Đó là chia sẻ của đồng chí Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
|
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị
(Ảnh: Khánh Linh)
|
Phóng viên: Hiểu rõ vai trò quan trọng và nguồn lực to lớn của kiều bào, Ðảng, Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc đến công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách phù hợp qua các thời kỳ. Đồng chí cho biết những chủ trương, quyết sách của Đảng trong nhiệm kỳ vừa qua có tác động thế nào tới công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài?
Đồng chí Lương Thanh Nghị: Sau 16 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 và 05 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã đạt được nhiều tiến bộ và kết quả quan trọng. Tôi xin nêu một số điểm nổi bật như sau:
Thứ nhất, nhận thức và hành động trong toàn bộ hệ thống chính trị và mọi người dân đối với công tác về NVNONN đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Trong các chuyến đi công tác nước ngoài hoặc trong những dịp kiều bào về nước, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc... thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng NVNONN. Nhiều chính sách, quy định pháp luật liên quan đến NVNONN trong các lĩnh vực: xuất nhập cảnh, quốc tịch, sở hữu nhà ở, thu hút, trọng dụng cá nhân là NVNONN hoạt động khoa học công nghệ, chế độ hỗ trợ và đãi ngộ người có công định cư ở nước ngoài… đã được ban hành. Đến nay, một hệ thống khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh liên quan đến NVNONN đã được hình thành, ngày càng tạo thuận lợi cho kiều bào về nước thăm thân, sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh.
Thứ hai, việc hỗ trợ, bảo vệ lợi ích chính đáng của cộng đồng NVNONN ngày càng được quan tâm. Đặc biệt, khi dịch COVID-19 bùng phát, các cơ quan trong và ngoài nước đã phối hợp chặt chẽ triển khai công tác hỗ trợ cộng đồng NVNONN: tổ chức hơn 300 chuyến bay, đưa trên 80.000 công dân từ hơn 61 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn; kịp thời chuyển hơn 830.000 khẩu trang, quần áo bảo hộ, thuốc men và lương thực, thực phẩm cho cộng đồng tại một số địa bàn trong lúc dịch bệnh đang ở đỉnh điểm và hàng hóa, vật tư y tế khan hiếm. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ cộng đồng NVNONN giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, dạy và học tiếng Việt cũng đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bà con. Ủy ban cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng cho hàng trăm giáo viên kiều bào để trở thành nòng cốt trong phong trào dạy và học tiếng Việt của cộng đồng ở sở tại; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trường, lớp, cung cấp tài liệu, trang thiết bị và đồ dùng học tập cho bà con tại một số địa bàn.
Thứ ba, việc vận động, tập hợp cộng đồng NVNONN hướng về quê hương có sự đổi mới, ngày càng đa dạng, phong phú. Những hoạt động do Ủy ban Nhà nước về NVNONN phối hợp cùng các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức như chương trình “Xuân Quê hương”, Trại hè dành cho thanh niên, sinh viên kiều bào, Đoàn kiều bào thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1... đã thu hút sự tham gia của đông đảo bà con, góp phần quan trọng khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tình cảm gắn bó với quê hương trong mỗi kiều bào. Đặc biệt, việc thu hút và phát huy nguồn lực của cộng đồng NVNONN được chú trọng hơn và đạt được những kết quả quan trọng. Chúng ta vui mừng khi thấy 04 trí thức NVNONN tại Pháp, Nhật Bản, Mỹ, Singapore tham gia Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng; 17 kiều bào tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX nhiệm kỳ 2019 – 2024; cộng đồng NVNONN tích cực đóng góp ý kiến vào các Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, cũng như những vấn đề phát triển đất nước; lượng kiều hối chuyển về trong nước đều tăng qua mỗi năm...
Phóng viên: Thời gian qua, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã diễn ra sôi nổi, dân chủ, rộng khắp cả ở trong và ngoài nước. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về quá trình này?
Đồng chí Lương Thanh Nghị: Trong đợt lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, có thể nói, cộng đồng NVNONN đã phát huy trí tuệ và quyền làm chủ của mình đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước.
Ở trong nước, thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu kiều bào đã trực tiếp đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết. Ở ngoài nước, do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, các Cơ quan đại diện Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của kiều bào thông qua nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức hội nghị, tọa đàm kết hợp trực tiếp và trực tuyến, đăng tải dự thảo văn kiện trên trang web của Cơ quan đại diện hoặc gửi dự thảo tới các hội đoàn của người Việt ở sở tại và tiếp nhận ý kiến đóng góp của kiều bào qua đường bưu điện. Tính đến nay, kiều bào thuộc nhiều đối tượng, tầng lớp như chuyên gia, trí thức, doanh nhân, học sinh, sinh viên, người lao động... đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, tâm huyết và đầy trách nhiệm vào dự thảo các văn kiện.
Nhìn chung, các ý kiến đều đánh giá cao và thể hiện sự đồng tình với nội dung dự thảo; cho rằng dự thảo các văn kiện được chuẩn bị công phu, bài bản, có tính kế thừa, phản ánh toàn diện tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 05 năm qua, cũng như sau gần 35 năm đổi mới. Các ý kiến đóng góp tập trung vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới nhằm đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Các ý kiến đóng góp của cộng đồng NVNONN đều được Tiểu ban Văn kiện Đại hội ghi nhận và đánh giá cao. Về phía kiều bào, bà con cảm thấy rất vui, vinh dự và tự hào khi những ý kiến đóng góp của bà con được Đảng, Nhà nước và các cơ quan trong nước trân trọng.
|
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm cùng với kiều bào tiêu biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm Chỉ thị 45-CT/TW. (Ảnh: Khánh Linh)
|
Phóng viên: Đồng chí đánh giá thế nào về nội dung công tác đối ngoại nói chung và nội dung liên quan tới kiều bào thời gian tới, được nêu trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng?
Đồng chí Lương Thanh Nghị: Chúng tôi rất vui mừng vì rất nhiều nội dung có liên quan đến kiều bào đã được đưa vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong đó đặc biệt là về tầm nhìn và định hướng phát triển của Việt Nam trong 10 năm tới.
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phần về nhiệm vụ công tác đối ngoại, nhấn mạnh: “Đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại, bảo hộ công dân, triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác người Việt Nam ở nước ngoài”. Đây là một điểm rất mới.
Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân, Dự thảo Báo cáo chính trị cũng nêu rõ: “Hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hội nhập xã hội nước sở tại. Nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh... Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hoá dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Làm tốt công tác thông tin tình hình trong nước, giúp đồng bào hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, cũng nhấn mạnh: “Xây dựng, triển khai các chương trình cụ thể để thu hút và phát huy có hiệu quả các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài”.
Như vậy, có thể nói, Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã đề cập đậm nét vai trò của NVNONN, cũng như công tác đối với NVNONN, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào ta ở nước ngoài.
Phóng viên: Đặc biệt, dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đề cập tới việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng chí suy nghĩ như thế nào về vấn đề này? Theo đồng chí, trong thời gian tới, chúng ta cần làm gì để tiếp tục huy động tinh thần đoàn kết của kiều bào ở khắp nơi trên thế giới?
Đồng chí Lương Thanh Nghị: Theo tôi, việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc đóng vai trò rất quan trọng trong việc hiện thực hóa ước mơ và khát vọng phát triển của dân tộc. Bác Hồ từng nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Sinh thời Người rất quan tâm xây dựng phong trào yêu nước của kiều bào, trực tiếp vận động bà con đóng góp cho phong trào cách mạng ở trong nước. Nghe theo lời kêu gọi của Bác, nhiều kiều bào đã trở về Tổ quốc, gánh vác những trọng trách lớn của Đảng và Nhà nước, góp một phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc như: Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa; Giáo sư, Bác sỹ Trần Hữu Tước...
Trong giai đoạn hiện nay, việc phát huy nguồn lực to lớn của 5,3 triệu đồng bào ta ở nước ngoài vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước lại càng có ý nghĩa quan trọng. Để làm được điều này, theo tôi, quan trọng nhất là phải tiếp tục nâng cao nhận thức và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân trong công tác đối với NVNONN. Chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước nói chung và quan điểm chỉ đạo coi cộng đồng NVNONN là “bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” cần phải được quán triệt đầy đủ và thống nhất triển khai thực hiện. Theo đó, mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu chung của dân tộc là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phóng viên: Đồng chí gửi gắm niềm tin và kỳ vọng gì tới Đại hội Đảng toàn quốc lần này, thưa đồng chí?
Đồng chí Lương Thanh Nghị: Trên cương vị hiện nay là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN, cũng như trước đây là Đại sứ Việt Nam tại Australia, tôi đã nhiều lần có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với kiều bào. Trong những lần gặp gỡ đó, tôi thấy rằng, bà con ta dù ở phương trời nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vẫn luôn hướng về Tổ quốc, mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé trí, lực của mình cho quê hương. Đặc biệt, bà con mong muốn Đảng và Nhà nước có những chính sách phù hợp nhằm thu hút đội ngũ trí thức kiều bào trẻ, vì đó chính là tương lai của Việt Nam.
Chính vì vậy, tôi tin tưởng vững chắc rằng, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, những chủ trương, đường lối, quyết sách được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ là “kim chỉ nam” để triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa công tác đối với NVNONN, đồng thời khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc và khát vọng phát triển đất nước của cộng đồng NVNONN, góp phần củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, lập nên những kỳ tích phát triển mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Khánh Linh (Thực hiện)