|
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường
(Ảnh: Thế Kha)
|
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Hưng Thịnh, dự báo bối cảnh quốc tế, khu vực, cơ hội, thách thức và tác động đến phát triển kinh tế-xã hội nước ta trong 5 năm tới được nêu trong dự thảo Văn kiện cơ bản đầy đủ.Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần bổ sung, nhấn mạnh tới dự báo các vấn đề môi trường gia tăng rất nhanh cả về quy mô, tính chất, mức độ phức tạp và nhạy cảm, tác động trực tiếp, nhiều mặt đến đời sống kinh tế-xã hội của đất nước và trở thành vấn đề của toàn cầu.
Phó Tổng cục Môi trường cũng cho rằng, với 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, dự thảo đề cập nhiều về phương hướng và giải pháp tập trung nhiều vào quản lý đất đai, giải pháp để quản lý, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu…Tuy nhiên, ông Nguyễn Hưng Thịnh cũng đề xuất Ban soạn thảo nên bổ sung các giải pháp về sử dụng năng lượng tái tạo như đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ năng lượng tái tạo để tiết kiệm, giảm mức phát thải khí nhà kính, giảm biến đổi khí hậu.
“Dự thảo văn kiện nên được bổ sung giải pháp “Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn đô thị” nhằm góp phần giảm ngân sách nhà nước cho việc chi vào công tác xử lý, khắc phục hậu quả của ô nhiễm môi trường...”, ông Thịnh đề xuất.
Quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thế Chinh cho rằng: Tại nông thôn vấn đề quan trọng nhất là chất thải rắn, nước thải, sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Ngoài ra, vấn đề sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và phân hóa học cho sản xuất nông nghiệp cần phải được kiểm soát chặt chẽ…
Để vấn đề bảo vệ môi trường được triển khai toàn diện cả nông thôn và đô thị, tiến tới phát triển bền vững ông Nguyễn Thế Chinh cho biết: Dự thảo các Văn kiện cần bổ sung những nội dung về quy hoạch, quản lý khu vực nông thôn có làng nghề và có biện pháp xử lý phù hợp để vừa phát triển làng nghề vừa đảm bảo giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, trong giai đoạn 2021-2025 cần có kế hoạch hành động cụ thể, nhất là rác thải và nước thải. Rác thải phải được phân loại tại nguồn để tận dụng những chất hữu cơ, những thứ có thể dùng lại và tái chế, đặc biệt là chất thải nhựa và túi nilon, nước thải phải có biện pháp thu hồi và xử lý phù hợp với điều kiện thực tế mỗi địa phương. Trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam nên phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất sản phẩm hữu cơ chất lượng cao, gắn với môi trường sinh thái.
Khu vực đô thị, nhất là những thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2021-2025 cần ưu tiên những vấn đề ô nhiễm không khí, phân loại rác tại nguồn cho tái sử dụng, tái chế, xử lý đốt rác và làm phân compost, xử lý nước thải tập trung không xả thải ra nguồn nước chung, tăng cường diện tích không gian xanh; tiếp tục có biện pháp giải quyết vấn đề úng ngập về mùa mưa ở những đô thị.
“Giai đoạn 2021-2030, dự thảo các Văn kiện cần bổ sung quy hoạch tổng thể về môi trường tích hợp trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đô thị, phát triển đô thị xanh gắn với đô thị thông minh. Các mô hình kinh tế tiên phong phát triển ở đô thị phải là mô hình kinh tế xanh, kinh tế cacbon thấp, kinh tế tuần hoàn”, ông Nguyễn Thế Chinh góp ý.
Cùng góp ý vào dự thảo các Văn kiện, một số chuyên gia môi trường cũng đề nghị bổ sung phương hướng về bảo vệ môi trường như: hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, chiến lược về quản lý môi trường; đồng thời có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất hoặc người dân áp dụng, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm.
Các chuyên gia cho rằng, giải pháp chung là cần tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó với biến đổi khí hậu, ý thức tự giác bảo vệ tài nguyên, môi trường; hoàn thiện chính sách, pháp luật, xây dựng được các quy định và hướng dẫn cụ thể về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường cũng như đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện./.
Bích Liên