Ninh Bình bảo tồn những giá trị tốt đẹp để xây dựng NTM bền vững. Ảnh: tuyengiao.vn
Những kết quả đáng khích lệ
Nông nghiệp, nông thôn Ninh Bình trong 5 năm qua đã khai thác tích cực những tiềm năng lợi thế để phát triển và đạt được những kết quả khá toàn diện, ổn định. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp được tập trung triển khai với các giải pháp tổng thể, đồng bộ; thiết chế hạ tầng nông nghiệp và phòng chống thiên tai được nâng cao; xây dựng nông thôn mới quyết tâm và sáng tạo, đẩy mạnh thực hiện an sinh xã hội; quan tâm đến công tác môi trường. Các mô hình sản xuất triển khai hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường ứng dụng các công nghệ tiến bộ, phát triển thị trường, chuyển đổi các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp. Trong đó sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hữu cơ, theo hướng hữu cơ, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch, dịch vụ được quan tâm chỉ đạo.
5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015-2020) cũng là 5 năm nông nghiệp Ninh Bình thực hiện cơ cấu lại sản xuất và để lại nhiều dấu ấn: 100% số xã trong tỉnh thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa, góp phần thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất.
Trong ngành hàng lúa gạo, toàn tỉnh đã có sự chuyển mạnh về chất lượng và giá trị với cơ cấu 70% là lúa chất lượng cao, đặc sản, trong đó có khoảng 300 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ. Với ngành hàng rau quả, đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến rau, củ, quả tiên tiến đứng chân trên địa bàn; các khu nhà lưới, nhà kính sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao cũng ngày càng được nhân rộng. Lĩnh vực chăn nuôi chuyển dịch mạnh từ sản xuất nông hộ sang trang trại, gia trại. Lĩnh vực thủy sản có những bước đột phá cả về diện tích, sản lượng và công nghệ.
Từ chỗ không mấy tên tuổi trong làng thủy sản, Ninh Bình đã trở thành trung tâm của ngành sản xuất giống ngao, hàu; nông dân đã làm chủ được công nghệ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh 3 vụ/năm trong nhà bạt với doanh thu lên tới 8-10 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, 5 năm qua, các địa phương trong tỉnh đã chuyển đổi khoảng 6 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng rau, cây ăn quả cho hiệu quả rõ nét, đem lại giá trị từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha, cao gấp 10 lần so với trồng lúa.
Ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình cho biết: Với quyết tâm cao và giải pháp đồng bộ ngay từ những năm đầu thực hiện, đến nay, các chỉ tiêu về phát triển nông nghiệp, nông thôn đều đạt và vượt kế hoạch: Giá trị sản xuất (theo giá trị so sánh 2010) năm 2019 đạt 8.626 tỷ đồng, năm 2020 ước đạt 8.857 tỷ đồng; bình quân giai đoạn 2015-2020 tăng 2,02%/năm (mục tiêu đề ra là 2%).
Giá trị 1 ha canh tác năm 2019 đạt 130 triệu đồng, năm 2020 ước đạt 135 triệu đồng, tăng 27 triệu đồng/ha so với năm 2015 (mục tiêu đề ra là 130 triệu đồng/ha). Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng giảm trồng trọt, tăng thủy sản, chăn nuôi, dịch vụ.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) từ một tỉnh có điểm xuất phát thấp, điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, cách làm sáng tạo, hiệu quả nên Ninh Bình đã đạt được kết quả khá toàn diện. Dự kiến, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 106/116 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 90,67% tổng số xã thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh; 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 1 thành phố (Tam Điệp) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 3 huyện (Yên Khánh, Hoa Lư, Gia Viễn) được công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành vượt mức mục tiêu đề ra.
Thời cơ - Thách thức đan xen
Diện mạo tươi đẹp trong xây dựng nông thôn mới tại các huyện, xã. Ảnh: ninhbinh.gov.vn
Đồng chí Vũ Nam Tiến, Ủy viên BCH Đảng bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết: Thời gian tới, Ninh Bình cần phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, hữu cơ, chất lượng cao giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, gắn với phát triển du lịch nhưng vẫn chú trọng đảm bảo mục tiêu "tam nông".
Để hiện thực hóa được mục tiêu đó, đưa phát triển nông nghiệp trở thành một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh, trước hết cần thực hiện hiệu quả chương trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương; chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đặc hữu hướng tới phục vụ du lịch, trong đó tập trung vào các sản phẩm có tính đột phá, hiệu quả cao; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; phát huy vai trò kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển kinh tế hộ, xây dựng nông thôn mới; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tập trung quy hoạch vùng sản xuất gắn với bố trí cơ cấu, diện tích các loại cây trồng con nuôi phù hợp; quy hoạch, chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với lợi thế từng vùng; quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế vùng ven biển; kiểm soát, khai thác tài nguyên biển gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng; phát triển du lịch, dịch vụ sinh thái ven biển, nuôi trồng khai thác hải sản vùng nước ven bờ và đánh bắt xa bờ; xây dựng khu công nghiệp tạo điểm nhấn về vùng kinh tế năng động, phát triển đô thị, trung tâm du lịch sinh thái ven biển huyện Kim Sơn.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh có cả thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen. Ninh Bình có lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, giao thông thuận lợi trong mối liên kết vùng, du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo những đột phá trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cả nông nghiệp.
Nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường cho nông sản, tăng khả năng tiếp cận với khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý; đồng thời sẽ phải đối mặt với thách thức cạnh tranh. Bệnh dịch tả lợn Châu Phi, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường; thiên tai, biến đổi khí hậu tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp; Tỷ lệ nhân lực nông nghiệp được đào tạo còn thấp so với yêu cầu phát triển của một nền nông nghiệp đặc hữu hướng tới phục vụ du lịch, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ.
Mới đây, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát và làm việc với tỉnh Ninh Bình. Bộ trưởng đề nghị, tới đây, tỉnh Ninh Bình cần xây dựng một nền nông nghiệp chủ đích phục vụ cho du lịch. Đó là nền nông nghiệp hữu cơ, thông minh, "thuận thiên", kết hợp giữa khoa học công nghệ và tập quán văn hóa cổ truyền, đặc hữu chỉ có ở Ninh Bình. Bộ Nông nghiệp & PTNT sẽ cử các chuyên gia ở các đơn vị tư vấn lớn, uy tín về Ninh Bình để định dạng lại nền sản xuất nông nghiệp cho tỉnh. Xác định cụ thể đối tượng chủ lực là cây gì, con gì, sản xuất ở vùng nào, từ đó đưa ra các quy hoạch tổng thể, có giải pháp về kỹ thuật, công trình, xúc tiến thu hút đầu tư. Mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển một cách bền vững, nâng cao thu nhập và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nông dân.
Theo bản Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Ninh Bình phấn đấu đến năm 2025 nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm tỷ trọng 8,5%; Giá trị sản xuất trên 01 ha đất canh tác đến năm cuối nhiệm kỳ đạt 160 triệu đồng; Đến năm 2023, tỉnh Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Đến năm 2025 có 100% số xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 30% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Có thể nói, để hoàn thành vượt mức mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, toàn ngành nông nghiệp Ninh Bình cần quyết tâm, tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành, tăng cường sản xuất hữu cơ, sản xuất hàng hóa gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh./.
TL