Tạo dấu ấn nhiệm kỳ mới

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.

Chuẩn bị công phu, nghiêm túc, dựa trên luận cứ khoa học

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Tổ trưởng Tổ Thư ký - Giúp việc Ban Biên tập Văn kiện Đảng bộ TP Hà Nội cho biết, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP được xây dựng trên cơ sở 8 đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình số 20-CTr/TU ngày 13/2/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm TP Hà Nội “Những luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP (2015-2020), định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Qua 9 lần rà soát, Tiểu ban Văn kiện đã hoàn thiện Dự thảo lần 2 Báo cáo chính trị để tổ chức in ấn và gửi xin ý kiến góp ý của các giới, ngành, cơ quan, đơn vị và nhân dân. Đến nay, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã tham mưu Thường trực Thành ủy tổ chức 05 hội nghị lấy ý kiến góp ý. Trong đó, Thường trực Thành ủy chủ trì 03 hội nghị (các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt của Thành phố qua các thời kỳ; đại diện văn nghệ sỹ, các nhà khoa học, trí thức, chức sắc tôn giáo; Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng; các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương).

Ngoài ra, được sự ủy quyền của Thường trực Thành ủy Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thăng Long và Đảng ủy khối Doanh nghiệp Hà Nội đã chủ trì tổ chức 02 hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị. Tại 05 hội nghị nêu trên, đã có 69 ý kiến đóng góp trực tiếp và 74 ý kiến đóng góp bằng văn bản.

Trên cơ sở báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Thường trực Tiểu ban Văn kiện đã chỉ đạo Tổ Thư ký, giúp việc tiếp thu, hoàn thiện, xây dựng Dự thảo lần 3 Báo cáo chính trị Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố. Theo đó, về chủ đề cơ bản giữ nguyên như dự thảo lần thứ 2 là “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gương mẫu; phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

Cùng với đó, phần thứ nhất của dự thảo Báo cáo chính trị được kết cấu lại, gồm 03 phần chính: Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố, làm rõ hơn những kết quả đạt được trên 14 lĩnh vực theo Nghị quyết Đại hội XVI; đánh giá tổng quát, làm rõ thêm về ưu điểm và nguyên nhân của hạn chế, yếu kém; 05 bài học kinh nghiệm cũng được biên tập gọn, rõ ý hơn...

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, trên cơ sở tổng hợp, chắt lọc, tham khảo các ý kiến, Tiểu ban Văn kiện đã biên tập và đề xuất mục tiêu tổng quát đến năm 2025: Xây dựng, phát triển Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước. Có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thành phố đổi mới sáng tạo; duy trì tăng trưởng kinh tế cao hơn so với trung bình cả nước và cao hơn giai đoạn 2015-2020. Hà Nội cơ bản trở thành Thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GRDP/người đạt 8.100-8.300 USD.

Về hệ thống các chỉ tiêu, Tiểu ban Văn kiện đề xuất bổ sung thêm chỉ tiêu: Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30% và tốc độ tăng năng suất lao động từ 7,0-7,5%; điều chỉnh chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố cuối nhiệm kỳ dưới 0,5%; điều chỉnh giảm chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa còn 60-62%...

Tập trung khai thác mọi nguồn lực để đạt mục tiêu đề ra

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội diễn ra ngày 30/7, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội cho biết, dự thảo lần này có bổ sung, đề ra quan điểm phát triển đồng đều giữa khu vực đô thị, nông thôn và các vùng miền của TP. Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, hiện nay, khu vực phía Bắc và phía Đông của TP phát triển mạnh mẽ, nhưng khu vực phía Nam phát triển chậm hơn.

“Vừa rồi tôi đi Thường Tín, tỷ lệ đô thị chỉ có 2,8% mà mục tiêu lại lên quận thì bao giờ lên được; 66% diện tích đất nông nghiệp trong tổng số 228 ha của huyện mà chỉ tạo ra hơn 4% giá trị GDP cho thấy hiệu quả sử dụng rất còn thấp” - Bí thư Thành ủy nói, đồng thời nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ tới phải xác định quan điểm phát triển đồng đều, quan tâm kết nối giao thông và đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa các huyện cửa ngõ khu vực phía Nam.

Đề cập đến chỉ tiêu đô thị hóa, nhất là thúc đẩy các huyện lên quận, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân cho rằng, cần cụ thể hóa chỉ tiêu có bao nhiêu huyện phát triển lên quận trong nhiệm kỳ tới, từ đó, phần nhiệm vụ, giải pháp phải đậm nét hơn, có các chương trình, nghị quyết, chương trình riêng, cụ thể, rõ ràng từng bước để thúc đẩy đô thị hóa tại 5 huyện được quy hoạch lên quận.

Đánh giá cao mục tiêu tổng quát trong dự thảo báo cáo chính trị của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đề nghị cần xác định lộ trình cụ thể trong việc thực hiện mục tiêu, xây dựng Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, xây dựng thành phố thông minh.

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội

Đặc biệt, Thứ trưởng Lương Tam Quang đề nghị, Hà Nội xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh. “Trong bất cứ hoàn cảnh nào giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não, các hoạt động của Đảng và Nhà nước, các hoạt động đối ngoại quốc gia, các sự kiện chính trị lớn diễn ra trên địa bàn TP. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại các hoạt động chống phá của các thế lực xấu, thù địch, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội” – Thứ trưởng Quang nói.

Đề cập đến các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Hà Nội, Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho rằng, trong chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người, cần tách ra thu nhập bình quân ở đô thị và khu vực nông thôn, trên cơ sở đó, sau khi Nghị quyết được ban hành mới có cơ sở để triển khai trong thực tế nhằm tạo dấu ấn cho nhiệm kỳ mới.

Đánh giá cao kết quả nhiệm kỳ 2015-2020, PGS.TS Trần Đức Quý, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, tuy có nhiều khó khăn, thách thức, là giai đoạn vừa xây dựng cơ chế chính sách đổi mới, vừa lựa chọn bước đi phù hợp để tổ chức triển khai, nhưng Đảng bộ TP Hà Nội đã vượt qua, lãnh đạo giành kết quả khá toàn diện. Kinh tế tăng trưởng rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định. Thành tựu đó đã khẳng định mạnh mẽ sức vươn lên của Thủ đô. Đồng thời mong muốn, Đảng bộ TP Hà Nội tiếp tục không ngừng đổi mới tư duy và hành động, tập trung khai thác các nguồn lực phát triển, đưa kinh tế Thủ đô vượt qua suy thoái, phát triển cả bề rộng và chiều sâu.

Góp ý về phần giải pháp phát triển kinh tế tập thể, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Thành phố Lê Văn Thư đề nghị cần làm rõ hơn chủ trương lãnh đạo của cấp ủy về vấn đề này để tương xứng với các loại hình kinh tế khác. Mặt khác, xây dựng nông thôn mới đồng hành, phụ thuộc vào sự phát triển của kinh tế nông thôn, trong đó có vai trò quan trọng của hợp tác xã. Do đó cần tạo điều kiện, phối hợp, hỗ trợ hệ thống hợp tác xã thực hiện vai trò nòng cốt phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã…/.


Phản hồi

Các tin khác