TS Trần Văn Đông, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận trẻ tỉnh Quảng Trị
Trong bài viết, phần phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII và giai đoạn sắp tới, tôi rất tâm đắc khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động. Cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo. Nếu chỉ "kiên định" một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ, nhưng nếu không kiên định, mà "đổi mới" một cách vô nguyên tắc thì cũng rất dễ rơi vào chủ nghĩa xét lại, chệch hướng, "đổi màu". Cho nên phải hiểu rõ, vận dụng đúng phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin: Kiên định phải gắn liền với sáng tạo và sáng tạo phải trên cơ sở kiên định phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước”.
|
TS Trần Văn Đông, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn,
Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận trẻ tỉnh Quảng Trị
|
Nhận thức rõ tầm quan trọng của lý luận, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư, chú trọng đến công tác học tập, bồi dưỡng lý luận, chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên. Từ trước đến nay, được sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị, các cấp bộ đoàn trong tỉnh luôn đề cao nhiệm vụ giáo dục chính trị. Chúng tôi không ngừng trăn trở để có nhiều hình thức giáo dục chính trị phong phú, đa dạng và nỗ lực đổi mới. Việc thành lập các Câu lạc bộ Lý luận trẻ là một trong những minh chứng sinh động cho sự nỗ lực đổi mới ấy.
Chúng tôi hy vọng phần lớn đoàn viên, thanh niên đều hiểu việc trang bị kiến thức, kỹ năng lý luận là rất cần thiết. Đây không chỉ là một nhu cầu, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của bản thân mà còn là phương pháp quan trọng nhằm bổ sung, hiểu biết thêm về những kiến thức lý luận chính trị, năng lực và kinh nghiệm công tác, bồi đắp lý tưởng cách mạng, đáp ứng với sự vận động, phát triển của cách mạng trong giai đoạn mới.
Quá trình triển khai, chúng tôi nhận thấy việc thành lập Câu lạc bộ Lý luận trẻ còn giúp tạo diễn đàn, sân chơi để đoàn viên, thanh niên được bày tỏ suy nghĩ, nhận xét của cá nhân đối với những vấn đề giới trẻ quan tâm, đặc biệt là những chủ đề “hot” trên mạng xã hội; các sự kiện chính trị - xã hội trong nước và quốc tế nổi bật; các luồng tư tưởng khác nhau với những góc nhìn mới mẻ, trẻ trung về hiện trạng đất nước; các vấn đề cần đặt ra đối với tổ chức Đoàn - Hội - Đội trong giai đoạn hiện nay, trao đổi, thảo luận về các nội dung bám sát thực tiễn sôi động của cuộc sống... Qua quá trình thảo luận, phân tích, các bạn trẻ sẽ nhận diện được đúng – sai, đâu là bản chất, đâu là hiện tượng để hiểu được sự việc một cách thấu đáo, cặn kẽ, thấy được nhiều những câu chuyện, những hình ảnh bị “bóp méo”, xuyên tạc để không dễ dàng bị các thế lực thù địch lôi kéo, lợi dụng.
Tôi có thể đơn cử ngay tại lễ ra mắt Câu lạc bộ Lý luận trẻ tỉnh Quảng Trị, thành viên Câu lạc bộ đã sinh hoạt quý I với chủ đề: “Tại sao phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Các thành viên đã tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung như: trách nhiệm của cán bộ Đoàn, đoàn viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; vấn đề nhạt Đoàn, phai Đảng và các giải pháp phòng ngừa; các biểu hiện của việc lười học chính trị, giải pháp bảo vệ nền tảng của Đảng trên không gian mạng; giải pháp triển khai bốn bài học lý luận chính trị, khẳng định niềm tin của tuổi trẻ Quảng Trị kiên định theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn...
Chúng tôi tin rằng, Câu lạc bộ Lý luận trẻ và các hoạt động của tổ chức Đoàn sẽ thực sự là nơi định hướng tư tưởng cho thanh niên, giúp đoàn viên, thanh niên có nhận thức đúng, từ đó có hành động đúng, “hiểu lý luận, vững niềm tin”; từ đó cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", “thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc" như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đề cập trong bài viết.
Đồng chí Trần Việt Dũng, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam
Trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định 5 bài học kinh nghiệm. Tôi rất tâm đắc với bài học thứ năm – bài học cuối cùng trong 5 bài học nhưng lại bao trùm được tất cả mọi hoạt động, là cội nguồn thành công trong công tác lãnh đạo của Đảng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định dân là gốc”.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam, thực tế công tác lãnh đạo của Đảng ở mọi cấp, mọi ngành đã khẳng định trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù nhiệm vụ gì thì dân luôn là trung tâm, là chủ thể như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn để giành thắng lợi”.
Đồng chí Trần Việt Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Nhân Bình
|
Nhìn lại những kết quả đạt được nhiệm kỳ 2015 – 2020, đặc biệt trong phong trào xây dựng nông thôn mới, có thể thấy, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả của chính quyền thì sự vào cuộc của người dân chính là động lực, là nguyên nhân sâu xa nhất cho những thành công trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội bởi dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là mục tiêu và động lực của phát triển xã hội nên mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đời sống, lợi ích của nhân dân; gắn bó máu thịt với nhân dân.
Ở Đảng bộ xã Nhân Bình, xã đầu tiên của tỉnh Hà Nam về đích nông thôn mới giai đoạn 2009 – 2011, hiện nay chúng tôi đang khẩn trương hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020, bài học về thực hành dân chủ càng được coi trọng, phát huy hơn nữa.
Nhận thức đúng đắn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong xây dựng nông thôn mới được đặt lên hàng đầu. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân hưởng thụ”, những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể của xã và các thôn đã thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung quy chế dân chủ, làm tốt việc công khai, minh bạch, dân chủ bàn bạc, tôn trọng, lắng nghe ý kiến nhân dân để người dân trực tiếp tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến và quyết định những vấn đề quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới đồng thời, tổ chức vận động người dân tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng bằng các hình thức phù hợp… Từ đó, tinh thần đoàn kết, chung sức của cộng đồng nhân dân được phát huy, tạo thuận lợi trong việc huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới, góp phần đạt mục tiêu đề ra.
Chỉ một ví dụ lấy “dân là gốc” trong xây dựng nông thôn mới cho thấy, ở đâu cấp ủy, chính quyền nắm vững bài học thứ năm, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hành dân chủ, thì ở đó niềm tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố và nâng cao - như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói “được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ”; khi đó làm việc gì cũng sẽ thuận lợi và dễ đi đến thành công.
Thượng úy Hoàng Thị Mai Hương, cán bộ Đội An ninh, Công an huyện Đông Anh, Hà Nội (Giải nhất Hội thi báo cáo giỏi thành phố Hà Nội; Giải nhì Hội thi “Cán bộ nữ công an Thủ đô duyên dáng, tài năng năm 2019”)
Bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Ðại hội XIII của Ðảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi gắm, đưa ra nhiều thông điệp cho sự phát triển của đất nước.
Nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần đoàn kết, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, sự nỗ lực sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng; đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện, chuyển biến tích cực, với nhiều dấu ấn nổi bật đồng thời chỉ ra những khó khăn, tồn tại, bài học kinh nghiệm cũng như đề ra mục tiêu tổng quát, mang tính thực tiễn, cụ thể đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc.
|
Thượng úy Hoàng Thị Mai Hương, cán bộ Đội An ninh, Công an huyện Đông Anh, Hà Nội
|
Bài viết thể hiện tầm cao lý luận nhưng lại đầy màu sắc thực tiễn, tình cảm yêu nước. Mỗi câu, mỗi chữ là những trăn trở, suy tư của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, đầy tự hào nhưng cũng đầy lo lắng. Những trăn trở của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khơi gợi từ trong sâu thẳm mỗi đảng viên trẻ chúng tôi trách nhiệm, khát khao cống hiến cho đất nước, dân tộc, khiến chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân trong việc tự học tập, tự giác rèn luyện, nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức của người đảng viên.
Qua theo dõi bài viết, tôi ấn tượng với các mục tiêu cụ thể được xác định hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Sinh thời, Bác Hồ từng nói rằng: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên”. Thanh niên chính là lực lượng nắm giữ tương lai của đất nước. Bây giờ, hay 5 năm, 10 năm, 20 năm, 25 năm nữa thế hệ thanh niên hôm nay sẽ là nhân tố chủ chốt có vai trò to lớn trong sự phát triển của đất nước. Vì vậy, nếu chúng ta có quá trình chuẩn bị, bồi dưỡng thường xuyên về đức và tài cho thế hệ trẻ, có sự chuẩn bị chu đáo, thận trọng, chuyển tiếp liên tục và vững vàng giữa các thế hệ cán bộ như Hồ Chí Minh đã căn dặn, đất nước Việt Nam sẽ có đủ sức mạnh để tự tin, kiên định, vững vàng trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững.
Đất nước đã đi được 3/4 quãng đường trong chặng đường 100 năm. Trong 1/4 quãng đường còn lại, việc có được một tầm nhìn khoa học, thực tiễn, “phù hợp với quy luật khách quan, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại” có ý nghĩa hết sức quan trọng, định hình tư duy toàn diện và lâu dài của đất nước ta. Trong tình hình đất nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới, tầm nhìn, tư duy và những giải pháp, yêu cầu, nhiệm vụ mà đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặt ra trong bài viết có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thế hệ trẻ chúng tôi xin bày tỏ lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Chúng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, với những giải pháp chiến lược như trong bài viết Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nêu, Việt Nam của chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đề ra./.