Mặt trận sẽ có ý kiến để những ứng cử viên điều chỉnh lời hứa

Đó là khẳng định thành phố của đồng chí Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố (TP), Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử TP Hà Nội khi trao đổi với phóng viên về các giải pháp đảm bảo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra đúng kế hoạch, an toàn, hiệu quả.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương.

PV: Thưa đồng chí! Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa sẽ diễn ra kỳ bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Xin đồng chí cho biết, đến nay, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử của TP đã được tiến hành như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Lan Hương:
Xác định công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch và hướng dẫn MTTQ các cấp tham gia công tác bầu cử và thực hiện các nhiệm vụ trong bầu cử, bảo đảm đúng tiến độ.

Đến thời điểm này, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP Hà Nội đã thực hiện các bước hiệp thương giới thiệu đại biểu ứng cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 đảm bảo dân chủ, đúng Luật và đúng các văn bản hướng dẫn của cấp trên.

Trải qua quy trình 5 bước với 3 vòng hiệp thương chặt chẽ, dân chủ, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã lựa chọn danh sách 36 người ứng cử ĐBQH khóa XV và 160 người ứng cử đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Với tinh thần khẩn trương, bám sát tiến độ và quy định của Luật, các địa phương trên địa bàn TP đã triển khai thực hiện việc niêm yết công khai, trang trọng danh sách chính thức những ứng cử viên ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tạo thuận lợi cho cử tri đến tìm hiểu, nắm bắt thông tin về danh sách, tiểu sử trích ngang của các ứng cử viên.

Hiện, MTTQ Việt Nam các cấp đang tích cực phối hợp tổ chức để các ứng cử viên vận động bầu cử thông qua việc gặp gỡ tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri địa phương nơi mình ứng cử và thông qua phương tiện thông tin đại chúng.

Theo quy định, đối với ĐBQH tổ chức ít nhất là 10 cuộc, đại biểu HĐND cấp tỉnh ít nhất là 5 cuộc và đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã ít nhất là 3 cuộc. Đối với những xã, thị trấn có số lượng cử tri, số thôn ít thì có thể tổ chức từ 1 đến 2 cuộc tiếp xúc cử tri.

Đây là dịp để cử tri đánh giá thực chất năng lực, trình độ của mỗi ứng cử viên, qua đó cân nhắc, quyết định lựa chọn những ứng cử viên có đủ tiêu chuẩn, có khả năng thay mặt Nhân dân tham gia vào Quốc hội, HĐND.

PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về chất lượng các ứng viên nhiệm kỳ này? 

Đồng chí Nguyễn Lan Hương: Chất lượng của các ứng cử viên nhiệm kỳ này cao hơn so với nhiệm kỳ trước, với 100% ứng cử viên ĐBQH có trình độ đại học trở lên và 98,13% ứng cử viên đại biểu HĐND TP Hà Nội có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Tỷ lệ nữ ứng cử ĐBQH và HĐND TP được đảm bảo, đạt 41,67% và 38,75%, cao hơn so với quy định của Luật. Tỷ lệ trẻ và ngoài Đảng của người ứng cử ĐBQH đạt 19,44% và 8,33%; Tỷ lệ này của người ứng cử đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XVI đạt 20,33% và 14,38%.

TP Hà Nội gặp mặt các ứng viên ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND TP khóa XVI.

TP Hà Nội gặp mặt các ứng viên ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND TP khóa XVI.

Đặc biệt, theo phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hà Nội không có cơ cấu dân tộc. Tuy nhiên, thực tế, Hà Nội vẫn có một phần nhỏ dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số. Để đảm bảo có tiếng nói đại diện của đồng bào dân tộc với Quốc hội, Hà Nội đã hiệp thương giới thiệu 01 đại biểu đại diện cho đồng bào dân tộc tiêu biểu để đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc Thủ đô với Quốc hội.

Có thể nói, các đại biểu được lựa chọn đều là những đại diện tiêu biểu, xứng đáng, có đức, có tài, đảm bảo về chất lượng, số lượng, cơ cấu, thành phần.

PV: Trong quá trình vận động bầu cử, với mong muốn nhận được sự tin tưởng của cử tri, sẽ có những ứng cử viên tại các buổi tiếp xúc hứa những điều vượt quá thẩm quyền của mình. Vậy vấn đề trên sẽ được MTTQ giám sát như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Lan Hương: Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 đã quy định cụ thể và rất rõ ràng các hành vi bị cấm trong vận động bầu cử. Do đó, trong vấn đề này, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP sẽ có sự giám sát rất kỹ và nhắc nhở cụ thể với từng địa phương, từng đơn vị bầu cử.

Với vai trò chủ trì tại các hội nghị, trong trường hợp những ứng cử viên hứa những điều vượt quá thẩm quyền của mình tại các buổi tiếp xúc cử tri, Mặt trận các cấp sẽ có ý kiến để những ứng cử viên điều chỉnh lời hứa ngay tại hội nghị.

Bên cạnh vai trò giám sát của Mặt trận và các tổ chức thành viên, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cũng thực hiện tuyên truyền sâu rộng, phát huy tính giám sát toàn dân nhằm tăng hiệu quả giám sát đối với các hình thức vận động bầu cử của người ứng cử, qua đó, sớm phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật và những hành vi vượt quá thẩm quyền của những người ứng cử.

PV: Đồng chí có thể cho biết, Hà Nội đã có sự chuẩn bị các phương án, tình huống cho ngày bầu cử như thế nào? Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay?

Đồng chí Nguyễn Lan Hương: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã hướng dẫn MTTQ các cấp chủ động chuẩn bị tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các quy định của địa phương. Trong quá trình triển khai, Mặt trận các cấp cần chủ động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt để có những hình thức phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Hiện nay, MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã và đang tổ chức các hội nghị để các ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND TP Hà Nội tiếp xúc cử tri vận động bầu cử.

Hiện nay, MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã và đang tổ chức các hội nghị để các ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND TP Hà Nội tiếp xúc cử tri vận động bầu cử.

Về phương án cụ thể, theo hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia về tổ chức bầu cử trong tình huống dịch COVID-19 phát sinh ở các địa phương, tổ bầu cử phải bảo đảm quyền bầu cử trường hợp thực hiện cách ly y tế và tại các địa phương có dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, tổ bầu cử rà soát danh sách cử tri đang thực hiện cách ly y tế tập trung, tại nhà và các trường hợp khác không thể đến phòng bỏ phiếu bình thường theo quy định. Đến ngày bầu cử, tổ bầu cử cử người mang phiếu bầu và hòm phiếu phụ đến địa điểm có cử tri cách ly y tế để cho họ bỏ phiếu. Bỏ phiếu xong phải khử khuẩn hòm phiếu phụ trước khi mang về phòng bỏ phiếu.

Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát dẫn đến không thể tổ chức được việc bỏ phiếu vào đúng ngày bầu cử hoặc địa phương phải áp dụng cách ly hay phong tỏa, Ủy ban bầu cử cấp tỉnh chủ động đề xuất, kịp thời báo cáo rõ phương án (thời điểm, cách thức bỏ phiếu...) để Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.

Bằng sự quyết tâm cao nhất, cả hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô đang nỗ lực thực hiện những phần việc còn lại để đảm bảo sẵn sàng cho ngày hội toàn dân được diễn ra an toàn, thuận lợi.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Phản hồi

Các tin khác