(ĐHXIII) - Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ 3 (mở rộng) nhiệm kỳ 2020-2025 do Tỉnh ủy vừa tổ chức đã thẳng thắn đánh giá một cách toàn diện kết quả đạt được và hạn chế còn tồn tại của năm 2020. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Hậu Giang có những chỉ đạo, định hướng phù hợp, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong năm 2021.
Một góc TP Vị Thanh hôm nay.(Ảnh: Báo Hậu Giang)
Theo ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang, một trong những dấu ấn nổi bật trong công tác xây dựng Đảng của tỉnh này năm 2020 là Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công tốt đẹp đại hội đảng bộ các cấp, đặc biệt Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, được Trung ương đánh giá cao. Cùng với đó, công tác chính trị, tư tưởng được ưu tiên và có đổi mới; công tác tổ chức, cán bộ ngày càng đi vào nề nếp; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện đúng chương trình, kế hoạch đề ra, hiệu quả phong ngừa khá tốt; hoạt động dân vận có nhiều đổi mới, trong đó dân vận chính quyền được đẩy mạnh.
Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, mang lại hiệu quả tích cực; các phong trào, cuộc vận động, các công trình, phần việc gắn với tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hậu Giang ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng được đảm bảo. Một dấu ấn nữa là việc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh đã và đang được triển khai thực hiện tích cực, đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được quyết tâm thực hiện, với kết quả nổi bật là các chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh của Hậu Giang đều tăng về thứ hạng và giá trị tuyệt đối.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Tiến Châu rất phấn khởi khi kinh tế của tỉnh duy trì đà phục hồi sau làn sóng thứ 1 và thứ 2 của đại dịch COVID-19, đạt 4,53% và đứng đầu các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng so với cùng kỳ (13,2%), vượt 1,6% chỉ tiêu Nghị quyết. Thu ngân sách vượt chỉ tiêu Nghị quyết là một điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Năm 2020, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được chỉ đạo mạnh mẽ, nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân cao đã góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các chương trình phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng, đã hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Song song đó, sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá 3,09%. Sự chuyển dịch sản xuất trong nội bộ ngành nông nghiệp đã và đang mang lại nhiều kết quả đáng mừng, nhiều diện tích mía kém chất lượng đã chuyển sang trồng các loại cây trồng khác hiệu quả hơn. Các sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang lần đầu tiên được chứng nhận, góp phần tăng thêm giá trị của hàng hóa nông sản.
Ngoài các kết quả trên, tỉnh Hậu Giang cũng đã tổ chức thành công Giải Mekong Delta Marathon Hậu Giang lần thứ 2 năm 2020, mang lại nhiều dấu ấn tốt đẹp về đất và con người Hậu Giang trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, giữ vững môi trường ổn định, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Công tác đối ngoại ngày càng đi vào chiều sâu,... có nhiều nỗ lực. Công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế. Đặc biệt là tỉnh Hậu Giang đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc” với nguyên tắc “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch” theo phương châm 4 tại chỗ. Đến nay, trên địa bàn chưa ghi nhận trường hợp dương tính với COVID-19 trong cộng đồng; các trường hợp tiếp nhận, cách ly đều đảm bảo theo quy định.
Năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang tập trung đề ra mục tiêu, đó là tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; tập trung hoàn chỉnh quy hoạch, ưu tiên đầu tư hạ tầng công nghiệp, công nghệ thông tin; phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền tảng chính quyền điện tử và chuyển đổi số.
Đề ra 19 chỉ tiêu chủ yếu cụ thể hóa mục tiêu, trong đó đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh năm 2021 là 6,5%/năm. Để đạt được chỉ tiêu này thì không dễ trong bối cảnh được dự báo còn nhiều khó khăn. Nhiệm vụ, giải pháp được đề ra là phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP của ngành công nghiệp đạt 13,07%, đẩy mạnh tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến nông sản…
Đối với công tác xây dựng Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Tiến Châu yêu cầu Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp Ban Cán sự đảng Uỷ ban Nhân dân tỉnh này và các cơ quan, địa phương có liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định, hướng dẫn phân công, phân cấp giữa các cấp chính quyền ở địa phương; sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, tổ chức theo hướng giảm đầu mối trực thuộc, giảm cấp trung gian, số lượng cấp phó, bảo đảm nguyên tắc một đơn vị có thể thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính…/..
Trường Sơn