|
Quang cảnh Hội nghị.
|
Sáng 20/8, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (TP) Hà Nội khóa XVI tiến hành Hội nghị lần thứ hai mươi lăm nhằm xem xét, thảo luận, thông qua các văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có Dự thảo Báo cáo chính trị lần thứ năm.
Các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng Tiểu ban Văn kiện - Trưởng ban Biên tập Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy.
Ngoài Dự thảo Báo cáo chính trị, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội cũng sẽ xem xét, thảo luận và thông qua các dự thảo văn kiện: Dự thảo Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVI; Dự thảo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP; Dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội.
Hội nghị còn xem xét, thảo luận và thông qua các dự thảo văn bản phục vụ Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP, bao gồm: Quy chế làm việc tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP; Một số quy định về bầu cử tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP.
Hà Nội sẽ “đi bằng hai chân” để phát triển đồng đều hơn
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ thông tin, thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW và Kế hoạch số 155- KH/TƯ, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác tổ chức Đại hội các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII. Đến nay, 17.118 chi bộ và 2.310 tổ chức cơ sở đảng đã tổ chức đại hội, đạt tỷ lệ 100% và 50/50 Đảng bộ trực thuộc Thành ủy cũng đã tổ chức thành công đại hội (đạt 100%). Thành công của Đại hội Đảng các cấp, nhất là ở 50 Đảng bộ quận, huyện và tương đương là tiền đề quan trọng đảm bảo cho thành công của Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII.
“Nhìn chung, cấp ủy các quận, huyện, các đảng bộ trực thuộc Thành ủy đã chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo về văn kiện, nhân sự và công tác tổ chức đại hội theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, tiến độ và an toàn tuyệt đối. Không khí đại hội diễn ra trang trọng, thiết thực, không chỉ là sự kiện chính trị quan trọng của cấp ủy mà còn là ngày hội của Nhân dân, thu hút sự chú ý, quan tâm sâu sắc của đông đảo các tầng lớp Nhân dân Thủ đô” – Bí thư Vương Đình Huê nêu rõ.
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị.
|
Cùng với đó, công tác nhân sự cấp ủy được các cấp ủy đảng chuẩn bị chu đáo, theo đúng quy trình 5 bước, đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; được các cơ quan chức năng thẩm tra kỹ lưỡng và Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt, đáp ứng nhu cầu và thực tiễn của từng địa phương, đơn vị; công tác bầu cử đúng quy chế, lựa chọn nhân sự xứng đáng, trong đó lãnh đạo chủ chốt cơ bản đều trúng cử với số phiếu tín nhiệm cao. Các văn kiện trình Đại hội được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bài bản, khoa học, sát thực tiên và đáp ứng yêu cầu phát triển của các địa phương, đơn vị trong nhiệm kỳ tới.
Từ đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề như: Về Dự thảo Báo cáo Chính trị, Bí thư Vương Đình Huệ đề nghị sau khi tổ chức 7 cuộc lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Báo cáo Chính trị, Tiểu ban Văn kiện đã trình Ban Thường vụ để hoàn thiện, trình Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Tiểu ban Văn kiện, Ban Thường vụ Thành ủy đã tiếp thu tối đa các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và xác đáng của Ban Chấp hành, hoàn thiện Dự thảo lần thứ 4; tổ chức 3 hội nghị xin ý kiến đóng góp của Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban Đảng Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương; Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Tiểu ban Văn kiện đã chỉ đạo Tổ biên tập tiếp thu tối đa những ý kiến xác đáng, hoàn thiện Dự thảo lần thứ 5, trình Ban Thường vụ Thành ủy để trình Hội nghị lần này của Ban Chấp hành nhằm hoàn thiện lần cuối trước khi trình Bộ Chính trị xem xét, phê duyệt (dự kiến vào giữa tháng 9/2020).
Với dự thảo Chương trình hành động, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, về cơ bản, Ban Thường vụ Thành ủy thấy cần thiết tiếp tục duy trì 8 chương trình công tác lớn của Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020, nhưng với nội hàm mới, mục tiêu mới, định hướng lớn và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp trong giai đoạn 2021-2025, đã được nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Đồng thời, Tiểu ban Văn kiện, Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất bổ sung một chương trình công tác về “Chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, phát triển kinh tế đô thị” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển các đô thị vệ tinh, sớm hoàn thành mục tiêu đưa 5 huyện thành quận trong nhiệm kỳ, gắn với chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị, góp phần thiết thực xây dựng thành phố xanh, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Đồng chí Vương Đình Huệ nêu rõ: “Chúng ta đã có một chương trình về xây dựng nông thôn mới. Với chương trình mới này, Hà Nội sẽ “đi bằng hai chân” để phát triển đồng đều hơn”.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ thông tin, sau khi tiếp thu ý kiến của Ban Chấp hành Đảng bộ TP tại hội nghị lần này, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ chỉ đạo hoàn thiện các dự thảo văn kiện để báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị, dự kiến vào ngày 19/9/2020. Đồng thời khẳng định: “Hội nghị lần thứ hai mươi lăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thảo luận và thông qua toàn bộ các văn kiện trình đại hội, là nội dung quyết định sự thành công của Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, quyết định sự phát triển của Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045".
Chắt lọc kỹ lưỡng, tiếp thu một số nội dung mới
Trình bày Tờ trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội về việc tiếp thu, hoàn thiện và xin ý kiến về Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Dự thảo Báo cáo chính trị trình xin ý kiến tại hội nghị lần này là phiên bản thứ năm. Đây là phiên bản được xây dựng trên cơ sở bám sát đề mục, nội dung, các tư tưởng lớn trong Dự thảo Báo cáo chính trị lần thứ ba đã được Ban Chấp hành Đảng bộ TP thông qua tại Hội nghị lần thứ hai mươi tư (ngày 30/6/2020) và chắt lọc kỹ lưỡng, tiếp thu các ý kiến góp ý tại các đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở và 3 hội nghị lấy ý kiến của Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, các ban Đảng Trung ương và Hội đồng lý luận Trung ương. Tiểu ban Văn kiện đã chỉ đạo Ban Biên tập, Tổ Thư ký - Giúp việc rà soát, lược bỏ các nội dung trùng lặp; bổ sung một số nội dung mới chưa được đề cập trong các lần dự thảo trước đây và biên tập lại Dự thảo Báo cáo chính trị theo hướng ngắn gọn, súc tích, nâng cao chất lượng hơn.
|
Các đại biểu thực hiện khử khuẩn trước khi vào hội nghị.
|
Điểm nổi bật của Dự thảo Báo cáo chính trị lần này là chủ đề đã được tinh chỉnh. Thành tố “gương mẫu” đã được đưa lên vị trí đầu tiên. Tinh thần đổi mới, tính chất hiệu triệu được thể hiện rõ nét hơn. Chủ đề đại hội là: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”. Chủ đề này phù hợp với tinh thần và quyết tâm xây dựng Thủ đô xứng đáng là trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Việc đưa thành tố “gương mẫu” vào vị trí đầu tiên cũng chính là thể hiện quyết tâm chính trị, tinh thần gương mẫu, đi đầu của Đảng bộ TP Hà Nội trong nhiệm kỳ mới.
Về mục tiêu tổng quát, trên cơ sở tổng hợp, chắt lọc, tham khảo các ý kiến, Tiểu ban Văn kiện đã biên tập lại và đề xuất mục tiêu tổng quát như sau: “Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ Thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD. Phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội trở thành TP “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.”
Đáng chú ý, trong phần mục tiêu tổng quát, về chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đến năm 2025, theo gợi ý của Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Tiểu ban Văn kiện đã chỉ đạo các ngành Kế hoạch và Đầu tư, Thống kê tính toán lại, điều chỉnh mục tiêu phấn đấu đạt mức 8.300 USD đến 8.500 USD, tích cực hơn so với chỉ tiêu tại Dự thảo lần thứ hai và lần thứ tư (8.100 USD đến 8.300 USD). Về chỉ tiêu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, Tiểu ban Văn kiện cũng đề xuất điều chỉnh giảm từ 30% xuống còn 20% để bảo đảm tính khả thi.
Thảo luân tại Hội nghị, các đại biểu khẳng định Dự thảo báo cáo chính trị được chuẩn bị sớm, bài bản, có chương trình nghiên cứu để xây dựng luận cứ với nhiều hội nghị có chất lượng. Các đại biểu thống nhất cao với chủ đề, cơ bản đồng tình với nội dung tại dự thảo. Đồng thời góp ý một số nội dung đáng quan tâm. Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam cho rằng phần đánh giá nhiệm kỳ từng mục là khá rõ. Tuy nhiên, cần viết gọn hơn, khẳng định rõ hơn những kết quả đạt được, dùng những đoạn khẳng định trong từng lĩnh vực. Đồng chí thống nhất cao 5 bài học kinh nghiệm, mục tiêu, chỉ tiêu, khâu đột phá và đề nghị bổ sung gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa xã hội và bảo vê môi trường. Đáng chú ý, với những hạn chế yếu kém, những việc đang cản trở sự phát triển của thành phố thì cần có biện pháp xử lý ngay.
Đề cập đến chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn đề xuất cần mạnh dạn điều chỉnh quy hoạch chung của Thủ đô để thực hiện liên kết vùng, quy hoạch vùng. Để thực hiện, thành phố phải lập quy hoạch thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Bí thư Huyên ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh thêm đến việc chỉnh trang phát triển đô thị, nhất là đẩy mạnh phát triển đô thị vệ tinh, phát triển 5 huyện thành quận. Tuy nhiên với những huyện khó khăn cần có những quan tâm đặc biệt. Trong đó cần đánh giá việc kết nối trung tâm với các huyện ngoại thành; đầu tư hạ tầng, kết nối và đô thị hóa nông thôn là rất cần thiết.
Theo Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Quang Thanh, trong đánh giá kết quả thực hiện có hai tiêu chí người dân Thủ đô đều nhận thấy 2 vấn đề là ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Do đó, trong nhiệm kỳ tới nên tập trung giải quyết hai vấn đề này và cần có chương trình riêng. Ví dụ lĩnh vực xử lý rác thải mới chỉ thu gom tốt chứ xử lý chưa tốt. “Nếu phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh nên chăng xây dựng riêng một chương trình về môi trường mang tính dài hơi, bắt đầu từ ý thức của người dân để cải thiện rõ nét lĩnh vực này” – Bí thư Sóc Sơn nói…/.
Tin, ảnh: Thu Hà