(ĐHXIII) - Trong 5 năm (2016-2020), toàn tỉnh Gia Lai có 515 dự án được đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 830.000 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần số dự án và tăng 36 lần về tổng vốn đăng ký so với 5 năm trước đó. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng từ những nỗ lực trong xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh.
|
Trong 5 năm qua, Gia Lai đã thu hút được 515 dự án đầu tư vào tỉnh.
|
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, trong 5 năm qua, tỉnh này có 515 dự án được đầu tư vào địa phương với tổng vốn đăng ký hơn 830.000 tỷ đồng. Trong khi đó, 5 năm trước (2011-2015), số dự án được đầu tư vào địa bàn tỉnh là 104 dự án, với tổng vốn đăng ký là 23.900 tỷ đồng.
Như vậy, trong giai đoạn 5 năm vừa qua (2016-2020), số dự án được đầu tư vào Gia Lai tăng gấp 5 lần và số vốn đầu tư cũng tăng đến 36 lần so với 5 năm trước đó.
Kết quả trên cho thấy, những nỗ lực trong công tác kêu gọi đầu tư cũng như việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh gần đây đã phát huy tác dụng, hiệu quả nhất định.
Khẳng định vấn đề này, đồng chí Hồ Phước Thành - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tư tỉnh Gia Lai cho rằng, nhờ có nhiều đổi mới và đa dạng các hình thức kêu gọi đầu tư cũng như ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ và minh bạch nên trên mặt trận thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh trong 5 năm qua có những chuyển tích cực kể trên.
“Tỉnh đã tập trung kêu gọi và có nhiều chính sách ưu tiên để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào địa bàn tỉnh, nhất là các lĩnh vực mà địa phương có nhiều lợi thế như: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án chế biến sâu từ sản phẩm nông nghiệp, các dự án năng lượng mặt trời hoặc điện gió, điện sinh khối… Qua đó đã tạo ra nhiều khởi sắc trên các lĩnh vực này”- đồng chí Hồ Phước Thành cho biết.
Đồng thời, đồng chí cũng khẳng định: Trong số 515 dự án được đầu tư vào tỉnh trong 5 năm qua có 231 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 66.500 tỷ đồng (giai đoạn 5 năm trước đó là 38 dự án với tổng vốn đăng ký 1.700 tỷ đồng); 108 dự án được các doanh nghiệp lập thủ tục đầu tư với số vốn khoảng 50.920 tỷ đồng (trong đó có các dự án lớn như: Khu lâm nghiệp công nghệ cao; nông nghiệp công nghệ cao; các dự án du lịch; dự án lốp, băng chuyền từ cao su; các dự án chợ đầu mối quốc tế, khu cảng cạn…); 176 dự án đã xin nghiên cứu và hoàn thiện các thủ tục điện mặt trời, điện gió được các nhà đầu tư quan tâm đăng ký với quy mô 24.300 MWp, dự kiến vốn đăng ký trên 715.497 tỷ đồng.
Theo đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, các dự án được đầu tư vào địa bàn tỉnh 5 năm qua đã góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương; đồng thời giải quyết một phần khá lớn công ăn, việc làm cho người dân, góp phần ổn định kinh tế, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn; góp phần làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt đô thị, nông thôn của tỉnh.
Đặc biệt, khi doanh nghiệp phát triển, nền kinh tế phát triển đã phát huy được tính cộng đồng trách nhiệm trong công tác chung tay xóa đói, giảm nghèo; góp phần giúp địa phương hoàn thành chính sách nhà ở cho các đối tượng gia đình chính sách, người có công.
|
Công tác xúc tiến thu hút đầu tư vào tỉnh Gia Lai luôn được đổi mới, đa dạng; đồng thời địa phương cũng làm tốt công tác xây dựng, ban hành nhiều chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư.
|
“Để có những thành công trên, ngoài sự quyết liệt trong lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong công tác xúc tiến đầu tư, kinh nghiệm chỉ ra tại Gia Lai trong 5 năm qua có vai trò không nhỏ của Hội đồng xúc tiến đầu tư tỉnh do UBND tỉnh thành lập và Hội đồng này do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng. Với vai trò và những chỉ đạo, tham mưu sát sao của Hội đồng xúc tiến đầu tư đã giúp lãnh đạo UBND tỉnh kịp thời ban hành các quyết định về quy định trình tự thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh kết hợp với rút ngắn nhiều thủ tục hành chính cũng như thời gian cho các nhà đầu tư khi tiến hành đầu tư vào tỉnh”- đồng chí Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết thêm.
Cùng với những nỗ lực trên, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã quan tâm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Tỉnh đã thành lập Trung tâm hành chính công, giải quyết hầu hết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp; đồng thời đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ cắt giảm chi phí, sửa chữa các điều kiện kinh doanh; cải cách các thủ tục hành chính thông thoáng tạo môi trường đầu tư hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư đến tỉnh đầu tư làm ăn.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, với những nỗ lực của tỉnh trong các năm qua về cải cách hành chính, đổi mới và ban hành các chính sách thu hút đầu tư, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Gia Lai ngày càng được cải thiện, nâng cao. Nếu như năm 2015 PCI của tỉnh đạt 56,83 điểm, xếp thứ 47/63 tỉnh, thành thì đến năm 2019, PCI của tỉnh tăng 17 bậc, đạt 65,34 điểm và xếp thứ 30/63 tỉnh, thành của cả nước.
Không chỉ có vậy, theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, liên tục trong các năm qua, Gia Lai đã đa dạng hóa công tác kêu gọi đầu tư, đa phương hóa đối tượng; đã đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thông qua các hội nghị, hội thảo, xúc tiến đầu tư tại chỗ và liên vùng, liên khu vực cũng như trong và ngoài nước…
“Đặc biệt, để mời gọi các nhà đầu tư đến với tỉnh, Gia Lai luôn tạo điều kiện và chuẩn bị tốt công tác giải phóng mặt bằng nhằm tạo quỹ đất giới thiệu các nhà đầu tư; tăng cường đa dạng công tác tuyên truyền, minh bạch hóa thông tin về các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch… của tỉnh cũng như danh mục kêu gọi đầu tư, quy trình triển khai thực hiện để các nhà đầu tư và doanh nghiệp được biết”- đồng chí Hồ Phước Thành thông tin thêm./.
Bài, ảnh: Đình Tăng