tế; mở rộng thêm quan hệ với nhiều đối tác quốc tế, nâng số lượng đối tác chiến lược và đối tác toàn diện lên con số 30, bao gồm tất cả các nước là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, phần lớn các nước thành viên, các tổ chức chính trị, kinh tế lớn trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng.
Một thành tựu rất quan trọng khác là chúng ta đã giữ vững được toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, đạt được nhiều thành tựu cụ thể trong giải quyết vấn đề biên giới. Đối với đường biên giới trên bộ, chúng ta có khoảng trên 5.000 km biên giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia và chúng ta đã hoạch định xong toàn bộ biên giới trên bộ với cả ba nước. Chúng ta đã hoàn thành phân giới cắm mốc với Lào, Trung Quốc và vừa qua đã hoàn thành 84% phân giới cắm mốc với Campuchia.
Thành tựu lớn thứ ba là chúng ta đã tranh thủ tốt hội nhập quốc tế cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút được nguồn lực đầu tư rất lớn, thúc đẩy thương mại, du lịch, tranh thủ về khoa học, công nghệ, giáo dục… Song song với đó, chúng ta vẫn giữ được độc lập, tự chủ, trong đó có tự chủ về kinh tế.
Thời gian qua, chúng ta cũng đã thúc đẩy ngoại giao văn hoá, một mặt góp phần giới thiệu đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế, mặt khác cũng tiếp thu những tinh hoa của văn hoá thế giới mà trong thời đại ngày nay được coi là sức mạnh mềm.
Trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta cũng góp phần giải quyết nhiều vấn đề đặt ra, bảo đảm quyền lợi của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong việc trở về Việt Nam làm ăn sinh sống, cho đến việc bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng ở sở tại.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết, bạn bè quốc tế đánh giá như thế nào về hình ảnh, vị thế Việt Nam trong thời gian qua?
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung: Tôi nghĩ rằng hình ảnh và uy tín của Việt Nam đã được nâng cao trong mắt bạn bè trong thời gian qua. Việt Nam vốn được biết đến và được yêu quý do có nền văn hóa rất đặc sắc, có nhiều cộng đồng dân tộc và có lịch sử lâu dài.
Đặc biệt người ta biết đến Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình nhưng là dân tộc bất khuất và đã giành được thắng lợi trong bảo vệ nền độc lập của mình.
Đến thế kỷ XXI, Việt Nam được biết đến nhiều là về thành tựu của quá trình đổi mới: đó là sự phát triển kinh tế - xã hội, đó là Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư là đối tác thương mại trên thế giới.
Thời gian qua, Việt Nam gây ấn tượng rất lớn khi đóng góp tích cực và có trách nhiệm đối với các vấn đề quốc tế như: đăng cai Hội nghị cấp cao APEC 2017, Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chủ trì cho cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên,… Nghĩa là Việt Nam đã đóng góp tích cực trong các vấn đề lớn, vào công cuộc chung của toàn cầu và khu vực.
Dù vẫn trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng trong điều kiện có thể, chúng ta đã hỗ trợ về nhân lực thiết bị và kinh nghiệm trong phòng chống COVID-19 cho các nước, không chỉ ở trong khu vực mà còn ở các châu lục khác. Lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo địa phương của ta gửi thư, gửi điện chia sẻ, rồi người dân, doanh nghiệp, tổ chức của chúng ta đóng góp trang thiết bị, tiền và vật chất để hỗ trợ trong chống dịch COVID-19.
Qua đó, người ta thấy được tình cảm của Việt Nam Và phải nói rằng hình ảnh Việt Nam hiện nay rất tốt đẹp trong mắt cộng đồng quốc tế và đó là một thực tế. Tôi cho rằng đây cũng là một thuận lợi rất lớn cho chúng ta, không chỉ trong quá trình triển khai công tác đối ngoại mà cả trong quá trình đổi mới, triển khai cái chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với những mục tiêu rất lớn trong thời gian tới.
PV: Thứ trưởng có thể cho biết những điểm mới, trọng tâm trong chủ trương, chính sách, đường lối đối ngoại được đề cập trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIII?
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung: Về những nét lớn, nội dung liên quan đến công tác đối ngoại trong thời gian tới, trước hết các dự thảo văn kiện đánh giá tình hình có những thuận lợi cho đối ngoại như: hòa bình hợp tác, phát triển là xu thế lớn, quá trình toàn cầu hoá và liên kết kinh tế vẫn tiếp tục, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức trong môi trường quốc tế và khu vực. Đặc biệt là những biến động lớn từ các thách thức an ninh phi truyền thống, mà điển hình là tác động của dịch bệnh COVID-19 trong hơn 1 năm qua. Bên cạnh đó, trong năm vừa qua Việt Nam đã phải chịu tác động rất lớn từ đợt bão lũ lịch sử tại miền Trung, hạn mặn kỷ lục ở đồng bằng sông Cửu Long hay vấn đề an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, ma tuý…
Điều đó cho thấy đối với công tác đối ngoại, trong đánh giá tình hình thế thế giới, khu vực, bên cạnh những thuận lợi thì cần hết sức chú ý đến những khó khăn, thách thức, phức tạp, đặc biệt là những diễn biến mới hoặc vấn đề mới xuất hiện.
Trên cơ sở đó, các văn kiện Đại hội xác định, chúng ta vẫn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại đã đem lại những thành tựu phát triển của đất nước và được sự ủng hộ rộng rãi của khu vực và cộng đồng quốc tế.
Đó là đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; Việt Nam là bạn, đối tác trách nhiệm, tin cậy trong cộng đồng quốc tế; đa phương hoá, đa dạng hoá và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc dựa trên luật pháp quốc tế, bình đẳng giữa các quốc gia.
Đặc biệt, Đại hội XIII lần này nhấn mạnh việc phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo dựng và gìn giữ môi trường hoà bình, tranh thủ điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển và đổi mới đất nước cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam.
Lần đầu tiên, dự thảo văn kiện cũng nêu rất rõ đối ngoại gồm ba trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Nhân dân. Đây là ba lực lượng đã phát huy tác dụng trong quá trình kháng chiến để nâng cao vị thế của đất nước, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế cả về tinh thần và vật chất cũng như là trong quá trình đổi mới thời gian qua.
Trên cơ sở đó, văn kiện cũng nêu, phải xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại có năng lực cao hơn, có trình độ tốt hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là xây dựng nền ngoại giao toàn diện và hiện đại. Việt Nam không những là thành viên có trách nhiệm mà còn là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế bởi. Hiện nay chúng ta có điều kiện năng lực tốt hơn để làm việc này và cũng được cộng đồng quốc tế và khu vực rất hoan nghênh, ủng hộ.
Một điểm mới nữa là việc nâng cao hiệu quả, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, văn kiện nhấn mạnh đến nâng tầm ngoại giao đa phương, tức là chúng ta tích cực tham gia xây dựng và định hình các luật chơi, tham gia vào đóng góp xây dựng định hình các hoạt động, quy định, cơ chế đa phương.
Ngoài ra, một điểm rất quan trọng mà thực tế đòi hỏi và chúng ta đã làm trong nhiều năm qua và đã được đưa vào dự thảo văn kiện lần này là phải theo dõi sát tình hình, có ứng biến mau lẹ, khi tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, để làm sao thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra cho công tác đối ngoại, hoàn thành được phương châm của công tác đối ngoại để đóng góp tốt vào thực hiện các tiêu tổng quát và cụ thể mà Đại hội XIII đặt ra.
PV: Với những điểm mới mà Đại hội XIII đề ra về chiến lược, định hướng đối ngoại, với tâm thế mới của đất nước, Bộ Ngoại giao sẽ có những giải pháp gì để hiện thực hoá các mục tiêu đã đặt ra trong Nghị quyết của Đại hội khi Nghị quyết Đại hội được thông qua?
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung: Trước hết, nội dung Nghị quyết phải được quán triệt trong Bộ Ngoại giao và được phổ biến các ngành, địa phương, đối tượng khác nhau, trong đó tập trung về nội dung, phương hướng và các biện pháp chính được đề ra liên quan đến công tác đối ngoại trong nhiệm kỳ tới.
Trong từng lĩnh vực của hoạt động đối ngoại cần cập nhật kế hoạch, chiến lược. Đơn cử, hiện nay đặt ra nhiệm vụ lấy doanh nghiệp làm trung tâm, liên quan đến kinh tế số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì phải có những điều chỉnh trong quá trình xây dựng chiến lược, kế hoạch ngoại giao phục vụ kinh tế.
Trong bối cảnh trên thế giới có những diễn biến phức tạp với các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thì ngành ngoại giao đã làm và trong thời gian tới phải làm tốt hơn việc cảnh báo đối với đất nước về những thách thức đó, đồng thời tranh thủ sự hợp tác quốc tế.
Ví dụ, chúng ta đang đề xuất Việt Nam là trung tâm lưu trữ thiết bị, vật tư y tế của ASEAN hay mới đây chúng ta đã giới thiệu dự thảo Nghị quyết và đã được các nước thành viên Liên hợp quốc thông qua lấy ngày 27/12 là Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh.
Một điểm rất quan trọng trong Nghị quyết lần này là quan điểm xây dựng nền ngoại giao toàn diện và hiện đại. Toàn diện về phương thức, lĩnh vực hoạt động. Hiện đại không chỉ là máy móc mà chúng ta phải tranh thủ, tận dụng công nghệ số.
Bộ Ngoại giao đã xây dựng chiến lược về quản lý tri thức, một khái niệm được sử dụng trong nhiều năm nhưng 5 năm qua Bộ Ngoại giao đã đưa vào trong hoạt động quản lý, hình thành quá trình khép kín từ tạo ra tri thức, phổ hiến tri thức và quay lại tạo ra tri thức, góp phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ ngoại giao.
Bên cạnh đó, ngành Ngoại giao phải coi công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, xây dựng bộ máy trong sạch, hiệu lực, hiệu quả.
Ngành Ngoại giao cũng sẽ thông tin cho các đối tác quốc tế về đường lối đối ngoại đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng như những biện pháp mà chúng ta mong muốn, để cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác, vì lợi ích của cả hai bên, vì hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và quốc tế.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.
PV