|
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội điều hành phiên thảo luận.
|
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội điều hành phiên thảo luận.
Phiên họp sáng đã có 13 đại biểu tham luận.
Cụ thể, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ tham luận về vấn đề "Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng nền hành chính nhà nước, góp phần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước".
Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre tham luận về vấn đề "Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, xây dựng đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu".
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham luận về vấn đề "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên, thúc đẩy phong trào thanh niên tình nguyện, xung kích, sáng tạo khởi nghiệp".
Đồng chí Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái tham luận về vấn đề "Phát huy vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số".
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương tham luận về vấn đề "Nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu".
|
Các đại biểu trò chuyện trong giờ giải lao tại Đại hội
|
Đồng chí Y Thanh Hà Niê K'đăm, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tham luận về vấn đề "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Đồng chí Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ tham luận về vấn đề "Xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm khoa học- công nghệ về nông nghiệp của quốc gia và khu vực".
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh tham luận về vấn đề "Phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền trong tỉnh".
Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tham luận về vấn đề "Một số bài học từ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng".
Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tham luận về vấn đề "Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế".
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tham luận về vấn đề "Chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới".
Đồng chí Đỗ Việt Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tham luận về vấn đề "Thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp".
Đồng chí A Pớt, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Kon Tum tham luận về vấn đề "Đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số".
Buổi chiều, Đại hội làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Sau đó, các đại biểu làm việc tại đoàn, thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Đại hội nghiên cứu danh sách giới thiệu ứng cử, đề cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và các tài liệu hồ sơ về nhân sự. Cuối cùng, Đoàn Chủ tịch họp tiếp thu, giải trình các văn kiện trình Đại hội.
Trước đó, trong ngày 27/1 đã có 23 đại biểu thuộc các đoàn đại biểu các đảng bộ tỉnh, thành phố, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương phát biểu ý kiến tham luận gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân đội, Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, thành phố Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Đối ngoại Trung ương, tỉnh Bắc Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Lâm Đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Ngoại giao, tỉnh Đồng Tháp, Ủy ban Dân tộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch.
Các tham luận tập trung đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII gắn với việc đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; đóng góp ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025); mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.
|
Trong buổi sáng các đại biểu đã nghe 13 tham luận Đại hội.
|
Theo dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, mục tiêu phát triển tổng quát trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 và những năm tiếp theo là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 Việt Nam phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
3 khâu đột phá trình Đại hội XIII của Đảng gồm, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng những biện pháp hữu hiệu.
|
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Đoàn cán bộ, phóng viên Trung tâm Báo chí Đại hội XIII.
|
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số./.
Thu Hà