Công đoàn cần thay đổi phương thức hoạt động để phù hợp với tình hình mới
 
 

Đó là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng ban chỉ đạo lấy ý kiến Nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng tại Hội nghị do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chiều 2/11, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, trong mỗi kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng, cán bộ, đảng viên, Nhân dân, trong đó có đội ngũ công nhân viên chức lao động luôn đặt kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn. Đáp ứng kỳ vọng đó, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học với nội dung toàn diện, sâu sắc và có nhiều điểm mới.

Quang cảnh Hội nghị 

Giai đoạn 5 năm tới, đất nước ta sẽ hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong đó có các tiêu chuẩn quốc tế về lao động. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc sẽ tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tác động sâu sắc đến việc làm, đời sống, an sinh xã hội của các tầng lớp Nhân dân nhất là người lao động, đặt ra những vấn đề mới trong tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân, giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua chính đảng vô sản, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa như tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành TW khóa X.

“Là tổ chức đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tổ chức giữ vai trò quan trọng trực tiếp trong chăm lo xây dựng giai cấp công nhân, Hội nghị hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện tinh thần trách nhiệm của tổ chức Công đoàn mà trước hết là các đồng chí Ủy viên Đoàn Chủ tịch đối với Đảng, với giai cấp công nhân, với người lao động và đất nước”, đồng chí Nguyễn Đình Khang nói.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã tập trung làm rõ các nhóm nội dung liên quan đến chủ đề “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ mới” được trình bày trong các dự thảo Văn kiện với 3 chủ đề chính: Xây dựng giai cấp công nhân trong 35 năm đổi mới vừa qua và xác định nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, tầm nhìn 20-30 năm tới; bổ sung, hoàn thiện chế độ chính sách bảo đảm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phúc lợi xã hội cho giai cấp công nhân; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn trong điều kiện hiện nay.

 Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng trong nội dung về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, dự thảo cần nhấn mạnh yêu cầu giữ vững và phát huy bản chất giai cấp công nhân

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, các văn kiện đại hội cần quán triệt và thể hiện đậm nét hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân, Công đoàn và tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa IX) về xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, trong nội dung về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, dự thảo cần nhấn mạnh yêu cầu giữ vững và phát huy bản chất giai cấp công nhân; xây dựng tư tưởng, lập trường, đạo đức, ý thức tổ chức, kỷ luật của giai cấp công nhân; chú trọng bồi dưỡng kết nạp những công nhân ưu tú vào Đảng; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí thành cán bộ chủ chốt các cấp…

Cùng quan điểm, bà Trịnh Thanh Hằng, Trưởng ban nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng văn kiện đại hội cần quan tâm hơn đến công nhân, người lao động về mọi mặt trong đó các thiết chế công đoàn như nhà trẻ, mẫu giáo cho khu công nghiệp, khu chế xuất đã được Đảng quan tâm toàn diện hơn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, quan điểm của Đảng xuyên suốt là bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của con người. Vì vậy, dự thảo phải tập trung xây dựng thị trường lao động hiện đại, bảo đảm việc làm bền vững, phát triển hệ thống an sinh xã hội đa tầng, bảo phủ toàn dân với 3 trụ cột cơ bản là phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, trong đó có công nhân, người lao động.

Dự thảo phải tập trung xây dựng thị trường lao động hiện đại, bảo đảm việc làm bền vững là đề xuất của Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi  

Để đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu mà văn kiện đưa ra,  nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, Đảng cần nâng cao chất lượng đào tạo tay nghề, bồi dưỡng ý thức chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, am hiểu và chấp hành tốt luật pháp, từng bước trí thức hóa giai cấp công nhân. Đặc biệt, đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, đặc biệt là công nhân trẻ nhằm phát triển về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hợp lý về cơ cấu để công nhân nước ta có trình độ học vấn cao, vững vàng về kỹ năng nghề nghiệp, có khả năng tiếp thu nhanh và làm chủ công nghệ mới, lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Bên cạnh đó, lựa chọn, đào tạo một số công nhân thành những nhà kinh doanh có tài, có đức, các nhà quản lý giỏi và các cán bộ khoa học - kỹ thuật có trình độ cao, có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ mới và phương thức kinh doanh hiện đại trong nền kinh tế thị trường. Có quy hoạch và kế hoạch đào tạo nhân lực, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân có trình độ cao để đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp mới, hiện đại, trong nền kinh tế số.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ, các vấn đề về giai cấp công nhân phải phù hợp với cương lĩnh, quan điểm của Đảng về giai cấp công nhân, nhưng phải có kế thừa, đổi mới. Ban Chỉ đạo lấy ý kiến Nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng sẽ tổng hợp và tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị. 

Nhấn mạnh thị trường lao động 5-10 năm tới sẽ khác, cạnh tranh khốc liệt hơn, Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) đã đánh giá tác động của COVID-19 đến Việt Nam nên các mục tiêu có thể thay đổi, năm 2025 sẽ vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt GDP từ 4.700-5.000 USD, đến 2030 là nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, thu nhập cao đạt 7.500 USD/người/năm, đến 2045 là nước có thu nhập cao... đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, Công đoàn phải là cầu nối quan trọng của Đảng với người lao động để truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người lao động và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động tới Đảng, Nhà nước./.

Phản hồi

Các tin khác