Bước tiến vượt bậc về sự dân chủ

Tại Kỳ họp thứ 11, các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội. Các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Nhiều vị đại biểu Quốc hội ghi nhận Quốc hội khóa XIV là một nhiệm kỳ thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với những thành tựu và dấu ấn nổi bật; tiếp tục gần dân, sát dân, có nhiều đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.

3 điểm nhấn trong lĩnh vực lập pháp

Nhìn lại nhiệm kỳ khoá XIV, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhấn mạnh, một trong những hoạt động quan trọng của Quốc hội là lĩnh vực lập pháp và được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Với nhận thức như vậy, Quốc hội khóa XIV đã tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 72 luật bao gồm các luật sửa đổi, bổ sung vào luật mới, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết khác nhằm hoàn thiện và tạo khuôn khổ pháp lý, hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước, đảm bảo giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội... Khuôn khổ pháp lý đó đã đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định và phát triển của đất nước.

 Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum). Ảnh: QH

Đại biểu nêu 3 điểm nhấn trong lĩnh vực lập pháp. Trước hết là thể chế hóa kịp thời đường lối đúng đắn, đường lối đổi mới quan điểm chính sách của Đảng và Hiến pháp năm 2013 và đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình lập pháp.

Bên cạnh đó là đáp ứng giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc mà thực tiễn cuộc sống xã hội đặt ra: những vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, vấn đề chính quyền đô thị, vấn đề nợ xấu và những rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh...

Điểm nhấn khác là tiếp tục hoàn thiện các vấn đề về đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực tư pháp hình sự, trong các quyền về dân sự và chính trị cũng như các quyền tự do dân chủ khác của công dân. Những quy định pháp lý này thể hiện trong bàn luận trong các đạo luật như Bộ luật Hình sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Đặc xá, Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật mà Quốc hội đã làm trước đó như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ dẫn luật, Bộ luật Tố tụng dân sự... đều tương thích với pháp luật quốc tế. Những quy định pháp lý đó không chỉ tương thích với luật pháp quốc tế mà còn phù hợp với thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc ta cũng như điều kiện thực tiễn của đất nước ta.

“Những thể chế pháp lý đó là một kênh quan trọng trong việc trả lời và chứng minh giúp cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam đã và đang giải quyết tốt vấn đề dân chủ, nhân quyền rằng ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân luôn được bảo vệ và đảm bảo thực hiện” - đại biểu nhấn mạnh.

Vẫn theo đại biểu, một khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội ban hành trong nhiệm kỳ qua là một nỗ lực lớn của Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tính cách là một chủ thể quan trọng và thường xuyên trong trình dự án luật trước Quốc hội.

“Chúng ta biết rằng, nhu cầu của ban hành chính sách pháp luật luôn xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn đời sống xã hội, là cơ quan hành pháp, Chính phủ là chủ thể đầu tiên phát hiện những bất cập của chính sách pháp luật, phát hiện những yêu cầu bức bách của xã hội cần phải giải quyết. Từ đó, phản ánh tới Quốc hội thông qua việc trình các dự án luật để Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Trong quá trình này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã làm tất cả để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu của quá trình quản lý, điều hành” - đại biểu nói.

Đại biểu Tô Văn Tám cũng nhấn mạnh, cử tri hết sức quan tâm và đánh giá cao hoạt động của Quốc hội đã và đang chuyển mạnh từ tham luận sang thảo luận, tranh luận. Trong quá trình thảo luận, tranh luận là rõ ràng, sâu sắc, ngắn gọn và chất lượng.

Đại biểu cho rằng, có thể, có lúc cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề giữa các đại biểu, giữa các đại biểu với các chủ thể khác chưa gặp nhau hay còn khác nhau, đó cũng là điều bình thường. Vấn đề càng được thảo luận, tranh luận sáng tỏ hơn, nhưng tính chất bao trùm và chủ đạo của thảo luận tranh luận đó là dân chủ, thẳng thắn, vì lợi ích và xuất phát từ lợi ích của nhân dân và tôn trọng lẫn nhau. Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã hết sức bản lĩnh, khéo léo và tinh tế trong điều hành để quá trình thảo luận, tranh luận đạt hiệu quả tốt nhất.

“Một nhiệm kỳ năng động, sôi nổi và đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội đang khép lại, Quốc hội đã làm tất cả và hơn thế nữa để hoàn thành trọng trách của mình...” - đại biểu khẳng định.

 Cầu nối chính thức và hiệu quả giữa nhân dân và nhà nước

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội). Ảnh:QH


Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) đánh giá nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã góp phần cốt yếu để tạo nên một sự đoàn kết thật sự, một sự đồng lòng sâu sắc và một khối thống nhất cao độ giữa Đảng với Nhà nước và với Nhân dân, cử tri. Quốc hội với chức năng của mình thông qua các hoạt động cụ thể trong việc lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà đã thể chế hóa được đường lối sáng suốt của Đảng, đã tham gia giám sát được hoạt động của Chính phủ, đã làm cầu nối chính thức và hiệu quả giữa nhân dân và nhà nước.

Đặc biệt, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã có một bước tiến vượt bậc về sự dân chủ qua việc đổi mới, nâng cấp hoặc tăng thêm sự dân chủ trong hoạt động bầu cử, trong hoạt động giám sát, trong xây dựng luật, trong các hình thức phát biểu, tranh luận, chất vấn, tiếp xúc cử tri tiếp dân.

“Điều vui nhất của các đại biểu Quốc hội chúng tôi là đã được tự do thể hiện chính kiến của mình mà không bị bất kỳ một sự hạn chế, một sự cấm cản nào. Tại diễn đàn này, một đại biểu Quốc hội dù ở bất kỳ cương vị nào vẫn có thể chất vấn một vị Bộ trưởng, một đại biểu Quốc hội là người về hưu vẫn có thể chất vấn Thủ tướng Chính phủ và sự thật những ý kiến hay còn được biểu dương những ý kiến đúng còn được khen ngợi” - đại biểu chia sẻ.

Theo đại biểu, sự dân chủ thực sự của Quốc hội khóa XIV còn thể hiện ở chỗ, “trong 5 năm qua, không ít lần chúng ta chứng kiến những cuộc tranh luận nóng bỏng tại hội trường, đã có những dự thảo luật, bộ luật, nghị quyết mặc dù đã được chuẩn bị chu đáo nhưng vẫn được các đại biểu Quốc hội mổ xẻ, thảo luận nhiều chiều, nhiều mặt một cách trách nhiệm, có lý, có tình và yêu cầu sửa lại, soạn lại, thậm chí là không thông qua”.

Ở khía cạnh khác, đại biểu cho rằng, hiện nay cử tri cả nước đã quan tâm đến Quốc hội hơn, cử tri theo dõi hầu hết các hoạt động của Quốc hội. Bằng sự tinh nhậy của mình, cử tri đã nhận xét từ chất lượng các ý kiến, thậm chí về thái độ, hành vi của từng đại biểu Quốc hội và đến cả những nội dung và chất lượng hoạt động của cả Quốc hội. “Điều đó chứng tỏ nhân dân, cử tri hiện nay đã tin cậy và gắn bó với Quốc hội hơn. Đó là điều mà chúng tôi thấy rất hạnh phúc” - đại biểu nói./.

 

 

Phản hồi

Các tin khác