Vĩnh Phúc: Cơ bản hoàn thành tốt bước đầu công tác bầu cử
Hướng tới bầu cử an toàn và hiệu quả (Ảnh tư liệu)

Theo đó, tỉnh đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương về chuẩn bị và triển khai tổ chức các hoạt động liên quan. Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã nhanh chóng ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 26/11/2020 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Quyết định số 110-QĐ/TU ngày 11/01/2021 về việc thành lập Ban chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (21 thành viên); Quyết định số 116-QĐ/TU ngày 13/01/2021 về việc bổ sung thành viên Ban chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Hướng dẫn số 01-HD/TU ngày 22/01/2021 hướng dẫn công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân và nhân sự lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Thông báo số 01-TB/BCĐ ngày 21/01/2021 của Ban chỉ đạo bầu cử tỉnh về việc phân công nhiệm vụ thành viên Ban chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Vĩnh Phúc ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thành lập Ủy ban bầu cử theo yêu cầu của Hội đồng bầu cử quốc gia và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương về công tác bầu cử.

Đặc biệt, Ủy ban bầu cử tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cùng các Tiểu ban giúp việc của Ủy ban bầu cử tỉnh và các Sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai hoạt động. Sơ bộ, đến nay đã có trên 4.800 văn bản liên quan đến công tác bầu cử được các Sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh ban hành.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan kiểm tra danh sách niêm yết cử tri tại 1 tổ bầu cử trên địa bàn phường Tích Sơn, Vĩnh Yên chiều 6/5/2021 (Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc)

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan kiểm tra danh sách niêm yết cử tri tại 1 tổ bầu cử trên địa bàn phường Tích Sơn, Vĩnh Yên chiều 6/5/2021 (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc)

Đảm bảo các công tác theo luật định

Về cơ bản, tỉnh đã triển khai xong các công việc theo luật định liên quan tới công tác bầu cử trên địa bàn, đó là: thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử, trong đó, ngày 13/01/2021, UBND tỉnh Quyết định thành lập Ủy ban bầu cử tỉnh Vĩnh Phúc (số 59/QĐ-UBND); đến ngày 19/01/2021, 9/9 UBND huyện, thành phố Quyết định thành lập Ủy ban bầu cử; đến ngày 20/01/2021, 136/136 Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quyết định thành lập Ủy ban bầu cử. Thời gian thành lập Ủy ban bầu cử các cấp đều sớm hơn so với thời gian theo luật định (luật quy định chậm nhất ngày 7/02/2021) và đảm bảo theo Kế hoạch số 01/KH-UBBC ngày 21/01/2021 của Ủy ban bầu cử tỉnh.

Việc thành lập Ban Bầu cử đã được Ủy ban nhân dân các cấp quyết định sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp đảm bảo quy định của Luật bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân. Đến ngày 14/3/2021, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định thành lập xong tại mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND một Ban bầu cử theo đúng quy định. Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc có 1.165 Ban bầu cử đại biểu HĐND (cấp tỉnh 15 Ban, cấp huyện 88 Ban, cấp xã 1062 Ban). Qua kiểm tra, các Ban bầu cử đều đảm bảo số thành viên theo quy định của Luật.

Căn cứ số khu vực bỏ phiếu đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, đến ngày 3/4/2021, UBND 136 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã Quyết định thành lập 1.104 Tổ bầu cử (hoàn thành sớm hơn 02 ngày so với Luật định).

Ngày 03/03/2021, Hội đồng bầu cử Quốc gia ban hành Nghị quyết số 64/HĐBCQG-CTĐB về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử. Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc có 02 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội và được bầu 6 đại biểu.

Đối với bầu cử đại biểu HĐND: Uỷ ban bầu các cấp đã ban hành Nghị quyết công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử, số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đúng theo Kế hoạch số 01/KH-UBBC ngày 21/01/2021 của Ủy ban bầu cử tỉnh và sớm hơn so với luật định 02 ngày (theo luật chậm nhất là ngày 04/3/2021). Tổng toàn tỉnh có 1.163 đơn vị bầu cử: 13 đơn vị bầu cử cấp tỉnh, 88 đơn vị bầu cử cấp huyện, 1.062 đơn vị bầu cử cấp xã. Tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu là 3.753 đại biểu: cấp tỉnh 52 đại biểu, cấp huyện 301 đại biểu, cấp xã 3.400 đại biểu.

Trên cơ sở đề nghị của UBND cấp xã, UBND các huyện, thành phố đã Quyết định phê duyệt 1.104 khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (Vĩnh Yên 80, Phúc Yên 74, Vĩnh Tường 206, Yên Lạc 136, Tam Dương 122, Sông Lô 118, Tam Đảo 97, Lập Thạch 151, Bình Xuyên 120).

Thường trực Tỉnh ủy họp nghe Ủy ban bầu cử tỉnh báo cáo về công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ngày 20/4/2021 (Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc)

Thường trực Tỉnh ủy họp nghe Ủy ban bầu cử tỉnh báo cáo về công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ngày 20/4/2021 (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc)

Thực hiện hiệp thương nghiêm túc, đúng quy định, công khai và minh bạch

Việc thực hiện các quy định về hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được triển khai nghiêm túc, bài bản, công khai, minh bạch. Thực hiện Nghị quyết số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWTTQVN ngày 15/01/2021 của Ủy ban Thường vụ quốc hội-Chính phủ-Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần 1 (ngày 09/02/2021) và tổ chức các hội nghị hướng dẫn Ủy ban MTTQ các cấp thực hiện giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp theo số lượng cơ cấu, thành phần được phân bổ.

Đến ngày 10/3/2021, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã chỉ đạo 1.236/1.236 thôn, tổ dân phố và các cơ quan, đơn vị hoàn thành việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo đúng quy định.

Đến ngày 12/3/2021, các cơ quan, đơn vị được phân bổ giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã hoàn thiện biên bản các hội nghị gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đảm bảo thời gian theo quy định.

Kết quả hiệp thương lần thứ nhất, đến ngày 10/2/2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần 1 và tổ chức các hội nghị hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp theo số lượng cơ cấu, thành phần được phân bổ. Theo đó, được bầu 6 đại biểu quốc hội (trong đó có 04 người do địa phương giới thiệu), hội nghị đã thống nhất 10 người đang cư trú, làm việc tại Vĩnh Phúc được giới thiệu ứng cử, cụ thể: Thường trực Tỉnh ủy 01; Viện Kiểm sát nhân dân 02; lãnh đạo sở, ban, ngành cấp tỉnh hoặc lãnh đạo chủ chốt cấp huyện 01; Liên đoàn lao động 02; Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật 01; huyện Sông Lô 01; thành phố Vĩnh Yên 01; huyện Tam Dương 01. Về cơ cấu kết hợp: phụ nữ 05 người; ngoài đảng 01 người; trẻ tuổi 02 người.

Về đại biểu HĐND tỉnh, tổng số đại biểu được bầu là 52 người, tổng số người được giới thiệu là 99 người, có cơ cấu, thành phần như sau: Thường trực Tỉnh ủy và các cơ quan thuộc Tỉnh ủy 07 người; cơ quan của Hội đồng nhân dân tỉnh 06 người; lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh 02 người; các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh 09 người; Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp 19 người; các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang và các ngành khối nội chính 06 người; các tổ chức kinh tế 09 người; các cơ quan, tổ chức cấp huyện 18 người; các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp xã 17 người; thành phần khác 06 người. Về cơ cấu kết hợp: Nữ 37 người (37%), dân tộc thiểu số 03 người (3,03%), trẻ tuổi 23 người (23%), ngoài Đảng 14 người (14%).

Đại biểu HĐND cấp huyện: Tổng số đại biểu được bầu là 301 người, tổng số người được giới thiệu ứng cử là 586 người, có cơ cấu: chuyên trách đảng 132 người; khối chính quyền 230 người; Mặt trận và các tổ chức thành viên 71 người; khối kinh tế 5 người; chức sắc, tôn giáo 7 người; thành phần khác 95 người. Về cơ cấu kết hợp: nữ 221 người (đạt 38%); dân tộc thiểu số 28 người (đạt 5%), trẻ tuổi 147 người (đạt 25%), ngoài đảng 56 người (đạt 10%).

Đại biểu HĐND cấp xã: Tổng số đại biểu được bầu là 3.400 người, tổng số người được giới thiệu ứng cử là 6.732 người, có cơ cấu: chuyên trách đảng 1.248 người; khối chính quyền 2.088 người; Mặt trận và các tổ chức thành viên 1.381 người; khối kinh tế 64 người; chức sắc, tôn giáo 51 người; thành phần khác 1.900 người. Với cơ cấu kết hợp: nữ 1.980 người (đạt 29,4%); dân tộc thiểu số 61 người (đạt 0,9%), trẻ tuổi 1.407 người (đạt 20,9%), ngoài đảng 1.276 người (đạt 19%).

Kết quả hiệp thương lần 2, đến ngày 19/3/2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần 2, đã lập danh sách sơ bộ 7.383 người ứng cử, trong đó: 12 người người ứng cử đại biểu Quốc hội. Danh sách người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh: 100 người ứng cử (trong đó có 01 người tự ứng cử), đạt tỷ lệ số dư 1,92 lần so với số đại biểu được bầu. Danh sách người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện: 586 người, đạt tỷ lệ số dư 1,94 lần so với số đại biểu được bầu. Danh sách người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã: 6.685 người, đạt tỷ lệ 1,96 lần so với số đại biểu được bầu.

Ngay sau Hội nghị hiệp thương lần 2, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh đã ban hành văn bản số 786/MTTQ-BTT ngày 18/3/2021 đề nghị Công an tỉnh thẩm tra tiêu chuẩn chính trị đối với 17 người ngoài Đảng ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh.

Kết quả hiệp thương lần 3, đến ngày 18/4/2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần 3, đã lập danh sách chính thức 6.261 người ứng cử.

Cũng theo Báo cáo của Ủy ban bầu cử tỉnh, đúng 17h00 ngày 14/3/2021, Ủy ban bầu cử các cấp của tỉnh Vĩnh Phúc đã kết thúc việc tiếp nhận hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội và ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Toàn tỉnh đã tiếp nhận 7.383 hồ sơ ứng cử.

Ngày 16/3/2021, Ủy ban bầu cử tỉnh Vĩnh Phúc đã chuyển hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội, lý lịch trích ngang người ứng cử đại biểu Quốc hội đến Hội đồng bầu cử quốc gia. Đồng thời, chuyển bản sao Tiểu sử tóm tắt, Bản kê khai tài sản, lý lịch trích ngang của người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh đến Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Ngày 19/3/2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị họp với đại diện 30 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có nguời ứng cử; đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 50 xã, phường, thị trấn nơi có người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh cư trú để hướng dẫn việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri nơi cư trú của người ứng cử, nơi công tác hoặc nơi làm việc (nếu có) của người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh. Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử, tự ứng đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã thực hiện từ ngày 21/3/2021 đến ngày 13/4/2021.

Đến nay, Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, cấp huyện chưa nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bầu cử. Ủy ban bầu cử cấp xã nhận được 7 đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến nhân sự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026: Yên Lạc 04 (Bình Định 02, Yên Phương 01, Trung Nguyên 01); Tam Đảo 02 (Hợp Châu 01, Bồ Lý 01), Thành phố Phúc Yên 01 (Cao Minh), về cơ bản đã giải quyết xong.

Ngày 13/4/2021, UBND 136 xã, phường, thị trấn đã niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND cấp xã, tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để nhân dân kiểm tra. Đến ngày 12/5/2021, kết thúc việc tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của nhân dân về danh sách cử tri.

Đáp ứng tốt yêu cầu các công tác khác phục vụ hoạt động bầu cử

Đặc biệt, công tác tuyên truyền về bầu cử được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cở sở tích cực thực hiện, được triển khai đồng bộ, toàn diện. Các cấp ủy đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, tổ chức đoàn thể tích cực quán triệt và tuyên truyền về cuộc bầu cử, quyền lợi của nhân dân trong bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, công tác nhân sự của Đảng để cán bộ, Đảng viên và nhân dân biết sáng suốt lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính - xã hội đã ứng dụng, phát huy hiệu quả các trang thông tin điện tử, Fanpage, Facebook, Zalo… để tuyên truyền và lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên và Nhân dân về công tác chuẩn bị bầu cử; nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận của các tầng lớp Nhân dân, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, nêu cao tinh thần làm chủ, tích cực, tự giác tham gia bầu cử. MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội và các địa phương đã tổ chức tổ chức hơn 1.800 hội nghị với hơn 100.000 lượt người tham dự.

Công tác kiểm tra giám sát được đảm bảo, an ninh, trật tự an toàn xã hội được chú trọng… Các hoạt động cơ sở vật chất phục vụ cho bầu cử cũng sẵn sàng, cụ thể: Sở Nội vụ đã phối hợp với Công an tỉnh khắc xong 3.616 con dấu (gồm có: 146 dấu Ủy ban bầu cử các cấp; 1.165 dấu Ban bầu cử, 1.105 dấu tổ bầu cử, 1105 dấu đã bỏ phiếu) để các tổ chức bầu cử kịp thời hoạt động theo đúng luật định.

Trong thời gian tới, theo Kế hoạch số 01/KH-UBBC ngày 21/01/2021 của UBND tỉnh và theo tiến độ quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Ủy ban bầu cử các cấp cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo, quyết tâm tổ chức thành công cuộc bầu cử, bảo đảm tỷ lệ cử tri đi bầu cao, đúng pháp luật, dân chủ, công bằng, tuyệt đối an toàn, tiết kiệm và thực sự trở thành ngày hội của toàn dân, lựa chọn được những người xứng đáng, đủ tiêu chuẩn tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân./.

Phản hồi

Các tin khác