(ĐHXIII) – Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua...", Đảng ủy Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều phong trào thi đua ý nghĩa, thiết thực. Qua đó lan tỏa sâu rộng trong toàn Ngành đến từng tổ chức, cán bộ, đảng viên góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị.
Các phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành Tài chính luôn được
phát động và triển khai sâu rộng (Ảnh: M.P)
Các phong trào thi đua yêu nước được triển khai sâu rộng
Coi thi đua yêu nước là động lực thực hiện nhiệm vụ chính trị, hàng năm, bám sát các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, căn cứ đặc điểm tình hình của các cơ quan, đơn vị trong Ngành, Đảng ủy cùng Lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cấp ủy, đơn vị phát động các phong trào thi đua thường xuyên, thi đua nước rút, chuyên đề với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp hành động cụ thể; tổ chức Lễ phát động thi đua và ký kết giao ước thi đua giữa các cơ quan, đơn vị trong Ngành.
Giai đoạn 2016-2020, với chủ đề, khẩu hiệu thi đua xuyên suốt "Đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt mọi khó khăn thách thức, đẩy mạnh thi đua phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2015 và cả giai đoạn 2016 - 2020”, các phong trào thi đua yêu nước đã được phát động và triển khai sâu rộng, lan tỏa đến khắp các tổ chức đảng, đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Bên cạnh công tác tổ chức thực hiện, công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua và công tác khen thưởng cũng được Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ tập trung chỉ đạo. Nhờ đó, các cơ quan, đơn vị trong Ngành đã tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước; động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua.
Công tác thông tin tuyên truyền, quán triệt, phổ biến các tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chỉ thị của Bộ Chính trị, đường lối, chủ trương của Ðảng và các chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng cũng được Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Qua đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng và nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.
Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước
Trong nhiệm kỳ mới 2021-2025, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tài chính chủ trương tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ tài chính - ngân sách giai đoạn 2021-2025, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020-2025.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tài chính đề ra 06 nhiệm vụ trọng tâm nhằm chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng.
Cụ thể, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đối với các phong trào thi đua yêu nước. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo trong tham gia các phong trào thi đua. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, việc chấp hành các chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả; gắn các mục tiêu, chỉ tiêu thi đua với các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị và hướng đến mục tiêu chung là hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Phát động các phong trào thi đua chuyên đề, đột xuất để giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, nhiệm vụ cấp bách. Tích cực triển khai trong toàn Ngành các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đảm bảo khen thưởng đúng đối tượng, đúng quy định, động viên khen thưởng kịp thời các tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp; các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, chuyên đề.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống các chính sách quy định, hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng, trong đó hệ thống các chính sách cần hướng dẫn kịp thời các quy định mới, các vướng mắc trong công tác thi đua, khen thưởng quan tâm hơn nữa đến các đối tượng khen thưởng là các tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp.
Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Xây dựng kế hoạch cụ thể để kịp thời phát hiện các nhân tố mới, mô hình mới, những tập thể, cá nhân có thành tích trong các phong trào thi đua, có nhiều giải pháp, sáng kiến trong xây dựng đảng, đoàn thể, cơ quan, đơn vị; sáng tạo, dẫn đầu trong các lĩnh vực công tác được giao... để bồi dưỡng, nhân rộng và động viên khen thưởng kịp thời.
Ngoài ra, tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng./.
M.P