(ĐHXIII) – Nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt nhấn mạnh, trong phần bài học kinh nghiệm cần phát huy dân chủ, tăng cường đối thoại và thực hiện công kha,i minh bạch; trong đó các cấp ủy đảng, chính quyền và cán bộ lãnh đạo cần tăng cường đối thoại với nhân dân.
|
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TA)
|
Chiều 25/6, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố (TP) Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XVII Đảng bộ TP Hà Nội nhằm phát huy dân chủ, trách nhiệm, tập trung trí tuệ của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn TP. Đồng chí khẳng định, việc thảo luận, góp ý kiến vào Dự thảo là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, cần được thực hiện nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả.
Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đều cho rằng Dự thảo được chuẩn bị công phu, đầy đủ, sâu sắc và toàn diện. Nội dung báo cáo nêu lên được những thành tựu nổi bật trong lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả thực hiện Nghị quyết Địa hội Đảng bộ TP khóa XVI và dự báo tình hình, đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ của Đảng bộ TP khóa XVII. Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để góp ý vào từng vấn đề cụ thể như mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, 3 khâu đột phá…
PGS.TS Ngô Hữu Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về công tác tôn giáo, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho rằng, tại nội dung xây dựng Đảng trong đánh giá và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp cần trình bày riêng rẽ hai lĩnh vực xây dựng Đảng, là: Xây dựng Đảng về chính trị và xây dựng Đảng về tư tưởng. Trong báo cáo chính trị, hai lĩnh vực này được ghép là một mục là không nên và nói không thể hết. Ở đây nội dung xây dựng Đảng về chính trị còn mờ nhạt, trong khi đây là lĩnh vực quyết định trực tiếp đến xây dựng Đảng ở các lĩnh vực tư tưởng và tổ chức. Đồng thời báo cáo chính trị cũng cần đánh giá và đưa giải pháp sao cho “đủ độ” đối với vấn đề đạo đức, trí tuệ và vấn đề phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức thuộc hệ thống chính trị. Cũng cần bổ sung vào nội dung xây dựng Đảng, hoặc bài học kinh nghiệm, việc “thường xuyên coi trọng công tác xây dựng Đảng một cách toàn diện, xem đó là nhiệm vụ then chốt, cùng với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, trên nền tảng kinh tế - xã hội đương đại”.
Đề cập đến phần nhiệm vụ, Nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt đề nghị, nói rõ hơn nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới thể chế, cả thể chế chính trị, thể chế kinh tế chứ không chỉ có thể chế kinh tế. Không còn nghi ngờ gì nữa về những ưu việt của thể chế chính trị của chúng ta nhưng cũng không thể phủ nhận những mặt còn hạn chế trong thể chế. Đó là sự cồng kềnh của bộ máy, sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ, tính hình thức trong một số hoạt động, sự sa sút của một bộ phận cán bộ, đảng viên… “Không nên né tránh việc đặt vấn đề đổi mới hay cải cách thể chế chính trị. Việc đổi mới hay cải cách chính là để củng cố và nâng cao sức chiến đấu của Đảng, hiệu quả hoạt động điều hành của Nhà nước, phát huy vai trò của hệ thống chính trị và là để bảo vệ chế độ xã hội của chúng ta” – ông Lê Văn Hoạt đặt vấn đề.
Nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt cũng nhấn mạnh, trong phần bài học kinh nghiệm cần phát huy dân chủ, tăng cường đối thoại và thực hiện công khai minh bạch. Trong đó các cấp ủy đảng, chính quyền và cán bộ lãnh đạo cần tăng cường đối thoại với nhân dân. Không hình thức và không đùn đẩy, né tránh. Mọi trường hợp dân nghi ngờ, không tin Đảng, không tin chính quyền, hay có đơn thư khiếu nại, tố cáo đều chỉ có thể do nguyên nhân Đảng và chính quyền làm sai hoặc Đảng và chính quyền làm đúng nhưng không tuyên truyền, không nói cho dân biết, không giải thích để dân hiểu. Vì vậy, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân cũng là bài học quý rút ra từ thực tiễn…
|
Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Viết Thảo góp ý tại Hội nghị. (Ảnh:TA)
|
Cho rằng, nội dung những hạn chế và yếu kém đã được nêu khá cụ thể, tuy nhiên nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Thảo cho rằng, phần nguyên nhân của hạn chế và yếu kém còn chung chung, thiếu cụ thể. Ví dụ phần đánh giá hoạt động MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là ở cơ sở chậm được đổi mới. Như vậy là thế nào? Chậm đổi mới về cái gì? Tổ chức hoạt động hay về tổ chức cán bộ. Hay đánh giá về giáo dục và y tế, nhất là giáo dục là chưa sâu, chưa làm rõ được các tiêu chí, mục tiêu đạt được so với yêu cầu mà Chính phủ đã đề ra.
PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị cần đánh giá rõ hơn 5 năm qua Hà Nội đã làm được đến đâu với vai trò là Thủ đô cả nước và cần chỉ ra vì sao có những mặt đạt được chưa tương xứng. “Có hay không hạn chế về tư duy tầm nhìn chiến lược của đội ngũ cán bộ chủ chốt?” – PGS.TS Nguyễn Thảo đặt vấn đề và cho rằng trong 5 bài học kinh nghiệm, bài học thứ 5 rất đúng với Hà Nội, nhưng hạn chế yếu kém lại không được đề cập cụ thể. Hà Nội là thành phố có tất cả các đặc điểm của đất nước. Lẽ ra Hà Nội phải đi đầu tư vấn cho Trung ương trong nhiều lĩnh vực nhưng Hội đồng Lý luận rất ít khi nhận được những kiến nghị của Thành ủy, chính quyền Hà Nội. Điều này có nghĩa là đột phá của Hà Nội chưa tương xứng vị thế của mình. Do đó, về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, Hà Nội cần nêu rõ phải làm gì để đi đầu, dẫn dắt cả nước, tiên phong trên các mặt trận.
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Ngọc Thảo cũng đánh giá cao 3 khâu đột phá về ưu tiên phát triển kinh tế - công nghệ; đột phá về thể chế quản lý nhà nước; đột phá về phát triển nguồn nhân lực và đề nghị cần thêm một khâu đột phá nữa về môi trường và tài nguyên để thành 4 khâu hoàn chỉnh và đầy đủ. Bởi khâu đột phá thứ 4 tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả cao trong lĩnh vực cải thiện môi trường sinh thái, xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, đảm bảo nước sạch phục vụ sinh hoạt của nhân dân… Đây là vấn đề rất cập bách của toàn xã hội nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng.
Đề cập đến công tác tôn giáo trong báo cáo chính trị, GS Thượng Mai Thanh, Trưởng Ban cai quản Thánh thất Cao Đài Hà Nội góp ý, công tác tôn giáo đã được chú trọng, đảm bảo cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được nhà nước công nhận. Mong muốn của các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích khi đã được nhà nước công nhận, đảm bảo đúng đạo luật, đạo đời…
|
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Ngọc Thảo góp ý tại Hội nghị. (Ảnh:TA)
|
Quan tâm và đề cập đến lĩnh vực văn hóa trong báo cáo chính trị, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội cho rằng, báo cáo đã quan tâm nhiều đến văn hóa. Những nhận định, đánh giá có cơ sở thực tiễn và khoa học. Tuy nhiên, việc phân tích, đánh giá về những hạn chế dài hơn phần thành tích. “Phải chăng đây là thông điệp về tinh thần đổi mới và quyết tâm hành động của lãnh đạo TP Hà Nội?” - TS Nguyễn Viết Chức đặt vấn đề và tán thành với nhận định “chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và vị thế của Thủ đô”. Đồng thời đề nghị cần thảo luận sâu sắc vấn đề này để có nhận thức đúng đắn trong toàn Đảng bộ, thấm sâu vào các cấp ủy để biến nó thành hành động mang tính đột phá trong nhiệm kỳ mới…
Kết thúc Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn trân trọng cảm ơn và tiếp thu tất cả 13 ý kiến đại biểu tại hội nghị để gửi đến cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời đánh giá đây là những ý kiến tâm huyết, thể hiện trách nhiệm và tình cảm với Thủ đô, góp phần nâng cao chất lượng báo cáo chính trị của Đảng bộ TP Hà Nội…/.
Trung Anh