Ưu tiên đầu tư cho công nghiệp

Đây là chia sẻ của đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bên hành lang Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Ảnh: KT)

Phóng viên: Thưa ông, theo chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ dành 1 ngày thảo luận tại tổ để các đại biểu Quốc hội góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vậy ông quan tâm đến dự thảo Văn kiện nào?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Trong các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được công bố lấy ý kiến nhân dân, tôi rất quan tâm đến Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030.

Dự thảo Báo cáo đã đánh giá được thành tích trong 10 năm 2011-2020 trong chiến lược phát triển kinh tế; đồng thời đánh giá được vai trò của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Dự thảo Báo cáo cũng ghi nhận những thành tựu của nước ta 10 năm qua so với các nước trên thế giới.

Dự thảo Báo cáo đã đánh giá tổng quát, mặc dù trong quá trình thực hiện Chiến lược, đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến phức tạp, nhanh chóng của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và đại dịch COVID-19, nhưng nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội và cùng với sự chủ động điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và cải thiện đáng kể. Tăng trưởng kinh tế đạt khá cao trong bối cảnh thế giới, khu vực gặp nhiều khó khăn; chất lượng được nâng lên, năng suất lao động được cải thiện rõ nét. Thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực. Quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế được cải thiện. Phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả quan trọng. Thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội…

Phóng viên: Theo ông, nội dung nào cần nhấn mạnh, bổ sung thêm trong dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Theo tôi, dự thảo đã đánh giá thẳng thắn những hạn chế trong thực hiện Chiến lược. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm vào phần hạn chế hai vấn đề. Một là, cần phải thống kê được số lượng Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong phát triển kinh tế. Hai là, cần đánh giá vai trò của Quốc hội trong vấn đề tổ chức các Nghị quyết của Quốc hội, từ đó tạo đà cho Chính phủ có những chương trình hành động kỷ cương, liêm chính, sáng tạo, hiệu quả.

Dự thảo cũng cần bổ sung giải pháp khắc phục hạn chế, kiềm chế lạm phát trong thời gian 10 năm qua.

Thứ nhất, về quyết toán ngân sách của các dự án đầu tư còn chậm. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có giải pháp yêu cầu tất cả các tỉnh, thành phải tập trung giải ngân vốn ngân sách nhưng đến thời điểm 10 tháng thì quyết toán ngân sách vẫn ở mức độ chưa quá 50%, thậm chí có những tỉnh chỉ khoảng 30%. Trong thời gian tới, muốn phát triển chiến lược kinh tế thì phải hết sức tập trung vấn đề giải ngân vốn đầu tư, từ đó mới nâng cao hiệu quả.

Một điểm nữa cũng cần nhắc đến trong 10 năm qua là việc xử lý 12 dự án lớn làm tiêu tốn ngân sách như: dự án giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình Nhắc đến vấn đề này để thấy rằng chủ trương thực hiện quyết liệt khắc phục hậu quả là hết sức quan trọng để tạo đà phát triển  kinh tế.

Phóng viên: Theo ông, trong chiến lược phát triển sắp tới thì yếu tố nào là quan trọng nhất?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Tôi cho rằng, trong chiến lược phát triển sắp tới yếu tố quan trọng nhất là ưu tiên đầu tư cho công nghiệp. Công nghiệp phát triển tốt nhất để làm kinh tế phát triển. Nông nghiệp cố gắng đến mấy thì cũng chỉ là xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống người dân.

Từ công nghiệp mới thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thu hút về trình độ, kỹ thuật khoa học công nghệ nước ngoài.

Mặt khác, bài học phải rút kinh nghiệm từ các nước khác, mà nền kinh tế Việt Nam có những chuyển biến tích cực cũng nhờ có việc mở rộng quan hệ. 16 tỉnh, thành hiện nay có nguồn ngân sách thu nộp cho Nhà nước là nhờ thu hút vốn đầu tư. Ví dụ như, một số tỉnh như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng… là những tỉnh có “đường” mở rộng thu hút đầu tư nguồn vốn ở nước ngoài.

Giải pháp khác nữa là, từ hậu quả bão lũ vừa qua, trong chiến lược phát triển sắp tới phải lưu ý vấn đề quy hoạch để tạo điều kiện cho các xã, phường, thôn, bản khi có lũ lụt, sự số về môi trường biển thì tránh được rủi ro, giữ được an toàn tính mạng người dân./.

Phản hồi

Các tin khác