Nhiều chuyển biến từ phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An

Theo đó, trên cơ sở chỉ thị của Ban Thưởng vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch và tiếp tục tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các nội dung, nhiệm vụ chung được kế thừa từ giai đoạn 2011 - 2015; đồng thời tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ mới có tính đột phá nhằm xây dựng NTM hiệu quả, bền vững. Ban chỉ đạo từ tỉnh đến huyện thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra. Ban chỉ đạo các cấp đã kịp thời ban hành kế hoạch, chương trình hành động và phân công cụ thể cho từng thành viên. Thường xuyên tổ chức các đoàn công tác của Ban chỉ đạo tỉnh tiến hành kiểm tra, giám sát, rà soát, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM tại các xã.

Hệ thống giao thông liên thôn, liên xã tại các địa phương ở Nghệ An được phát triển cùng quá trình xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: Việt Hương).

Hệ thống giao thông liên thôn, liên xã tại các địa phương ở Nghệ An được phát triển cùng quá trình xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: VH).

Cùng với đó, các sở, ban, ngành cấp tỉnh cơ bản thực hiện tốt vai trò là thành viên ban chỉ đạo, chủ động, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM như: ban hành chương trình, kế hoạch, hướng dẫn tổ chức thực hiện theo lĩnh vực được phân công; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; thường xuyên nắm bắt cơ sở để kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện xây dựng NTM và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở; hằng năm tổ chức đánh giá, công nhận, tái công nhận đối với các tiêu chí mà ngành được phân công phụ trách…Từ đó, đã góp phần thực hiện thắng lợi trong việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của chương trình.

Đến nay phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” ở tỉnh Nghệ An đã giúp diện mạo nông nghiệp, nông thôn toàn tỉnh có sự thay đổi toàn diện. Nghệ An đã có những bước tiến vượt bậc, đứng thứ 5 trong cả nước về xây dựng NTM. Chí tính trong giai đoạn 2026-2020,  Nghệ An đã huy động được hơn 56 nghìn tỷ đồng từ Trung ương, các chương trình, dự án, các đơn vị, doanh nghiệp... để thực hiện xây dựng NTM. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, sự đầu tư nguồn lực đúng trọng tâm, trọng điểm nên kết quả xây dựng NTM mà Nghệ An đạt được đồng đều và toàn diện. Bình quân toàn tỉnh hiện đạt gần 16 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Ngoài 3 đơn vị cấp huyện, 225 xã và 674 thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới, Nghệ An hiện có thêm 1 huyện (Yên Thành) và 35 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí; khả năng đạt và vượt mục tiêu có 61,5% số xã đạt chuẩn trong năm nay. Năm 2020, Nghệ An tiếp tục phấn đấu có thêm 25 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn của toàn tỉnh lên trên 65%.

Đoàn viên thanh niên Chi đoàn Công an huyện Anh Sơn phối hợp địa phương tham gia làm đường giao thông nông thôn ở xã Hùng Sơn. (Ảnh: congannghean).

Đoàn viên thanh niên Chi đoàn Công an huyện Anh Sơn phối hợp địa phương tham gia làm đường giao thông nông thôn ở xã Hùng Sơn. (Ảnh: congannghean).

Đặc biệt, trên cơ sở phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Nghệ An cũng là một trong những tỉnh thực hiện thành công về chuyển cơ cấu nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương. Trong sản xuất nông, lâm, thủy sản đã có nhiều bước tiến mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tỉnh đã có những mô hình nổi tiếng cả nước về ứng dụng công nghệ cao như Trang trại TH, những đột phá trong khâu giống trong sản xuất lúa, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 8 nhóm cây trồng (rau, lúa, lạc, chè, mía, cây ăn quả, cây dược liệu, giống cây lâm nghiệp), 5 con vật nuôi (bò sữa, bò thịt, lợn thịt, gia cầm và tôm thẻ chân trắng) chủ lực để thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào các khâu chính như giống, canh tác, nuôi trồng và bảo quản sau thu hoạch. Nghệ An có những vùng chuyên canh cây nguyên liệu rộng lớn (cam, cao su, mía, chè, cà phê, chanh leo, dứa, lạc, sắn,…) và hàng trăm nhà máy công trình khắp các huyện, thành thị; hình thành nhiều vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn với chế biến, xuất khẩu (chè, cao su, mía, vùng nuôi tôm ven biển). Xây dựng thành công nhiều mô hình liên kết, các cánh đồng lớn theo chuỗi giá trị, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân.

Tính đến quý IV năm 2020, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu của quá trình sản xuất ước tính đã đạt 9.502 ha (chiếm 3,1% diện tích canh tác nông nghiệp); giá trị sản xuất bình quân của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm. Cả tỉnh có 182 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, có 158 làng nghề và quy mô ngày càng lớn, từ đó tạo thêm việc làm tại chỗ cho người dân. Trên cơ sở quy hoạch và đề án xã NTM được phê duyệt; đến nay tất cả các xã thuộc 20 huyện, thành phố, thị xã, đặc biệt là 3 xã xây dựng NTM kiểu mẫu đã hoàn thành công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Anh Phan Văn Tuệ ở xã Liên Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết, cùng với quá trình xây dựng NTM, đời sống của người dân trong xã đã có sự khởi sắc mạnh mẽ. Mọi người được thụ hưởng thành quả xây dựng nông thôn mới và luôn tích cực tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua do cấp ủy, chính quyền phát động.

Có thể thấy, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” ở Nghệ An đã thực sự trở thành một phong trào nòng cốt, trọng tâm đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa sâu rộng ở địa phương, thu hút được người dân và cộng đồng hăng hái tham gia. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới chuyển biến rõ nét. Nhiều cán bộ thực sự tâm huyết, trách nhiệm cao với phong trào. Người dân có ý thức trong xây dựng nông thôn mới. Đây chính là cơ sở để diện mạo nông thôn các địa phương có nhiều chuyển biến, đời sống người dân không ngừng được nâng lên.

Theo đồng chí Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, có được kết quả trên là nhờ có sự quan tâm trực tiếp của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của mỗi địa phương, đơn vị; có nhiều sáng kiến, cách làm hay. Phong trào thi đua được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, kịp thời với nhiều biện pháp, nội dung phù hợp, sát với thực tế. Phong trào thi đua đã đi vào đời sống, được các cấp, các ngành hưởng ứng và người dân nhiệt tình ủng hộ, tích cực tham gia. Các mô hình xây dựng nông thôn mới tại địa phương được đánh giá cao và phát huy tốt hiệu quả trong thực tiễn. Thông qua việc triển khai thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh./.

Phản hồi

Các tin khác