Minh chứng thuyết phục, sinh động về đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng
Nghiên cứu các dự thảo văn kiện, đặc biệt là báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng, báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đại biểu Thạch Phước Bình nhận định, sau 35 năm đổi mới, dưới sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Việt Nam từng bước vươn lên, dựng xây và phát triển.
Việt Nam hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,75% vào năm 2019 và ước năm 2020 còn khoảng 2,75%, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,43%. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia thuộc tất cả các châu lục, đang đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch AIPA 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.
Bên cạnh đó, năm 2020, kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề do đại dịch COVID-19, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, đạt trên 2% trong 9 tháng đầu năm, dự kiến từ 2 đến 3% trong năm 2020; được đánh giá là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh đại dịch…
“Những thành tựu đó là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; là minh chứng thuyết phục, sinh động về đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, thể hiện bản chất nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng vững chắc cho con đường phát triển đi lên của đất nước trong giai đoạn tiếp theo” – đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Thạch Phước Bình góp ý về các dự thảo Văn kiện trình Đai hội XIII của Đảng (Ảnh: Bùi Hùng)
|
Nhằm góp phần hoàn thiện hơn dự thảo văn kiện, về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, đại biểu đề nghị Trung ương cần nhấn mạnh và làm nổi bật hơn những điểm đáng tự hào của Việt Nam trong nhiệm kỳ qua, như: những đóng góp với quốc tế trong giải quyết các vấn đề về nhân quyền; việc cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình quốc tế; Việt Nam được bầu vào ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193 nước); xử trí phù hợp các tình huống trên Biển Đông... Đồng thời, cần xác định rõ vị trí, tiềm lực kinh tế của đất nước ta hiện nay, làm cơ sở để lựa chọn phương án, mục tiêu phát triển trong thời gian đến nhằm đảm bảo sát với thực tiễn, khả thi, hạn chế tối đa những lựa chọn, kỳ vọng theo cảm tính, chủ quan, không có cơ sở.
Ngoài ra, đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị bổ sung thêm một số thành tựu, đó là: Hệ thống cơ sở hạ tầng có bước phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa được nâng cao rõ rệt. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân và đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Coi trọng hơn nữa đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục
Đại biểu thống nhất với dự thảo đưa mục tiêu: đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, có thu nhập cao”.
Song về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, đại biểu đề nghị Trung ương cần đặc biệt coi trọng hơn nữa vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; chú trọng học đi đôi với hành, gắn liền lý luận với thực tế. Đẩy mạnh rà soát, quy hoạch, tổ chức lại hệ thống các trường đại học để hình thành các đại học lớn, có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế; hướng đến sắp xếp hoặc giải thể các trường đại học, cao đẳng có chất lượng thấp.
Bên cạnh đó, Trung ương cần có chỉ đạo, định hướng công tác dạy nghề phải sát hợp với nhu cầu thực tế xã hội và định hướng phát triển của từng địa phương, nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng với ngành nghề được đào tạo; hạn chế tình trạng làm việc trái ngành nghề đào tạo, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Song song với phát triển trí tuệ, theo đại biểu cần chú trọng đến việc phát triển thể lực, thể hình, tư duy, thẩm mỹ con người Việt; đồng thời, sớm có biện pháp kiểm soát sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, ảnh hưởng xấu đến truyền thống, thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, dòng họ trong nuôi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ; chú trọng các chương trình phục hồi, bảo tồn các loại hình nghệ thuật, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một.
Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đại biểu đề nghị Trung ương tiếp tục đặc biệt quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nghiên cứu quan điểm chỉ đạo công tác này theo hướng “3 không”: Không thể tham nhũng - Không dám tham nhũng - Không cần tham nhũng. Theo đó, cần tập xây dựng hệ thống thể chế của Đảng và Nhà nước chặt chẽ; thực hiện tốt công khai, minh bạch, kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý nghiêm minh, công bằng, công khai mọi hành vi tham nhũng; có cơ chế tiền lương và đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ, công chức.
Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ rất cấp bách
Quan tâm đến nhiệm vụ về quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, đại biểu nhấn mạnh đây là nhiệm vụ thực sự rất cấp bách hiện nay.
“Những ngày gần đây, Việt Nam vất vả chống chọi với cơn lũ lịch sử ở dải đất miền Trung” – đại biểu nói. Đồng thời chỉ ra, nguyên nhân là do cả khách quan và chủ quan, hiện tượng chặt phá rừng phòng hộ, làm thủy điện không tính đến những nguy cơ rủi ro đối với các vùng dân cư. Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên không tính đến an ninh sinh thái, môi trường, nguồn nước, lương thực… hay tình trạng ô nhiễm không khí trong năm vừa qua đã đặt ra yêu cầu cần xem xét nghiêm ngặt quy trình bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng mạnh nhưng không quên việc bảo tồn môi trường tự nhiên; đảm bảo môi trường sống không ô nhiễm, người dân có quyền thụ hưởng một môi trường lành mạnh và trong sạch.
Theo vị Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, điều này đã được dự thảo đề cập và đưa ra nhiệm vụ cụ thể. Song đại biểu đề nghị phần định hướng phát triển kinh tế-xã hội cần tập trung về nguyên nhân và giải pháp, cụ thể là giải pháp về quản lý, bảo vệ môi trường, những hệ lụy môi trường, quản lý đất đai cho hiệu quả…
Đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất: “Chẳng hạn, trước mắt cần phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc quản lý và khai thác tài nguyên, bởi liên quan đến an ninh lương thực, nguồn nước, khoáng sản… và có những vùng, khu vực tài nguyên khoảng sản quốc gia còn là những vùng chiến lược của quốc phòng-an ninh. Bên cạnh đó, cần có chiến lược lâu dài cho từng lĩnh vực, ví dụ để giảm hậu quả nặng nề của bão lụt cần bàn bạc cẩn thận ở cấp quốc gia và có sự đóng góp của nhiều chuyên gia”.
Về thực thi quyền làm chủ của nhân dân, đại biểu nhấn mạnh các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần này có một điểm hết sức cách mạng. Đó là, trước đây chúng ta chỉ quan tâm đến quyền của người dân dựa trên khía cạnh kiểm soát quyền lực của nhà nước –“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” - thì lần này, trong dự thảo đã bổ sung thêm một quyền nữa đó là “dân hưởng thụ”.
“Đây là một biểu hiện của sự quan tâm đến đời sống của người dân, đến những quyền lợi sát sườn, đến những nhu cầu xứng đáng được hưởng của người dân. Nó không chỉ mang lại cho người dân yếu tố vật chất, mà qua đây, còn mang lại cho người dân các yếu tố tinh thần, "dân hưởng thụ", dù chỉ có ba từ thôi, nhưng để triển khai vấn đề này đòi hỏi nỗ lực của cả một hệ thống chính trị” – đại biểu Thạch Phước Bình nhận định.
Theo đại biểu, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, pháp lệnh về dân chủ cơ sở từ trước tới nay chỉ quan tâm đến quyền được biết của người dân (quyền được cung cấp thông tin) quyền được bàn bạc, chất vấn, được tham gia và kiểm soát các chính sách, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và việc thực thi chính sách.
“Để dân được hưởng thụ thì cơ chế phải thay đổi như thế nào? Điều này đặt ra một nhiệm vụ to lớn cho các cơ quan, ban, ngành và chính quyền các cấp. Văn kiện cần nghiên cứu làm rõ nội dung này” – đại biểu đề nghị./.
Kim Thanh