Góp ý “Những vấn đề về phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới” trong dự thảo Văn kiện

Ngày 23/10, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với chủ đề “Những vấn đề về phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới”. 

Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi 4 hội thảo góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức từ nay đến tháng 11 với các thành phần khác nhau, gồm nhóm các chuyên gia, nữ trí thức, nữ doanh nhân và hội viên phụ nữ.

 Đồng chí Hà Thị Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
 phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc, đồng chí Hà Thị Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII, đặc biệt Báo cáo chính trị là văn kiện thể hiện những quan điểm, chủ trương, phương hướng lớn, cho thấy tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng, khát vọng phát triển của dân tộc và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Việc lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, phát huy tinh thần dân chủ, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm sâu sắc thêm truyền thống "ý Đảng hợp lòng dân". Thông qua các hội thảo, Trung ương Hội sẽ thu thập được nhiều nhất trí tuệ, các gợi ý, kiến giải của các vị chuyên gia, các tầng lớp phụ nữ, để từ đó tổng hợp, nghiên cứu và đóng góp có chất lượng vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. 

Cho biết một số đề xuất của Hội đã được tiếp thu, thể hiện trong dự thảo Văn kiện, nhất là quan điểm về xây dựng lực lượng phụ nữ. Cụ thể là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; thực hiện các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, miền núi; hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; phát huy tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em... Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, để chuẩn bị cho việc tham gia ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và hội viên phụ nữ, năm 2019, Trung ương Hội đã thực hiện 1 đề tài nghiên cứu cấp Bộ nhằm rà soát quan điểm của Đảng từ các nhiệm kỳ gần đây về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, đồng thời, phát hiện các vấn đề liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới cần quan tâm định hướng giải quyết. 

Quang cảnh Hội thảo

Từ đầu năm, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội đã ban hành kế hoạch tổ chức đợt sinh hoạt trong các cấp Hội Phụ nữ nhằm lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp phụ nữ đóng góp vào dự thảo Văn kiện đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ, được các cấp Hội và hội viên, phụ nữ hưởng ứng rất tích cực gắn với sự kiện đại hội đảng bộ các cấp ở địa phương. 

Dẫn số liệu Báo cáo lao động việc làm quý IV năm 2019 do Tổng cục Thống kê thực hiện, Chủ tịch Hà Thị Nga nhấn mạnh, phụ nữ Việt Nam chiếm 50,2% dân số cả nước, với khoảng 71,24% phụ nữ tham gia lực lượng lao động, cao hơn mức trung bình thế giới. Lao động nữ đã và đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế đất nước. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có chỉ số phát triển giới cao nhất thế giới. Quan điểm giải quyết các vấn đề liên quan đến các chỉ số này được nêu trong dự thảo Văn kiện thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với công tác phụ nữ và bình đẳng giới. 

Phát biểu đề dẫn, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, trung tâm là dự thảo Báo cáo chính trị, vai trò quyền làm chủ của nhân dân, trong đó có hơn 50% dân số là phụ nữ, được đặc biệt đề cao. Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII vừa xác định quyền làm chủ của phụ nữ với tư cách công dân, tư cách chủ thể chính trị như các lực lượng chính trị xã hội khác, vừa xác định quyền làm chủ cụ thể của phụ nữ với tư cách tập hợp giới rất đông đảo, ngày càng có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

“Trên cơ sở những định hướng nêu trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cần tập trung thảo luận, đề xuất ý kiến để góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các văn kiện trình đại hội; để văn kiện thật sự phản ánh, kết tinh trí tuệ, nguyện vọng của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới. Chủ đề góp ý là phát huy quyền làm chủ của phụ nữ thông qua thực hiện chức năng giám sát, phản biện của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”,  Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú nói.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, để thực hiện quyền làm chủ thực tế của mình, phụ nữ cần thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - tổ chức đại diện và bảo vệ nguyện vọng, lợi ích chính đáng, hợp pháp, vì hạnh phúc, sự tiến bộ của bản thân phụ nữ, gia đình, thế hệ trẻ nói riêng, sự phồn vinh của đất nước nói chung. 

Tại Hội thảo, các ý kiến, tham luận góp ý của các đại biểu bày tỏ mong muốn dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng sẽ nêu bật được vị trí, vai trò cũng như tạo điều kiện để phụ nữ thực sự là một nguồn nhân lực quan trọng, nền tảng tiến tới bình đẳng giới, qua đó đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển bền vững đất nước.

Các ý kiến cũng đề nghị dự thảo Văn kiện Đại hội XIII thể hiện rõ quan điểm gia đình là tế bào của xã hội, cái nôi nuôi dưỡng và là môi trường quan trọng hình thành, giáo dục nhân cách của trẻ em. Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là mầm xanh tương lai của đất nước. Từ đó có thể phát huy tối đa vai trò, tiềm năng của phụ nữ, phát triển hơn nữa công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, xây dựng gia đình, thực hiện bình đẳng giới.

Đại biểu nêu ý kiến tại Hội thảo

Một số khuyến nghị về nội dung xây dựng chiến lược phát triển gia đình gia đình và giá trị gia đình Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng được các đại biểu nêu ra: Chiến lược phát triển gia đình giai đoạn 2021-2030 nên sớm được xây dựng để cùng nhịp với các chiến lược quan trọng khác như kinh tế, xã hội, bình đẳng giới. Một số văn bản pháp luật quan trọng như Chỉ thị 49, được xây dựng từ 2005 nên được rà soát và bổ sung những định hướng mới phù hợp với bối cảnh xã hội và những vấn đề đang nảy sinh. Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 nên xây dựng nội hàm mới cho mục tiêu xây dựng gia đình. 

Trong giai đoạn mới, cụm từ "no ấm" nên được xem xét thay thế bằng cụm từ "thịnh vượng", thể hiện khát vọng phát triển, đổi mới theo đúng tinh thần của các dự thảo Văn kiện hiện nay, theo đó, hướng tới xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam thịnh vượng, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh./.

Phản hồi

Các tin khác