Cần Thơ khẳng định vai trò động lực vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
12

Cần Thơ khẳng định vai trò động lực vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (Ảnh: T.N)

Thực hiện Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26-11-2003 của Quốc hội, Cần Thơ chính thức là thành phố trực thuộc Trung ương từ đầu năm 2004. Ngày 17-02-2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Với phương hướng, mục tiêu đó, Bộ Chính trị yêu cầu Đảng bộ Cần thơ tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ chủ yếu là: Làm tốt công tác quy hoạch xây dựng thành phố theo hướng văn minh, hiện đại; Tận dụng mọi cơ hội, khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, bền vững; Huy động các nguồn lực, trong đó đầu tư từ ngân sách được ưu tiên để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và kiến thiết đô thị; Chăm lo phát triển con người một cách toàn diện; Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống; Tiếp tục củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở.

Qua 15 năm phấn đấu, Đảng bộ và nhân dân Cần Thơ đã tạo được những bước phát triển khá ấn tượng, khẳng định vai trò trung tâm động lực vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kinh tế tăng trưởng luôn ở mức cao, bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 7,56%/năm; thu nhập bình quân đầu người hơn 88,3 triệu đồng/người/năm, tăng 29 triệu đồng so với năm 2015 và gấp gần 8,8 lần so với năm 2004. Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, cơ cấu kinh tế của Cần Thơ tiếp tục chuyển dịch theo hướng: Thương mại - dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp.

Cùng với đó, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp trong nửa đầu nhiệm kỳ duy trì mức tăng trên 7,2%/năm; giá trị tăng thêm bình quân 8,74%/năm, đóng góp 29,02% GRDP (kế hoạch đến năm 2020 đóng góp 29,4%); trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ lực chiếm 90% trong giá trị sản xuất toàn ngành. Thương mại dịch vụ phát triển đa dạng với nhiều loại hình, giữ vai trò đầu mối và chi phối, tác động tích cực đến các lĩnh vực khác; hệ thống dịch vụ vận tải phát triển cả đường bộ, đường thủy và hàng không, tạo điều kiện thuận lợi kết nối dịch vụ du lịch, giao thương hàng hóa, thu hút các nhà đầu tư…

Kết quả, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 13,3%/năm (hơn 81 ngàn tỷ đồng năm 2015 lên hơn 134 ngàn tỷ đồng năm 2019). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện trên 8 tỷ USD, tăng bình quân gần 30%/năm (năm 2019 ước đạt 2,163 tỷ USD, tăng 4,5% so cùng kỳ).

Thành phố cũng triển khai nhiều giải pháp thiết thực nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; môi trường đầu tư kinh doanh được tập trung cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài: Đến nay trên địa bàn thành phố có 246 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 1,7 tỷ USD; 103 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư hơn 63 ngàn tỷ đồng; khoảng 10 ngàn doanh nghiệp trong nước đang hoạt động với tổng vốn đăng ký bình quân khoảng 11 ngàn tỷ đồng/doanh nghiệp; có 36/36 xã và 2/4 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới…

Ngoài ra, chính sách an sinh xã hội được quan tâm, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của xã hội, chú trọng giải quyết việc làm; chăm lo tốt cho các đối tượng chính sách, người có công với nước và đối tượng bảo trợ xã hội (từ năm 2016 đến nay xây dựng và sửa chữa được 621 căn nhà tình nghĩa, xây dựng 2.423 căn nhà đại đoàn kết); các chính sách, dự án giảm nghèo được triển khai thực hiện tích cực, giúp nâng cao thu nhập của người dân, góp phần giảm nghèo bền vững…

Với sự năng động, những năm qua Cần Thơ tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng đồng bộ, tích cực, từng bước củng cố được nội lực của nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nỗ lực hướng tâm phát triển trở thành đô thị hạt nhân của vùng.

Phản hồi

Các tin khác