Quỹ Hỗ trợ nông dân - điểm tựa vững chắc để người dân vay vốn thoát nghèo

Với vai trò là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp nông dân, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân, Hội Nông dân Việt Nam luôn tích cực tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về đường lối, chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng giai cấp nông dân và xây dựng nông thôn.

Theo ông Thào Xuân Sùng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, trước yêu cầu đổi mới nội dung hoạt động của các đoàn thể và tổ chức quần chúng trong việc đoàn kết hội viên đoàn viên theo tinh thần Nghị quyết số 8B NQ/HNTW ngày 27/3/1990 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) và trước đòi hỏi bức thiết, chính đáng của nông dân về nhu cầu hỗ trợ vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động Hội thông qua tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế. Trên cơ sở đề nghị của Hội Nông dân Việt Nam, được sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, sự tán thành của Thủ tướng Chính phủ, ngày 2/3/1996 Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) được thành lập với mục đích phát huy tinh thần đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau trong nông dân, tạo thêm nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nhất là hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo; đồng thời xây dựng Quỹ HTND cũng là điều kiện để tập hợp, thu hút hội viên, củng cố tổ chức Hội Nông dân Việt Nam ngày càng vững mạnh.

12

Một mô hình nuôi ong mật ở Sơn La (Ảnh: S.L)

Những ngày đầu khi mới thành lập, Quỹ HTND phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ Quỹ đã cùng nhau đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, xây dựng và phát triển Quỹ trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của Hội Nông dân với hệ thống Quỹ được tổ chức ở các cấp. Đến nay có 1 Quỹ HTND Trung ương, 63 Quỹ HTND cấp tỉnh và 654 Quỹ cấp huyện, quy mô nguồn vốn Quỹ cả hệ thống đạt trên 3.740 tỷ đồng cùng với nguồn ủy thác từ hoạt động phối hợp với các ngân hàng hơn 135.000 tỷ đồng, đã tạo ra hàng triệu việc làm, giúp hàng vạn hộ nghèo ở nông thôn vươn lên no đủ, thoát nghèo và khá giả, mỗi năm thu hút hàng chục ngàn nông dân tham gia tổ chức Hội, góp phần giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn. Thông qua việc gắn hoạt động Quỹ HTND với thực hiện các hoạt động công tác Hội và các phong trào nông dân, Quỹ HTND đã huy động sức mạnh to lớn của cả hệ thống Hội từ Trung ương đến cơ sở, đây chính là điểm khác biệt, là điểm tựa cho phát triển mạnh mẽ và bền vững của Quỹ HTND mà khó có tổ chức tài chính, tín dụng có được khi cho nông dân vay vốn.

Qua các giai đoạn phát triển, Quỹ HTND luôn đổi mới, duy trì được sự tăng trưởng, không ngừng khắc phục những hạn chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư, Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ với Đề án số 966-ĐA/HNDTW của Ban Thường vụ Trung ương Hội về việc "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quy Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2011-2020”, Quỹ HTND đã có sự bứt phá mạnh mẽ và phát triển nhanh về quy mô, tăng tốc với số tiền và hiệu quả sử dụng vốn. Nguồn vốn Quỹ tăng hơn 7 lần. Hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành Quỹ hoàn thiện cả về pháp nhân, bộ máy và chức năng nhiệm vụ. Công tác cho vay, sử dụng vốn thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Phương thức cho vay có nhiều đổi mới, phù hợp với yêu cầu thực tế. Nguồn vốn Quỹ tập trung cho vay theo dự án nhóm hộ, đồng thời lồng ghép với các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ và dạy nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học ky thuật, phát huy tối đa hiệu quả của mô hình sản xuất. Đây chính là hoạt động đặc sắc của Quỹ HTND trong tạo lập các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp là tiền đề xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, những mắt xích quan trong của liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp ở nông thôn.

Từ hoạt động tổ chức, hướng dẫn nông dân sử dụng vốn vay có hiệu quả, cán bộ Hội Nông dân các cấp đã trưởng thành với tư duy, trình độ, năng lực không ngừng được nâng cao; hoạt động Hội được tiếp thêm nguồn lực, nội dung hoạt động đã đi vào chiều sâu, đẩy mạnh công tác Hội và phong trào nông dân và tham gia tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Qua đó thu hút thêm nhiều nông dân tham gia tổ chức Hội, chất lượng hội viên được nâng lên. Hội viên nông dân ngày càng gắn bó với Hội và phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ; vị thế, vai trò, trách nhiệm của Hội trong hệ thống chính trị ngày càng được khẳng định và nâng cao.

Những kết quả Quỹ HTND đã đạt được trong những qua đã khẳng định hướng đi đúng đắn, cách làm sáng tạo, thời kịp thời của Hội Nông dân Việt Nam trong vận dụng Nghị quyết của Đảng, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Quỹ Hỗ trợ nông dân phát huy tích cực vai trò là công cụ, phương tiện, điều kiện quan trọng của Hội Nông dân Việt Nam trong việc tập hợp, đoàn kết nông dân xây dựng Hội và giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh về mọi mặt. Sự trưởng thành của Quỹ Hỗ trợ nông dân là điểm nổi bật trong đổi mới xây dựng tổ chức Hội Nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới góp phần tích cực xây dựng nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Trong thời gian tới với những điều kiện thuận lợi, nhưng cũng có không ít khó khăn thách thức. Những thành tựu của 35 năm đổi mới đất nước, thế và lực của nước ta ngày càng lớn mạnh, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các nước và tổ chức quốc tế mở ra những cơ hội lớn cho sự phát triển; tuy nhiên, những tác động ảnh trưởng của thiên tai, dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, cạnh tranh của cơ chế thị trường, đặc biệt là đại dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu tác động lớn đến kinh tế nói chung, nông nghiệp, nông dân nói riêng... Trước những cơ hội cùng thách thức này trong tiến trình phát triển Quỹ HTND giai đoạn tới cần đặc biệt có sự đoàn kết, năng động, sáng tạo của cán bộ thực hiện và tham gia hoạt động Quỹ để đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, thiết thực, hiệu quả hơn nữa trong hoạt động Quỹ nhằm tiếp tục trở thành kênh dẫn vốn quan trọng đến nông dân, là điều kiện, phương tiện, công cụ cho hoạt động công tác Hội. Vì vậy, hoạt động của Quỹ HTND tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau: Thứ nhất, tích cực phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện khung khổ pháp lý về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND các cấp.

Thứ hai, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động Quỹ HTND trong công tác Hội và phong trào nông dân để tạo sự đồng thuận, đóng góp, ủng hộ Quỹ HTND. Chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động nhằm đẩy mạnh phát triển nguồn vốn từ ngoài ngân sách. Triển khai mạnh mẽ chương trình phối hợp với các Ngân hàng Chính sách xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn để hỗ trợ vốn giúp nông dân liên kết, hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh tham gia các chuỗi giá trị.

Thứ ba, chủ động củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý, điều hành Quỹ HTND các cấp, cùng với tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ Quỹ HTND các cấp có trình độ, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ.

Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động Quỹ các cấp và chương trình phối hợp với các ngân hàng, trong đó chú trọng, nâng cao công tác kiểm tra, đôn đốc việc sử dụng vốn của người vay, kịp thời phát hiện bất cập, rủi ro có thể xảy ra, hạn chế nợ quả hạn phát sinh nhằm quản lý chặt chẽ nguồn vốn Quỹ HTND.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Quỹ HTND, ưu tiên hỗ trợ vốn cho các dự án Nhóm hộ nhằm tập hợp những hội viên nông dân để xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với phát triển tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, chi Hội Nông dân nghề nghiệp làm tiền để xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi tư duy từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh doanh nông nghiệp vì ba mục tiêu năng suất cao, chất lượng cao và giá trị cao./.

Phản hồi

Các tin khác