Bước phát triển mới về chất trong nội dung xây dựng nhà nước pháp quyền

ĐB Nguyễn Văn Luật (Đoàn Kiên Giang). Ảnh: KT

Góp ý về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Luật đánh giá dự thảo các Văn kiện được chuẩn bị công phu, khoa học, bám sát vào thực tiễn đất nước ta trong thời gian qua. Những chủ trương, giải pháp, định hướng nêu trong các dự thảo Văn kiện rất sát, đúng, nhất là đưa ra hệ thống chỉ tiêu và dự kiến giai đoạn phát triển sắp tới của đất nước đến năm 2025, năm 2030 và năm 2045 với những mức độ phát triển khác nhau để phấn đấu.

Đóng góp về nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp, tán thành với những nhận định tại dự thảo Văn kiện, đại biểu đánh giá dự thảo Văn kiện lần này tiếp tục kế thừa, thể hiện nội dung cơ bản xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, theo đại biểu, dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã thể hiện bước tiếp cận và phát triển mới là “tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động”.  Điều này thể hiện tư duy, bước phát triển mới về chất đối với nội dung xây dựng nhà nước pháp quyền.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Luật, tại mỗi kỳ họp Quốc hội đều đánh giá tình hình thi hành Hiến pháp, chấp hành pháp luật trong cả nước. Đồng thời nhấn mạnh, điều mong muốn của toàn Đảng, toàn dân là trong nhà nước pháp quyền phải thể hiện được nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

“Chúng tôi rất mừng, trong các văn kiện lần này, Đảng đã đề cao bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Chúng ta không chỉ nói là tăng cường kỷ luật, tăng cường kỷ cương mà còn gắn thêm và đặt trước hai yếu tố này là bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Lâu nay tình trạng vi phạm pháp luật còn xảy ra ở nơi này, nơi khác, còn nghiêm trọng, phổ biến, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đến nay, văn kiện đã đưa nội dung bảo vệ pháp chế trong xây dựng nhà nước pháp quyền chúng tôi rất tán thành, đánh giá cao” - đại biểu nêu quan điểm.

Về xây dựng nền tư pháp Việt Nam, đối chiếu với những nội dung xây dựng, cải cách tư pháp hiện hành, đại biểu đánh giá dự thảo Văn kiện được thể hiện mới, có bước phát triển quan trọng về chất. Cụ thể, trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị năm 2005 có nêu “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, thì lần này dự thảoVăn kiện đặt vấn đề xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính.

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ mong muốn, các nội dung thể hiện về xây dựng nền tư pháp, cải cách tư pháp trong thời gian tới cần được tiếp tục phát huy truyền thống pháp lý của dân tộc và những giá trị cải cách tư pháp trong thời gian vừa qua đã đạt được; đồng thời, tiếp cận các giá trị văn minh của thế giới thể hiện tập trung ở các Công ước, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Một điểm mới khác được đại biểu cũng chỉ ra là, dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 sử dụng thuật ngữ mới: “các thiết chế tư pháp”. Cụ thể, dự thảo văn kiện Đại hội XIII viết: “Xây dựng các thiết chế tư pháp hiện đại, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo vệ pháp luật, công lý, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân”.

Tuy nhiên, theo đại biểu, nội hàm các thiết chế tư pháp như thế nào lại chưa được thể hiện. Do đó, đề nghị phải làm rõ hơn các thiết chế, để sau này trên cơ sở Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thì Ban Chấp hành Trung ương sẽ  tiếp tục có các nghị quyết chuyên đề về từng lĩnh vực để cụ thể hóa, triển khai tổ chức thực hiện.

Nội dung đáng chú ý khác, theo đại biểu, các dự thảo văn kiện đề cập đến sức cạnh tranh quốc tế của hệ thống pháp luật. Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thì việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và hoàn thiện các thể chế về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là rất quan trọng. “Việc đặt ra vấn đề này là một yêu cầu rất cao, đòi hỏi tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, nâng cao chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật, phải đáp ứng được, tiếp cận được các chuẩn mực quốc tế” – đại biểu nói.

Vẫn theo đại biểu Nguyễn Văn Luật, để nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp thi hành án trong lĩnh vực dân sự, đầu tư, kinh doanh thương mại… thì phải quan tâm đến yêu cầu phải đổi mới, hoàn thiện các quy trình về tố tụng, các nguyên tắc trong pháp luật tố tụng. Có đổi mới được thì chúng ta mới nâng cao được hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết các tranh chấp, nhất là kinh doanh thương mại.

“Trong các văn kiện của Đảng phải thể hiện rõ hơn về những nội dung này, để khi Đại hội đảng ra các nghị quyết thì Quốc hội phải cụ thể hóa, các cơ quan phải nghiên cứu để thể chế hóa các định hướng, các nội dung được nêu trong các văn kiện về cải cách tư pháp thành pháp luật thành các quy phạm pháp luật cụ thể để dễ tổ chức thực hiện và chúng ta mới thực hiện thành công các nghị quyết của Đảng” – đại biểu bày tỏ mong muốn./.

Phản hồi

Các tin khác