Vĩnh Phúc: Sức lan tỏa tích cực của Chỉ thị 05 trên địa bàn
Chỉ thị 05 có sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh tư liệu)

100% cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tổ chức học tập, quán triệt nghiêm túc và cụ thể hóa nội dung Chỉ thị thành các chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình, chức năng, nhiệm vụ của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị để tiếp tục tạo những chuyển biến rõ rệt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Báo cáo của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã chỉ rõ: Chỉ thị 05 đã thực sự lan tỏa tích cực trong toàn bộ đời sống văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội và trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, tự giác của mỗi tổ chức đảng và đảng viên; tác động tích cực đến sự phát triển của mỗi ngành, địa phương mà quan trọng hơn là sự chuyển biến rõ rệt trong vai trò nêu gương, tác phong của người đứng đầu các cấp, các ngành; tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật được nâng lên rõ rệt... Từ đó, góp phần giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề bức xúc, nổi cộm trong Nhân dân; từng bước tạo sự đồng thuận, tin tưởng, sự thống nhất về ý chí và hành động của cả hệ thống chính trị. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 một cách sâu rộng, bài bản đã trở thành giải pháp hiệu quả để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ cũng như các quy định về nêu gương của Trung ương và của tỉnh.

Các mô hình hay, cách làm sáng tạo tiếp tục được duy trì và phát huy; các tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến xuất hiện ngày càng nhiều, thuyết phục, và có sức lan tỏa. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, kịp thời, có nét  sáng tạo, thiết thực. Việc lựa chọn một số nội dung trọng tâm, đột phá trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cấp ủy các cấp đã góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém, đồng thời góp phần giải quyết được những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở các địa phương, đơn vị. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm được coi trọng. Công tác sơ kết, khen thưởng được tiến hành kịp thời, thường xuyên, nghiêm túc.

Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, việc xác định nội dung đột phá nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được đặc biệt coi trọng. Theo đó, nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất xác định 03 nhiệm vụ mang tính đột phá để tập trung chỉ đạo gồm: nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương; đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Nhà nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức các hội nghị, cuộc họp của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường thực hiện công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng. 

Đặc biệt, việc đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình hành động, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội mà nhân dân quan tâm.

Cần khắc phục một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả tích cực, đồng chí Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cũng thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục, đó là: Một số địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Chỉ thị số 05 chưa phù hợp với tình hình thực tế, nội dung thực hiện còn chung chung, chưa sáng tạo. Việc cụ thể hóa nội dung học tập và làm theo Bác thành các tiêu chí cụ thể để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện còn có hạn chế.

Đáng chú ý, việc đưa nội dung học tập và làm theo Bác vào sinh hoạt chi bộ thường kỳ ở một số chi bộ chưa được chú trọng. Việc xây dựng cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm của một số cán bộ, đảng viên còn chung chung, chưa gắn với nhiệm vụ cụ thể và chưa được kiểm điểm.

Ngoài ra, việc phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo có lúc còn chưa kịp thời, chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở một số cơ sở đảng. Việc xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến có lúc còn lúng túng, chưa thực sự tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Nguyên nhân của hiện tượng trên được nhìn nhận là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW chưa quyết liệt, chưa tìm được những cách làm hay, phù hợp và chưa dành thời gian thỏa đáng cho việc chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện sống thực dụng, thờ ơ, vô cảm, chưa tích cực trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; công tác đấu tranh phê bình và tự phê bình trong một số tổ chức đảng cấp cơ sở và dưới cơ sở còn hình thức. Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện ở một số địa phương, đơn vị chưa đồng bộ, thường xuyên, chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ở cấp cơ sở cơ bản còn thiếu và đều kiêm nhiệm, thiếu chuyên sâu.

Khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình thực hiện tốt Chỉ thị 05 của tỉnh vừa mới đây
(Ảnh: BTG Tỉnh ủy Vĩnh Phúc)

Một số bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc rút ra một số bài học kinh nghiệm, như:

Một là, quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị phải đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, có hiệu quả của cấp ủy Đảng, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và lan tỏa đến từng cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân; trong triển khai thực hiện phải gắn kết hợp chặt chẽ với tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị; giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề bức xúc của đời sống xã hội, những vấn đề Nhân dân quan tâm.

Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong cuộc sống và công việc hàng ngày. Đồng thời nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên trước Nhân dân trong việc tự giác tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo Bác; trong lãnh đạo, chỉ đạo cần xác định cụ thể nhiệm vụ trọng tâm, nội dung đột phá gắn với nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị.

Ba là, kịp thời phát hiện và nhân rộng những gương điển hình tiên tiến để biểu dương, khen thưởng, tạo động lực, phát huy tinh thần gương mẫu và khuyến khích mọi người học tập, làm theo.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong việc triển khai học tập và làm theo Bác, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, chủ chốt; đồng thời phát hiện và chấn chỉnh những hành vi lệch lạc, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.

Phản hồi

Các tin khác