Hôm nay 23/5/2021, hơn 69 triệu cử tri cả nước sẽ thực hiện quyền chính trị cơ bản và thiêng liêng nhất của công dân: Trực tiếp bỏ phiếu lựa chọn đại biểu tiêu biểu nhất tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp - những người thay mặt nhân dân gánh vác trọng trách ở cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân từ Trung ương đến địa phương.
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau hơn 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau hơn 4 tháng Đảng ta tổ chức thành công Đại hội XIII, cuộc bầu cử thành công sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Xác định rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử này, thời gian qua, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị các điều kiện cho ngày bầu cử.
Điểm nổi bật trong kỳ bầu cử lần này là công tác chuẩn bị được tiến hành từ rất sớm. Ngay từ giữa năm 2020, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trên cơ sở đó, Hội đồng bầu cử quốc gia, nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia đã được thành lập và kiện toàn từ sớm. Công tác tham mưu, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 cũng sớm hơn so với các kỳ bầu cử trước. Tương tự như vậy đối với việc kiện toàn các tiểu ban chuyên môn và bộ máy tham mưu giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia. Những yếu tố này tạo sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử, các hoạt động hướng dẫn và bảo đảm các điều kiện là cơ sở cho cuộc bầu cử được kịp thời triển khai.
Chiến sĩ thuộc các đơn vị của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 bỏ phiếu sớm từ ngày 4/5 trước khi lên đường làm nhiệm vụ trên biển. (Ảnh: bariavungtau.vn)
|
Công tác chuẩn bị nhân sự tham gia ứng cử - một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất bảo đảm thành công của cuộc bầu cử cũng đã được triển khai nghiêm túc, dân chủ. Để có tên trong danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các ứng cử viên đã trải qua quá trình thẩm định, sàng lọc chặt chẽ về tiêu chuẩn, chất lượng; bảo đảm phát huy dân chủ từ việc hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, lấy ý kiến cử tri về người ứng cử.
Ngay sau khi danh sách các ứng viên chính thức được công bố, để cử tri gần gũi, hiểu rõ hơn về người ứng cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban bầu cử các cấp đã tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri giữa các ứng cử viên với cử tri. Nói cách khác, có thể xem đây là cuộc “sát hạch” trực tiếp, trực diện của cử tri đối với người ứng cử. Đối mặt với dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cuộc “sát hạch” đối với tất cả các ứng cử viên được nhiều địa phương tổ chức sáng tạo, hiệu quả dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Không chỉ lan toả mạnh mẽ thông điệp, hành động của các ứng viên tới cử tri thông qua nhiều điểm cầu, ở khía cạnh khác cho thấy sáng kiến này có thể áp dụng trong giai đoạn sau này, trong giai đoạn bình thường, không phải chống dịch vì số lượng cử tri được tiếp xúc nhiều hơn.
Cuộc bầu cử lần này cũng rất đặc biệt ở chỗ, chúng ta tiến hành trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19 mạnh ở nhiều tỉnh, thành, nhiều nơi đã phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội. Rõ ràng, COVID-19 đã gây áp lực rất lớn đối với các địa phương trong công tác phòng, chống dịch và chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử. Lần đầu tiên, nội dung y tế được lồng ghép với công tác bảo đảm an ninh trật tự để tham mưu, giúp Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến y tế. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hướng đến mục đích tổ chức thành công cuộc bầu cử gắn với việc bảo đảm sức khỏe cho người dân, Ủy ban Bầu cử nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức diễn tập với nhiều tình huống giả định nhằm chủ động phương án xử lý, ứng phó với các nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh. Nhiều nơi đã đưa ra những kịch bản khác nhau tùy theo diễn biến dịch bệnh, giãn tiến độ cử tri đi bầu, bỏ phiếu theo giờ, theo đợt để tránh tập trung đông người, đảm bảo khoảng cách an toàn cho cử tri khi ghi phiếu, bỏ phiếu và đứng chờ… Sự chuẩn bị kỹ lưỡng chắc chắn sẽ giúp cử tri gạt đi nỗi lo khi đi bầu cử trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 đang hết sức phức tạp.
Nói một cách tổng quát, công tác chuẩn bị bầu cử đã được triển khai sớm hơn nhiều so với các kỳ bầu cử trước đây, nhờ đó, dù chịu tác động mạnh của dịch COVID-19 nhưng đến nay có thể khẳng định mạnh mẽ mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất. Cả nước đã sẵn sàng cho ngày hội của toàn dân.
Càng có nhiều thông tin về ứng cử viên càng giúp cho cử tri lựa chọn chính xác người đại diện Nhân dân (Ảnh: Chi Mai)
|
Cuối cùng cần khẳng định, để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, ngoài công tác tổ chức của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương thì việc tham gia đầy đủ của công dân là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng. Người dân đã được thực hiện quyền làm chủ của mình từ giai đoạn giới thiệu người ứng cử, tham gia các Hội nghị cử tri để đóng góp ý kiến, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử. Và ngày hôm nay, sự lựa chọn của cử tri sẽ hoàn toàn quyết định ai sẽ trở thành người đại biểu nhân dân. Mỗi lá phiếu trên tay cử tri "tuy khuôn khổ nó nhỏ bé, nhưng giá trị của nó thì vô cùng lớn" , ở đó là quyền lợi, là nghĩa vụ thiêng liêng của công dân với đất nước. Mỗi lá phiếu đều mang sứ mệnh cao cả, được ví như “viên gạch hồng” góp phần xây dựng địa phương và đất nước.
Vì thế, tất cả các cử tri hãy tích cực, vui vẻ tự mình đi bầu cử, đừng tự chối bỏ quyền thiêng liêng của mình đã được Hiến định.
Điều quan trọng nữa, phải bầu đúng, bầu trúng người thay mặt cử tri, đồng bào để quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc trong chặng đường 5 năm kế tiếp. Đất nước đang đứng trước nhiều vấn đề mới, có cả những thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức gay gắt. Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan quyền lực Nhà nước phải có những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, phù hợp. Cùng với đó, Đại hội XIII của Đảng đã sáng rõ tầm nhìn, định hướng chiến lược cả trước mắt cũng như lâu dài, hướng tới tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn cho dân tộc Việt Nam. Tất yếu, người đại biểu Nhân dân cũng có những yêu cầu, nhiệm vụ mới để cụ thể hóa chủ trương, đường lối trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ ở từng tỉnh, thành phố trên cả nước.
Hiển nhiên, những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân đều đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn luật định. Tuy nhiên, khi cầm lá phiếu trên tay, cử tri phải nghiên cứu, cân nhắc kỹ càng chứ không nên gạch theo cảm tính hay đi bầu cho xong chuyện.
Để lựa chọn những đại biểu thực sự đại diện cho mình từ những ứng cử viên “một chín, một mười”, cử tri phải nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn đại biểu, cơ cấu cần thiết của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, số lượng ứng cử viên và số đại biểu được bầu tại đơn vị bầu cử. Đồng thời dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu kỹ về tiểu sử, về chương trình hành động, lời hứa của ứng cử viên. Càng có nhiều thông tin về ứng cử viên càng giúp cho cử tri lựa chọn chính xác người đại diện mang tâm tư, nguyện vọng của mình đến với các cơ quan quyền lực của Nhà nước.
Có như vậy, ngày bầu cử mới thực sự là ngày hội non sông, thực sự là “một ngày vui sướng của đồng bào ta”./.
Ban Biên tập