Kỳ vọng vào sự thể hiện tư duy đổi mới mạnh mẽ, đúng đắn của Đảng
Hình ảnh phiên họp lần thứ mười ba khóa XII (Ảnh tư liệu)

Về Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

                                                                                       Hình ảnh phiên họp lần thứ mười ba khóa XII (Ảnh tư liệu)

Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng được thể hiện ngắn gọn, cô đúc, có tầm khái quát cao, rõ ý, với những điểm nhấn quan trọng. So với các kỳ Đại hội trước, kết cấu văn kiện lần này có sự đổi mới, bố cục chặt chẽ, lôgic, khúc triết.

Chủ đề Đại hội hàm chứa nhiều ý tưởng, phong phú, nhưng hơi dài, có thể lược bớt một số cụm từ mang nghĩa diễn giải.

Ở Mục 1 của Dự thảo Báo cáo chính trị có rút ra “Một số kinh nghiệm” sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII. Điều này đúng và cần thiết (tr.6-7). Tuy nhiên, khi đánh giá 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới (tr.8-9) không thấy nêu bài học kinh nghiệm. Cân nhắc, có thể cấu trúc thành 1 mục (nếu được sẽ trở thành mục 3) - Bài học kinh nghiệm cho thực hiện các văn kiện quan trọng trên và sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới.

Khi nêu nguyên nhân của kết quả, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, cần nêu rõ hơn các yếu tố khách quan tác động (dự thảo quá khái quát – tr.6) chỉ nêu 1 cụm từ: trong các hạn chế, khuyết điểm có “nguyên nhân khách quan” - nên không rõ là gì. Trong nguyên nhân chủ quan, cân nhắc bổ sung nguyên nhân của tình trạng mất dân chủ (chưa thấy đề cập, trong khi phần quan điểm chỉ đạo, phương hướng cho nhiệm kỳ tiếp theo... có nêu ý này).

Về nêu dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm sắp tới (mục 1 phần II - tr.9-10), trong các yếu tố ảnh hưởng, nên cân nhắc thêm ý đánh giá tác động của những mâu thuẫn và xu hướng mới trong quan hệ quốc tế như xu hướng hợp tác, liên kết nhóm, khu vực, nhất là sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn.

Thêm một sự kiện mang tính toàn cầu và cũng ảnh hưởng rất lớn ở trong nước, đó là đại dịch COVID- 19. Đây là một sự kiện vô cùng quan trọng, gây ra những thách thức rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội cả trong nước, khu vực và thế giới. Tuy nhiên, nó cũng tạo cơ hội cho việc tái cơ cấu lại nền kinh tế. Đặc biệt, nó đưa ra những yêu cầu mới, cấp bách trong xử lý việc phát triển kinh tế với việc bảo đảm an toàn, an sinh xã hội cho người dân.

Về tầm nhìn và định hướng phát triển, trong 2 phương án của mục tiêu cụ thể phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, 2045, tôi đề nghị chọn phương án 2...

Mục V: về giáo dục - đào tạo: cân nhắc thêm nội dung về đổi mới công tác quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý chỉ đạo bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo.

Mục VII: xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người: có thể bổ sung nhấn mạnh vấn đề giáo dục văn hóa đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử (vì hiện trạng có nhiều mặt xuống cấp); quan tâm quảng bá hình ảnh con người, đất nước trong quá trình hội nhập.

Phần VIII đề cập đến phát triển hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm an sinh xã hội chưa xứng tầm với vị trí của vấn đề hiện nay, chưa đầy đủ và hợp với thời cuộc hiện tại. Rõ ràng Đảng và Nhà nước Việt Nam cùng toàn bộ hệ thống chính trị phải tỉnh táo, sáng suốt, thực hiện triệt để “dĩ bất biến ứng vạn biến” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo đảm an sinh xã hội “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhưng đồng thời cũng phải tập trung sản xuất, kinh doanh, bảo đảm kinh tế phát triển.

Mục XIV - Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Về tổ chức bộ máy, cần có khái quát tổng kết thực hiện các mô hình thí điểm, quan điểm chung là bảo đảm tinh gọn, hoạt động đồng bộ, thống nhất, hệ thống, hiệu lực, hiệu quả.

Trong mục XIV cần làm rõ việc xây dựng Đảng về đạo đức không chỉ là đạo đức của cán bộ, đảng viên, mà còn là đạo đức của tổ chức Đảng. Cần xác định được tiêu chí đạo đức của một tổ chức Đảng đề xây dựng các nội dung đạo đức tương ứng; xác định các giải pháp xây dựng Đảng về đạo đức không chỉ từ phía các cán bộ, đảng viên mà còn từ phía các tổ chức Đảng; bổ sung các giải pháp xây dựng Đảng về đạo đức: đối với cán bộ, đảng viên còn phải tích cực học tập lý luận chính trị, thực hiện nghiêm chỉnh, thường xuyên tự phê bình và phê bình; đối với tổ chức Đảng còn phải nhấn mạnh đến giải pháp trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện việc xây dựng Đảng về đạo đức của các tổ chức Đảng như: tuyên truyền, giáo dục đảng viên; phát huy dân chủ trong tổ chức, tổ chức tự phê bình và phê bình....

Cũng trong mục XIV, khi đề cập đến tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng (tr.39-40), cần nêu rõ ý: Để tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, phải phát huy dân chủ trong nhân dân, lắng nghe những góp ý của nhân dân với Đảng; có cơ chế, giám sát việc cán bộ, đảng viên vi phạm dân chủ với nhân dân.

Bổ sung rõ thêm ý: Đảng và Nhà nước phải chú trọng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, có như vậy mới phát huy được vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng.

Về Tóm tắt Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030

Cơ bản nhất trí những ý kiến đánh giá trong Dự thảo Báo cáo nhưng cần thêm những phần đánh giá về hoàn cảnh trong nước và quốc tế, tình hình đại dịch COVID-19 hiện nay. Bên cạnh đó, phần hạn chế cần đề cập cụ thể hơn đối với một số vấn đề: chậm khắc phục hậu quả của một số tập đoàn thua lỗ (như Gang Thép Thái Nguyên). Chưa giải quyết dứt điểm những bức xúc kéo dài, điển hình là những vấn đề liên quan đến khiếu kiện của nhân dân, trách nhiệm của Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến khu đô thị Thủ Thiêm. Công tác cán bộ cần rà soát, chọn lọc, công khai, minh bạch hơn nữa. Cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác các bộ, vì trong 1 nhiệm kỳ khóa XII có đến 3 Bí thư Thành ủy của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng bị kỷ luật vì những vi phạm, khuyết điểm.

Về Tóm tắt Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025

Cơ bản nhất trí những ý kiến đánh giá trong Dự thảo Báo cáo, cần thêm những phần đánh giá về hoàn cảnh trong nước và quốc tế, tình hình đại dịch COVID-19 hiện nay. Đồng thời, cần cụ thể hóa thêm nhiều tiêu chí trong phương hướng, nhiệm vụ đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Từ đó, mới có thể đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đề ra vào cuối nhiệm kỳ. Bổ sung, phát triển lý luận về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để đảm bảo cơ sở vững chắc về lý luận. Cần có kế hoạch quyết liệt đổi mới giáo dục và đào tạo, theo đó, tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ngang tầm nhiệm vụ... Cần có quy chế cụ thể theo hướng giảm số lượng những người phải kê khai thu nhập. Đối tượng phải kê khai thu nhập thì cần công khai cho toàn dân biết, từ đó nhân dân mới giám sát được cán bộ, Đảng mới cụ thể hóa được chủ trương: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra...

 

 

Phản hồi

Các tin khác