(ĐHXIII) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ mong muốn, các đại biểu thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ cho Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP; tập trung đóng góp phương hướng, mục tiêu, giải pháp, làm cơ sở xây dựng và phát triển Thủ đô trong 5 năm tới, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045.
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh:TH)
|
Ngày 24/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban Đảng Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Biên tập Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng các ban Đảng Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương...
Công tác xây dựng văn kiện rất nghiêm túc, công phu
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết: Đến nay, tất cả 100% các chi bộ, tổ chức đảng trực thuộc đều tổ chức thành công Đại hội và hết tháng 7/2020 sẽ có 34 đảng bộ cấp trên cơ sở, đảng bộ tương đương sẽ tổ chức xong. Hà Nội phấn đấu đến 15/8 sẽ tổ chức xong để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP. Đến 9/2020, Thành ủy Hà Nội sẽ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về các văn kiện để trình Đại hội vào cuối tháng 10/2020.
Để chuẩn bị cho công tác xây dựng văn kiện, Thành ủy Hà Nội đã có quá trình chuẩn bị rất nghiêm túc, công phu. Thành phố đã chỉ đạo tổng kết 8 chương trình công tác, các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá và các đề án chuyên đề của nhiệm kỳ Đại hội XVI; phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương triển khai đề án nghiên cứu khoa học và đến nay đã nghiệm thu để làm cơ sở dữ liệu để xây dựng văn kiện. Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã thông qua 2 lần và hôm nay là phiên bản thứ 4. Trước đó, phiên bản thứ 3 đã qua 3 vòng với việc tổ chức 7 hội nghị xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo TP qua các thời kỳ; các bộ, ngành Trung ương, làm việc với một số bộ, ngành… Trên cơ sở đó để có thêm dữ liệu cập nhật, bổ sung vào văn kiện.
Bí thư Vương Đình Huệ thông tin, sau Hội nghị lấy ý kiến hôm nay, TP sẽ còn cuộc lấy ý kiến với Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ. Sau các bước đó sẽ sửa lại lần cuối trước khi trình Bộ Chính trị cho ý kiến. Bên cạnh đó, Dự thảo Báo cáo Chính trị sử dụng số liệu đến hết năm 2019 là con số thực và số liệu cập nhật đến 6/2020. Đến tháng 9/2020, trước khi trình Bộ Chính trị, TP đã có số liệu quý III/2020 thì Tiểu ban Văn kiện sẽ cập nhật số liệu năm 2020.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mong muốn các đại biểu thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, tập trung làm rõ những thành tựu, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, để từ đó định hình chính xác phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển để có Dự thảo Văn kiện tốt nhất trình ra Đại hội, làm cơ sở xây dựng và phát triển Thủ đô trong 5 năm tới, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045.
Thông tin về nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết: Dự thảo Báo cáo Chính trị xác định phương hướng, mục tiêu, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 4 nhóm chỉ tiêu với 20 chỉ tiêu cụ thể, 3 khâu đột phá và 14 nhiệm vụ giải pháp của thành phố trong nhiệm kỳ mới 2020 - 2025. Trong đó, xác định 3 khâu đột phá: Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội gắn với thiết kế, xây dựng một số công trình kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản trị xã hội, quản trị kinh tế…
Có định hướng lớn, bao quát sự phát triển Thủ đô
Các ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội nghị, cùng nhiều ý kiến góp ý bằng văn bản đã đánh giá cao Dự thảo Báo cáo chính trị được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học; nội dung báo cáo đã bao trùm trên các lĩnh vực, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế, từ đó, đề ra những giải pháp để khắc phục. Các đại biểu cũng bày tỏ sự nhất trí cao với kết cấu, bố cục, chủ đề và phương châm Đại hội XVII Đảng bộ TP, trong đó, có nhiều điểm mới, điểm nhấn...
Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2015 - 2020, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia cho rằng, dự thảo báo cáo hơi dài nhưng khó rút ngắn trước vai trò, tầm vóc của Thủ đô. Do đó, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị trong dự thảo báo cáo nên có những định hướng lớn, bao quát được sự phát triển. Đồng thời nên chăng có báo cáo riêng như một phụ lục về lĩnh vực kinh tế - xã hội. Điều này sẽ góp phần nói rõ, nêu bật được những thành tựu của Thủ đô của cả nước.
|
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng góp ý tại Hội nghị. (Ảnh:TH)
|
Góp ý cụ thể về công tác quy hoạch đô thị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhận xét có nhiều tiến bộ, song dự thảo cần đánh giá rõ hơn về thực hiện kỷ cương trong công tác quy hoạch.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác xây dựng Đảng theo đúng tinh thần Đại hội XII một cách toàn diện gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, đây là điểm sáng của Hà Nội trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Do đó, dự thảo báo cáo phải làm nổi bật công tác này hơn nữa. Trong đó, phần phương hướng cần nêu rõ các giải pháp về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn để hoàn thiện về mặt lý luận…
Góp ý cụ thể vào nhiều nội dung nhằm phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh đề nghị làm sâu sắc hơn nữa các giải pháp nhằm xây dựng thành phố trở thành mô hình kinh tế mẫu mực của cả nước. Trong đó, không chỉ tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư, Hà Nội phải có giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách để xây dựng cho được đội ngũ doanh nghiệp đẳng cấp quốc tế. Đồng chí đề nghị Hà Nội nên có các giải pháp mạnh hơn nữa trong việc giãn dân ở khu vực trung tâm để giữ bản sắc và phát triển mạnh ở các đô thị vệ tinh; có các giải pháp đủ lớn để phát triển công nghệ cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường đồng tình với việc Hà Nội tiếp tục xác định ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Thủ đô. Theo đồng chí, Hà Nội thời gian vừa qua phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị rất mạnh, nhưng chủ yếu là phát triển về phía Bắc, phía Tây, phía Đông nhưng riêng phía Nam lại kém. Do vậy, dưới góc độ phát triển kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng, đồng chí Cường góp ý, Hà Nội chú ý đến cả phát triển hệ thống giao thông phía Nam, kể cả việc phát triển thêm một sân bay quốc tế, giảm tải cho việc mở rộng sân bay Nội Bài, bởi ở các thành phố lớn, Thủ đô lớn, các nước thường có ít nhất 2 sân bay quốc tế.
Đánh giá cao phương hướng, mục tiêu, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 4 nhóm chỉ tiêu, 3 khâu đột phá và 14 nhiệm vụ giải pháp của thành phố trong nhiệm kỳ mới 2020 - 2025 nêu trong dự thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang cho rằng, đây là những chỉ số cụ thể, rõ ràng, trình bày khoa học, thể hiện tính hiệu triệu và tính hành động để định hướng Thủ đô phát triển những năm tới. Đồng chí đề nghị thành phố thay cụm từ trong chủ đề Đại hội “Xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại” thành “Xây dựng Thủ đô giàu mạnh, văn minh, hiện đại” vì từ “văn minh” đã bao gồm ý của từ “đẹp”, trong khi từ "giàu mạnh" mang nội hàm có sức nặng lớn hơn.
Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh cho rằng, 5 bài học kinh nghiệm nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị rất sâu sắc, có tầm lý luận, nhưng nên sắp xếp lại cho đúng trọng tâm theo hướng đặt tên được cho mỗi bài học. Đồng chí cũng nhất trí cao với 5 nhiệm vụ chủ yếu, nhưng góp ý nên viết trực diện hơn, không cần giải thích. Cũng theo đồng chí, trong các khâu đột phá, Hà Nội nên nghiên cứu để xác định thêm khâu đột phá là khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên và quyết tâm đổi mới trong cán bộ và nhân dân Thủ đô…
Thu Hà