(ĐHXIII)- Để nâng cao chất lượng hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu các cấp ủy, chính quyền đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy phải không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động đối thoại của mình trong công tác tiếp dân, xử lý tốt những phản ánh, kiến nghị của dân.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đối thoại với đội ngũ trí thức của tỉnh. (Ảnh: Báo Bình Thuận)
Xác định công tác tiếp dân là một biện pháp quan trọng và thiết thực để củng cố mối quan hệ giữa công dân với Đảng và Nhà nước, là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 11-QĐi/TW về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, trong đó nêu rõ: Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; thực hiện nghiêm việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân; dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, đúng phạm vi thẩm quyền; trình tự, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân; bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định.
Triển khai thực hiện Quy định 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận đã tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai Quy định 11 cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp trong tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc quy định trên; đồng thời ban hành quy chế về việc Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Cấp ủy, Bí thư cấp ủy các cấp trong tỉnh đã nhận thức rõ tầm quan trọng, vai trò, trách nhiệm trong tổ chức, thực hiện công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. 100% cấp ủy các cấp đã ban hành và triển khai thực hiện quy chế người đứng đầu cấp ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, các cơ quan tham mưu phát huy tốt trách nhiệm tham mưu, phục vụ bí thư cấp ủy các cấp thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước; đồng thời, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng và địa phương xử lý, giải quyết những đơn, thư thuộc thẩm quyền được chuyển đến; qua đó, kịp thời đôn đốc, chỉ đạo xử lý, giải quyết dứt điểm những đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, được dư luận quan tâm; hạn chế tình hình đơn thư phức tạp, kéo dài, vượt cấp tại địa phương.
Có thể thấy rằng việc quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc trực tiếp thực hiện tiếp công dân được coi là một bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phát huy dân chủ, hướng tới bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác này, các sở, ngành địa phương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện để đưa các quy định vào cuộc sống. Theo phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, người dân được tiếp rất vui mừng và bày tỏ sự tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tin cậy và tôn trọng việc giải quyết của người đứng đầu; đồng thời, cũng phản ánh tâm tư, nguyện vọng của bản thân về những vụ việc mà chính quyền và người dân còn chưa có tiếng nói chung.
Năm 2020 và 2021 là hai năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, đặc biệt là Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; cùng với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh, nhiều dự án lớn về giao thông, du lịch, dịch vụ, thương mại, khai thác liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; những khuyết điểm trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, tài nguyên môi trường… ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của số đông nhân dân nên công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân sẽ rất quan trọng. Mới đây nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận cũng đã có Văn bản số 1697-CV/TU về việc nâng cao chất lượng hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, theo đó các cấp ủy, chính quyền đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy phải xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân và khiếu nại, tố cáo đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; kịp thời thông tin rộng rãi trên phương tiện truyền thông kế hoạch, lịch tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy để người dân biết tham gia. Khi các cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác tiếp dân, sẽ góp phần huy động sự tham gia rộng rãi của người dân vào hoạt động quản lý của Nhà nước, quản lý xã hội, tạo động lực thúc đẩy hoàn thiện công tác quản lý nhà nước; giúp các cơ quan, đơn vị có điều kiện kiểm tra, đánh giá lại cơ chế chính sách, công tác chỉ đạo điều hành, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân hơn.
Có thể khẳng định, tiếp dân là một biện pháp quan trọng và thiết thực để củng cố mối quan hệ giữa công dân với Đảng và Nhà nước. Thông qua công tác tiếp công dân, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tự do, dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bức xúc, xung đột trong xã hội. Mặt khác, qua việc tiếp dân, người dân sẽ nhìn nhận, đánh giá được trình độ năng lực, thái độ phẩm chất đạo đức của người cán bộ trực tiếp với mình, qua đó có được thông tin tin cậy để phản ánh với cơ quan có thẩm quyền, cũng như để các cấp ủy Đảng đánh giá, lựa chọn đúng nhân sự trong các kỳ bầu cử… Do vậy người đứng đầu cấp ủy phải xác định rõ và đề cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân không chỉ của bản thân mà còn của các đơn vị, địa phương do mình lãnh đạo để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân./.
Huy Toàn