Các cháu thiếu nhi tỉnh Thái Bình tới chúc mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình.
Sáng 14/10, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Thái Bình, khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bìnhlần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đến dự và chỉ đạo Đại hội.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đoàn Hồng Phong, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định; Lê Thị Thủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam; Đỗ Tiến Sỹ, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên; đại diện lãnh đạo các ban Đảng ở Trung ương, các tỉnh, thành phố, các đồng chí lão thành cách mạng; đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, lãnh đạo chủ chốt Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ qua các thời kỳ và 350 đại biểu đại diện hơn 108 nghìn đảng viên toàn Đảng bộ.
Các đại biểu dự Đại hội thực hiện Lễ chào cờ.
Phát huy truyền thống người Thái Bình văn hóa, yêu nước, năng động, cần cù
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 có chủ đề: “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phấn đấu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng”.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng biểu dương Đảng bộ tỉnh Thái Bình trong nhiệm kỳ vừa qua đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; quán triệt đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn của địa phương.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng lên. Chính quyền các cấp từng bước được kiện toàn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã đổi mới hoạt động, tích cực vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, góp phần quan trọng xây dựng khối đoàn kết toàn dân; củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Tòng Thị Phóng cũng đề nghị Đại hội cần thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế, khuyết điểm, như: Vì sao chưa khai thác và phát huy có hiệu quả nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh hơn, nhất là lợi thế về đất đai, về con người, về du lịch? Vì sao nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh, nhưng chủ yếu vẫn trong tình trạng sản xuất nhỏ, chưa tạo dựng được những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, có thương hiệu và giá trị cao của tỉnh Thái Bình? Vì sao công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bộc lộ yếu kém, nhất là về quản lý đất đai và môi trường. Các lĩnh vực: văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Thái Bình đã đáp ứng tốt được sự mong mỏi của nhân dân hay chưa?
Với ý chí và quyết tâm khắc phục những bất cập đó, tại Đại hội lần này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá đầy đủ, đúng mức những thành tựu đã đạt được; đồng thời, nghiêm túc kiểm điểm, chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém, xác định rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và rút ra các bài học kinh nghiệm; từ đó, bàn và quyết định những chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp sát thực, khắc phục một cách có hiệu quả những hạn chế, yếu kém để nhiệm kỳ tiếp theo, Thái Bình sẽ bứt phá, vươn lên, phát triển nhanh, bền vững hơn và đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn.
Trong nhiệm kỳ mới, đồng chí Tòng Thị Phóng đã gợi ý một số nội dung để Đại hội cùng quan tâm trong quá trình thảo luận.
Cụ thể, Đảng bộ tỉnh Thái Bình cần tiếp tục quan tâm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ các cấp trong tỉnh thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; đoàn kết, thống nhất, gắn bó với nhân dân, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của quê hương, vì sự phát triển của tỉnh, của đất nước.
Phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo xây dựng, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, đổi mới phương thức giáo dục, thuyết phục, tập hợp các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, phù hợp tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Chú trọng xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.
“Là tỉnh có có tiềm năng, thế mạnh và truyền thống về phát triển nông nghiệp, thời gian tới, Thái Bình cần coi trọng hơn nữa lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân phát triển theo hướng mới, bền vững, hiệu quả hơn. Phải chăng đó là phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất hàng hóa, quy mô lớn theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước” Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu.
Đối với ba khâu đột phá của Thái Bình đặt ra trong nhiệm kỳ tới, cần chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, đặt mục tiêu sớm hoàn thành tuyến đường bộ ven biển và các tuyến đường huyết mạch, góp phần tạo thế và lực cho Thái Bình.
Đối với công nghiệp, cần thu hút các ngành có công nghệ tiên tiến, hiện đại, giá trị gia tăng cao, sử dụng ít đất và thân thiện với môi trường. Tập trung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu của tỉnh trong cả nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Khuyến khích phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại; chú trọng phát triển thương mại nội địa, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - phân phối; tranh thủ cơ chế ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là vào các thị trường mới.
Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình cần tích cực đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội kết hợp giữ gìn văn hóa truyền thống của quê hương đồng bằng Bắc Bộ.
Đồng chí Tòng Thị Phóng khẳng định tỉnh Thái Bình là địa phương giàu truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng, con người Thái Bình năng động, cần cù, vượt khó... Vì vậy đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Đảng bộ tỉnh Thái Bình cần phải có định hướng, biện pháp thiết thực để phát huy tốt những truyền thống anh hùng ấy, phẩm chất ấy, trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng để phát triển tỉnh Thái Bình.
Đồng chí Phó Chủ Tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị Đảng bộ tỉnh Thái Bình cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng
Cũng tại phiên khai mạc, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình đã trình bày báo cáo chính trị của Đại hội.
Báo cáo cho biết: Trong 5 năm vừa qua, những khó khăn, hạn chế chung của nền kinh tế cùng với những thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai gây ra đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trong tỉnh. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thái Bình đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện.
Đồng chí Ngô Đông Hải trình bày báo cáo chính trị tại Đại hội.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, tạo nhiều chuyển biến tích cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền địa phương.
Kinh tế tăng trưởng khá và toàn diện trên các lĩnh vực, tạo được những dấu ấn nổi bật. Tổng sản phẩm GRDP (giá so sánh năm 2010) bình quân 5 năm (2016-2020) ước tăng 9%/năm, vượt mục tiêu Đại hội XIX đề ra (8,6%/năm), cao hơn mức trung bình cả nước và gấp 1,3 lần mức tăng trưởng của 5 năm trước (6,7%/năm). Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người có bước tăng mạnh.
Cơ cấu kinh tế đúng hướng; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ trong GRDP đạt 75,5%, tăng 9,5% so với năm 2015. Các ngành sản xuất đều tăng trưởng khá cao và toàn diện, cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm (2016-2020) ước đạt 235,5 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2 lần 5 năm 2011-2015, tăng bình quân 7,8%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn hằng năm luôn vượt dự toán được giao; năm 2020 ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, gấp 1,35 lần năm 2015.
Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện, đang chuyển dần sang sản xuất hàng hoá gắn với tập trung, tích tụ đất đai và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị. Tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp tăng cao; năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất và mức độ cơ giới hóa tăng lên rõ rệt.
Sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá; giá trị sản xuất bình quân 5 năm (2016-2020) tăng 2,5%/năm, đạt mục tiêu Đại hội đề ra. Giữ vững năng suất lúa trên 132 tạ/ha/năm, tăng 1,6 tạ/ha so với bình quân nhiệm kỳ trước, sản lượng thóc duy trì trên 1 triệu tấn/năm.
Xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh và đạt được những thành quả quan trọng. Đến hết năm 2019, đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh, vượt trước 3 năm so với mục tiêu Đại hội XIX; đặc biệt, có 100% dân cư nông thôn được cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, vượt trước 2 năm so với mục tiêu Đại hội XIX. Xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đạt kết quả bước đầu; dự kiến hết năm 2020, có 14 xã (5%) đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Báo cáo chính trị đặt mục tiêu tổng quát phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Thái Bình đặt ra 7 chỉ tiêu cơ bản phấn đấu giai đoạn 2021-2025 gồm tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 90% trở lên; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 80% trở lên; cơ quan chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp xếp loại tốt đạt 90% trở lên; GRDP 10%/năm trở lên; năng suất lao động (theo giá so sánh) tăng từ 9%/năm trở lên; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 10%/năm trở lên; tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm so với GRDP đạt 60% trở lên; tốc độ tăng thu ngân sách nội địa (không tính tiền thu sử dụng đất) đạt 12%/năm trở lên.
Chiều 14/10, Đại hội tiếp tục chương trình với phần tham luận của các đại biểu và tiến hành bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025; lấy phiếu giới thiệu nhân sự Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhiệm kỳ 2020-2025.
Tin, ảnh: Kim Cương