Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước và từng địa phương, là đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân để lựa chọn, bầu ra những đại biểu ưu tú, đại diện cho nhân dân cả nước tại Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn cuộc bầu cử, củng cố vững chắc môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ tổ chức thành công cuộc bầu cử theo đúng quy định của pháp luật là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của lực lượng Công an nhân dân từ cuối năm 2020 đến khi kết thúc cuộc bầu cử.
|
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cùng các đại biểu kiểm tra công tác bầu cử tại Nhà văn hóa thôn Lực Điền,
xã Minh Châu, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, ngày 10/5/2021.
|
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20-6-2020 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 30/7/2020 Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCA về công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử với 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời ban hành Kế hoạch số 330/KH-BCA về công tác Công an bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử, xác định “bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn phục vụ tổ chức thành công cuộc bầu cử là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn lực lượng Công an từ nay đến khi kết thúc cuộc bầu cử”, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng cục nghiệp vụ và Công an địa phương; thành lập Tiểu ban An ninh, trật tự, phân công 01 đồng chí lãnh đạo Bộ Công an là Trưởng Tiểu ban để tập trung chỉ huy, chỉ đạo mọi công tác liên quan bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử; Công an cả nước cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ bằng các Kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử đến từng cấp công an, nhất là cấp xã/phường, ban hành Kế hoạch Lịch triển khai công tác bảo đảm an ninh, trật tự để cụ thể hóa các nhóm công việc, phân công rõ trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Tích cực triển khai các chỉ thị, kế hoạch của Bộ Công an, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, với sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của lực lượng Quân đội nhân dân và các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, sự ủng hộ và tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp và nhân dân, công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Lực lượng Công an đã chủ động nắm chắc tình hình bên trong, bên ngoài, tình hình an ninh chính trị nội bộ, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng, an ninh xã hội, âm mưu, hoạt động chống phá cuộc bầu cử của các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu; đã có hàng trăm báo cáo, tham mưu với Đảng, Nhà nước, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp những chủ trương, quyết sách về bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia, chỉ đạo xử lý, giải quyết có hiệu quả các vấn đề liên quan đến quá trình lựa chọn, giới thiệu nhân sự ứng cử, công tác tổ chức bầu cử, không để phát sinh phức tạp về an ninh, trật tự, làm thất bại âm mưu chia rẽ đoàn kết, kích động hoạt động lợi dụng quá trình lựa chọn, giới thiệu nhân sự bầu cử, tổ chức bầu cử để xâm phạm an ninh, trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường hòa bình, thuận lợi phục vụ tổ chức thành công cuộc bầu cử.
Công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan tập trung tham mưu các bộ, ban, ngành, Ủy ban bầu cử các cấp rà soát thẩm định tiêu chuẩn chính trị hàng trăm nghìn nhân sự tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, kịp thời phát hiện, kiến nghị đối với những trường hợp vi phạm tiêu chuẩn chính trị, vi phạm pháp luật được giới thiệu ứng cử, tự ứng cử hoặc tham gia phục vụ bầu cử, tham gia các Tổ bầu cử tại các địa phương. Tích cực nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp tán phát thông tin phức tạp, vận động bầu cử, ứng cử trái quy định, ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Chủ động phối hợp, tham mưu giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến người ứng cử, công tác bầu cử, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đồng thời chủ động rà soát, tham mưu Ủy ban bầu cử các cấp chỉ đạo giải quyết ổn định tại chỗ nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn, bức xúc trong nội bộ nhân dân, không để phức tạp, lan rộng, kéo dài, không để phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự, không để phần tử xấu lợi dụng kích động gây chia rẽ nội bộ, gây sức ép, lôi kéo người dân không đi bầu cử.
Nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa của công tác tuyên truyền, khơi dậy khí thế của mọi tầng lớp nhân dân tham gia đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng để lựa chọn, bầu được những đại biểu ưu tú, đại diện cho nhân dân cả nước tại Quốc hội khóa XV, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và các đại biểu đại diện cho nhân dân địa phương tại Hội đồng nhân dân các cấp, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trong nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch chuyên đề về tuyên truyền công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử, huy động lực lượng Công an cả nước tích cực tham gia tuyên truyền, vận động về các quy định của pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp liên quan cuộc bầu cử cũng như công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử. Nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, như mở các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong Công an nhân dân, đăng tải tin, bài trên cổng thông tin điện tử/trang thông tin điện tử, sử dụng mạng xã hội zalo đã lan tỏa, tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 35 Công an các đơn vị, địa phương tích cực chỉ đạo đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái liên quan cuộc bầu cử; đăng tải, chia sẻ hàng trăm nghìn bài viết, hình ảnh, video clip, phóng sự tuyên truyền, định hướng dư luận phản bác luận điệu sai trái, thù địch, hàng chục nghìn tin, bài tuyên truyền về công tác chuẩn bị bầu cử; tổ chức xác minh, đấu tranh, củng cố tài liệu chứng cứ, xử lý, giáo dục nhiều đối tượng có hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, tung tin sai sự thật liên quan cuộc bầu cử.
Quá trình chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử, lực lượng Công an đã liên tục mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, quyết tâm kéo giảm phạm pháp hình sự, không để tội phạm “lộng hành”, củng cố môi trường thực sự an ninh, an toàn, lành mạnh, phục vụ tốt nhất cuộc bầu cử, trọng tâm là Ngày bầu cử. Điều tra, bóc gỡ nhiều đường dây, băng nhóm tội phạm, triệt xóa các tụ điểm ma túy, cờ bạc, tệ nạn xã hội phức tạp; chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; thực hiện cao điểm vận động nhân dân thu hồi, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; tổng kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy; cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, ngăn chặn đưa người Việt Nam xuất/nhập cảnh trái phép, người nước ngoài nhập cảnh trái phép, đẩy lùi các nguy cơ khủng bố, phá hoại, góp phần tích cực phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ tổ chức cuộc bầu cử. Cùng với đó, lực lượng Công an toàn quốc, nhất là Công an cấp huyện, cấp xã đã quyết liệt triển khai chiến dịch xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp”, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giải quyết các vấn đề phát sinh về hộ tịch, quốc tịch, hỗ trợ tích cực công tác lập danh sách và vận động cử tri tham gia bầu cử tại từng khu vực bỏ phiếu.
Để bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cuộc bầu cử với yêu cầu “Bảo đảm an ninh, trật tự là yêu cầu nghiêm ngặt nhất, chủ động phòng ngừa là chính”, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành liên quan, đặc biệt là lực lượng Quân đội, Y tế chủ động xây dựng và bố trí thế trận bảo đảm an ninh, an toàn, y tế tại các khu vực bỏ phiếu, đối với từng hòm phiếu. Phối hợp xác minh hàng trăm nghìn nhân sự, không để các phần tử xấu lọt vào các Tổ bầu cử; rà soát, phát hiện, kiến nghị loại trừ từ sớm các nguyên nhân, điều kiện có thể dẫn đến sơ suất trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Công an các địa phương đã xây dựng các phương án bố trí lực lượng, phân công nhiệm vụ cán bộ Công an bảo vệ nghiêm ngặt khu vực bỏ phiếu, thùng phiếu; phương án bảo đảm an ninh, trật tự, điều tiết phân luồng giao thông, phòng, chống cháy nổ...; chủ động phương án bảo đảm an ninh, trật tự trong tình huống dịch bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng.
|
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia.
Ảnh: TTXVN.
|
Có thể khẳng định, đến thời điểm hiện nay, công tác bảo đảm an ninh, trật tự đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, với cấp độ bảo vệ cao nhất, sẵn sàng bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Quá trình triển khai các biện pháp công tác bảo đảm an ninh, trật tự, có thể rút ra một số vấn đề sau đây:
(1) Bám sát và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả mọi chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp về chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử là yếu tố then chốt quyết định chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự.
(2) Công tác bảo đảm an ninh, trật tự phải được triển khai chủ động, từ sớm, từ xa, trọng tâm từ cơ sở, giải quyết, xử lý kịp thời, có hiệu quả mọi vấn đề phức tạp ngay từ khi mới manh nha, còn trong “trứng nước”, huy động toàn lực lượng Công an nhân dân dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của lãnh đạo Bộ Công an, Thủ trưởng Công an các địa phương, phát huy tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, chiến sỹ ở từng vị trí công tác, đề cao trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy.
(3) Đặc biệt coi trọng phối hợp giữa lực lượng Công an với lực lượng Quân đội và các cơ quan, ban, ngành có liên quan, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân trong triển khai các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ tổ chức cuộc bầu cử.
(4) Trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự cuộc bầu cử, vấn đề cơ bản, quan trọng nhất là tạo môi trường thực sự an ninh, an toàn lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình, lựa chọn, giới thiệu, bầu được những đại biểu ưu tú, những người đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân cả nước tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; đồng thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả mọi âm mưu, hoạt động lợi dụng cuộc bầu cử để vi phạm pháp luật, gây phương hại an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
(5) Chủ động thiết lập phương án bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn từng khu vực bỏ phiếu, từng thùng phiếu trong đó định rõ cơ chế chỉ huy chỉ đạo, bố trí lực lượng, phương tiện cụ thể; thường xuyên kiểm tra, rà soát, bảo đảm bịt kín mọi sơ hở, thiếu sót.
Ngày bầu cử 23/5/2021 đã cận kề, ngày 12/5/2021, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đến tận Công an địa phương, cấp huyện để giao nhiệm vụ và phát lệnh ra quân bảo vệ cuộc bầu cử, đánh dấu thời điểm toàn lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và các lực lượng tham gia công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử bước vào trạng thái sẵn sàng cao nhất trong triển khai lực lượng, phương tiện, biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự. Lực lượng Công an, Quân đội tập trung rà soát, hoàn thiện các phương án, kế hoạch bảo vệ từng khu vực bỏ phiếu, từng thùng phiếu, xử lý các tình huống phức tạp nảy sinh gắn với tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự trên các lĩnh vực, trọng tâm là bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh thông tin, truyền thông, an ninh mạng, an ninh vùng trời, an ninh biên giới; quyết liệt đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự, tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao; huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị, toàn dân, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong công tác bảo vệ cuộc bầu cử.
Toàn lực lượng Công an nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Quân đội và các lực lượng chức năng, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các phương án, kế hoạch, dành toàn tâm, toàn lực, nỗ lực phấn đấu, sẵn sàng hy sinh, để bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn phục vụ tổ chức thành công cuộc bầu cử, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, không để xảy ra sơ xuất dù là nhỏ nhất./.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.